Sir Alex: Chuyên gia tạo “bom tấn”
Trong sự nghiệp lẫy lừng, Ferguson đã thực hiện nhiều bản hợp đồng gây sốc.
Nhà cầm quân người Scotland là một trong những HLV cá tính nhất trên thế giới và điều đó được thể hiện ngay trong cách ông tiến hành những phi vụ chuyển nhượng. Ferguson đã không ít lần “đánh bạc” với các mục tiêu mà mình theo đuổi để rồi nếm trải cả thành công tột đỉnh lẫn thất bại bẽ bàng. Thương vụ van Persie đang gây ầm ĩ trong làng bóng đá Anh nhưng cũng chỉ là một trong rất nhiều bản hợp đồng đình đám mà Fergie đã thực hiện trên cương vị HLV MU.
Eric Cantona
Đây là thương vụ được xúc tiến một cách chóng mặt nhất của Ferguson. Tháng 1/1992, Cantona mới vượt biển Manche sang thử việc 1 tuần ở Sheffield Wednesday. Nhưng Sheffield lại không nhanh tay ký hợp đồng với Cantona để rồi HLV Howard Wilkinson của Leeds Utd đã mang anh về Elland Road với cái giá 900.000 bảng. Trên thực tế, mùa đầu tiên ngắn ngủi của Cantona ở Leeds chỉ giúp anh có vỏn vẹn 3 bàn thắng sau 15 trận.
Cantona trở thành một tượng đài của MU
Nhưng bước ngoặt thực sự đến ở trận tranh Charity Shield với Liverpool trên sân Wembley ở đầu mùa giải sau đó (1992/93). Đấy là trận đấu mà Cantona lập hat-trick cực kỳ ấn tượng và Ferguson, một cách tình cờ, đã chứng kiến màn thăng hoa ấy để ngay lập tức gọi cho GĐĐH Martin Edwards và thông báo rằng ông muốn có cầu thủ người Pháp. Chủ tịch Leeds lúc bấy giờ, Bill Fotherby đồng ý bán Cantona nhưng kèm điều kiện MU phải nhượng lại Dennis Irwin. Ferguson cương quyết rằng Irwin không phải để bán và gửi lời đề nghị cuối cùng trị giá 1,2 triệu bảng tới Leeds. Ba tháng sau, ngày 26/11/1992, Cantona ký hợp đồng với MU và sau đó như tất cả đã biết, chỉ với 4 mùa rưỡi khoác áo Quỷ đỏ, “đứa con lạc loài của bóng đá Pháp” đã trở thành một huyền thoại tại Old Trafford.
Juan Veron
“Độ chơi” của Ferguson được thể hiện rất rõ trong vụ chuyển nhượng này. Bất chấp lối đá latin có vẻ không hợp với Premier League của Veron, “máy sấy tóc” vẫn quyết tâm đưa anh về từ Lazio với cái giá kỷ lục ở thời điểm Hè 2001 là 28,1 triệu bảng. Bản hợp đồng 5 năm được ký biến ngôi sao người Argentina thành cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử bóng đá Anh lúc bấy giờ. Nhưng hai năm sau đó là quãng thời gian đáng quên của Veron. Anh không thể thích nghi với MU để rồi phải khăn gói sang Chelsea vào năm 2003. Tờ The Times sau này đã liệt vụ chuyển nhượng Veron vào danh sách 50 bản hợp đồng tệ nhất lịch sử Premier League.
Rio Ferdinand
Đúng một năm sau khi mua Veron, Sir Alex lại khiến làng bóng đá Anh rung chuyển bằng một “bom tấn” khác mang tên Ferdinand. 30 triệu bảng là số tiền mà MU đã chi ra để lấy được Rio từ Leeds Utd. Anh trở thành hậu vệ đắt giá nhất xứ sương mù thời điểm đó. Giới truyền thông Anh đồn rằng những thỏa thuận kèm theo và cả tiền phí đại diện thậm chí đã đẩy tổng giá trị vụ này lên con số khổng lồ 34 triệu bảng. Nhưng dù có như thế, Ferdinand rõ ràng là một quyết định đầu tư sáng suốt của Fergie.
Ferdinand gia nhập MU với giá kỷ lục
Wayne Rooney
Mới chỉ 18 tuổi, Rooney đã là một “hiện tượng” của nước Anh khi ra mắt trong đội một Everton. Ngay lập tức, cả MU và Newcastle nhảy vào cuộc đua giành “thần đồng xứ sương mù”. Everton từ chối 20 triệu bảng của Newcastle và MU lập tức nhảy vào với số tiền chồng lên bàn đàm phán là 25,6 triệu bảng. Con số "điên rồ" ấy biến Rooney thành cầu thủ dưới 20 tuổi đắt giá nhất trong lịch sử mua sắm của đội bóng áo đỏ. Nhưng những đóng góp của “gã Shrek” từ 2004 đến nay cho thấy đây chắc chắn là một trong những thương vụ thành công nhất của Sir Alex.
Bebe
Ngày 12/8/2010, MU khiến các fan của họ ngã ngửa với tuyên bố chiêu mộ thành công tiền đạo Bebe, cầu thủ xuất thân từ làng bóng đá dành cho người vô gia cư. Với một chân sút có bản lý lịch nghèo nàn như thế, cứ ngỡ MU chỉ phải bỏ ra 1 hoặc 2 triệu bảng là cùng. Nào ngờ, đội bóng Anh phải móc ví đến 7,4 triệu để trả cho CLB Vitoria de Guimaraes của Bồ Đào Nha. Sốc hơn nữa khi chính HLV Ferguson sau đó thừa nhận chưa hề xem Bebe chơi bóng và giải thích lý do mua Bebe là “đôi khi người ta phải hành động theo bản năng”. Và có vẻ như ở tuổi thất thập, “bản năng” của “ông già gân” không còn phát huy tác dụng như thời trai trẻ. Bằng chứng là Bebe, sau 2 năm, vẫn đang vật lộn tìm một vị trí trong đội hình… dự bị.