Từ Thủ Dầu Một đến Long Xuyên
Hôm nay, ngày 20/2, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Bình Dương sẽ tưng bừng đón chào lễ khánh thành trung tâm hành chính tập trung thuộc loại lớn nhất Việt Nam. Cùng lúc đó, đội bóng trị giá hàng triệu đô của họ cũng hăm hở kéo quân xuống Long Xuyên, với dự kiến tìm thêm một chiến thắng nữa để trở lại là chính mình.
Trung tâm hành chính tập trung mới của tỉnh Bình Dương to và oách lắm. Khởi công xây dựng vào năm 2011, nay khi hoàn thành nó sẽ là tòa tháp đôi cực kỳ nổi bật: cao 104m, 20 tầng lầu dựng đứng song song được nối bằng một hành lang ở tầng 17. Trung tâm hành chính tập trung thuộc diện to nhất nhì nước ấy đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe thời thượng nhất, kể cả bãi đáp trực thăng. Cũng phải thôi, tổng vốn đầu tư vào những 1.400 tỷ đồng chứ ít. Đây sẽ là ngôi nhà mới cho hơn 60 cơ quan, đoàn thể, đơn vị khối Đảng… tọa lạc tại trung tâm thành phố mới có diện tích đến cả ngàn hecta vừa được xây dựng.
Trọng Hoàng (9-B.BD) Ảnh: DƯ HẢI
Chắc chắn, một tòa nhà hoành tráng như thế sẽ là niềm mơ ước của mọi nơi. Không phải tỉnh nào cũng có điều kiện để xây “hoành tá tràng” như thế. Cũng như cách người Bình Dương làm bóng đá vậy.
Nói về cách làm bóng đá của Bình Dương, có thể lấy trường hợp của trung vệ Chí Công làm điển hình. Có mác tuyển nhưng chưa bao giờ là kép chính, ấy thế nhưng Công “Tây” trong lần tái ký với B.BD dễ dàng có được 9 tỷ đồng đút túi. Đấy là mức giá rất đáng nể nếu biết cỡ những siêu sao bóng đá nội như Việt Thắng, Như Thành, Quang Hải… trong giai đoạn tài chính hoàng kim nhất của nền bóng đá cũng chỉ mơ đến mức ấy. Nếu là nơi khác, chắc chắn cựu cầu thủ Cần Thơ sẽ không bao giờ có được số tiền lớn như vậy. Cái chính và may mắn, anh lúc ấy ăn cơm Bình Dương.
Cuối tuần này thầy trò HLV Lê Thụy Hải sẽ có chuyến hành quân xuống làm khách tại sân Long Xuyên. Không xông xênh như Gò Đậu, đấy là sân bóng nhỏ, cũ kỹ và chỉ vừa thơm được mùi cỏ. Đấy là phải nhờ sức ép mạnh mẽ từ VPF mới dẹp được cái chợ cá tanh rình tụ tập bao năm ngay lối vào SVĐ. An Giang, tính ra là trung tâm kinh tế lớn nhất nhì miền Tây, là vựa gạo và cá nước ngọt số 1. Ấy thế nhưng vẫn nghèo lắm. Để có ngày có được tòa nhà trung tâm hành chính tập trung như Bình Dương, chẳng biết phải đợi đến bao giờ.
Tỉnh nghèo, nên đội bóng cũng nghèo. Nghe đâu quân HV.AG cũng đang “rầu” lắm. Như những đợt di chuyển xa nhà, thay vì như đội khác được ở lại ngủ một đêm để hồi sức, đa phần họ phải ăn vội để còn kịp hành quân trong đêm nhằm nhẹ được chút tiền khách sạn. Đội hình của HV.AG, cái tên nổi tiếng nhất e có giá chẳng bằng tiền lót tay một năm của một cầu thủ dự bị tại Gò Đậu. Họ cũng có những cái tên dễ để ý như Thanh Bình, Santos, Vũ Dương hay Felix… Nhưng rõ ràng, khi mà bộ tứ huyền ảo nhất của “ngựa ô” Đồng Nai năm 2013 về Gò Đậu còn chỉ để làm quân xanh trong các buổi tập, con người của HV.AG chẳng là cái “đinh ghỉ” gì.
Bóng đá không phải trò chơi có tính logic. Số tiền bỏ ra không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với thành công trên sân cỏ. B.BD cũng vậy, nhà “đông” tiền thế, nhưng chỉ đang hơn mỗi HV.AG trên bảng xếp hạng chỉ nhờ cái tên xếp trước trong bảng chữ cái. Lẽ dĩ nhiên, khả năng họ sớm vươn lên nữa là khá cao. Nhưng tất cả còn phải coi kết quả sau 90 phút tại cái sân Long Xuyên nhỏ và cũ kỹ đã.
Đã có những tín hiệu tương đối rõ sau chiến thắng trước Đồng Nai. Hoặc như cách một cầu thủ B.BD chép miệng: “Đá mãi mới thắng được thì 3 điểm trước Đồng Nai chả có gì để ăn mừng cả”. Cái thế và lực của B.BD, đội bóng đến từ tỉnh hiếm hoi xây được toà nhà hành chính tập trung, lại là tháp đôi cao hơn trăm mét là thế. Nó không như HV.AG sẽ phải ca bài ca ý chí.
Hôm nay tỉnh Bình Dương rộn ràng mở hội. Rất có thể vài ngày tới, tại Long Xuyên xa xôi, thầy trò HLV Lê Thuỵ Hải cũng có thể tươi tỉnh với 3 điểm có được trước HV.AG. Nhưng bóng đá luôn tồn tại biến số, và sẽ chờ xem cái đội HV.AG nghèo và im ỉm tiếng này có lấy những thất bại để đốt cháy lòng tự trọng mà chiến một trận lấy tiếng, tạo danh không…