“Running Man”: Chạy, chạy nữa, chạy mãi
Có một người đang được cả nước nói đến với sự tò mò ghê gớm. Người ấy từ một kẻ vô danh vụt nổi tiếng và được cả báo quốc tế chú ý. Người ấy không mặc áo ngực. Bạn đang nghĩ về Bà Tưng? Không phải, nhân vật được nói đến ở đây là “Running man”!
“Running man”, nghe là hiểu, không cần phải dịch ra làm gì. Arsene Wenger đã dùng từ ấy, hàng loạt báo chí Anh đã dùng từ ấy để nói về chàng trai đã chạy theo xe của Arsenal hàng cây số để tiếp tục có thể nhìn thấy những thần tượng của mình trong tầm mắt.
Thành quả đạt được còn hơn cả sự chờ đợi của anh. Anh được mời lên xe, ký tặng, đổi áo, anh được tiếp đón ở khách sạn, được mời vào sân và trúng luôn một chuyến đi Anh xem Arsenal thi đấu.
Chạy, chạy nữa, chạy mãi. Đấy mãi là câu chuyện của bóng đá và cuộc sống này. Hình ảnh Running man có chút gì đó gợi nhớ đến Forrest Gump, người chạy xuyên nước Mỹ trong tác phẩm nổi tiếng đã ăn giải Oscar. Nó lại gợi nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn ở thảo nguyên: mỗi sáng thức dậy con linh dương phải chạy, nó phải chạy nhanh hơn con sư tử để không bị ăn thịt. Con sư tử cũng chạy và phải chạy nhanh hơn con linh dương nếu không muốn bị chết đói.
Xuân Tiến và màn chạy bộ khó tin
Trên sân Mỹ Đình, chúng ta cũng chạy như “Running man”, chạy như những cái bóng của Arsenal. Trình của họ với ta còn xa quá. Mà việc phải chạy theo Arsenal suốt cả trận mệt lử cũng có một phần do ta không chạy trong quá khứ. Khi Arsene Wenger ngợi khen ta giống Nhật Bản vào giữa thập niên 1990, có chút gì đó buồn buồn và xấu hổ. Ngày xưa trình Nhật Bản cách xa tuốt luốt đến nỗi sau một trận đấu giữa thập niên 1960, họ đã tặng ta một chiếc giày nhỏ với hàm ý ngưỡng mộ, Nhật tự nhận mình chỉ là chiếc giày nhỏ so với chiếc giày to là Việt Nam.
Vậy mà bây giờ, trong khi Nhật đã trở thành chiếc giày ngoại cỡ, là đội bóng số 1 châu Á và dự World Cup như đi chợ, ta vẫn như chiếc dép lê lẹp xẹp quanh quẩn bên bờ ao nhà mình. Tất cả vì bóng đá Nhật luôn chạy trong khi ta lại đứng im. Từ một đội bóng hạng nhất nhì khu vực, ta chìm trong những mục tiêu ngắn hạn, quanh quẩn SEA Games với Tiger Cup (sau là AFF Cup) mà không thể phóng tầm nhìn ra xa hơn (vì sức có thế, lực có thế).
Wenger đã nói một câu trong cuộc họp báo sau trận đấu: bóng đá đang di chuyển với tốc độ rất nhanh và tất cả đội bóng cũng phải tiến bộ không ngừng để theo kịp đà phát triển ấy. Chính Arsenal cũng là nạn nhân của việc không chạy, hoặc chạy không đủ nhanh để rồi từ một đội bóng bất khả chiến bại chợt trải qua 8 năm không danh hiệu. Họ đang nỗ lực chạy để bù lại khoảng cách mà Chelsea, M.U hay Man City đã tạo ra.
Phần thưởng cho sự nỗ lực
Còn bóng đá Việt Nam thì sao? Chúng ta cũng nên bắt đầu chạy. Cầu thủ chạy, quan chức cũng phải chạy, một nền bóng đá phải chạy và chuyển mình. Sân Mỹ Đình lèn kín khán giả không chỉ vì họ muốn nhìn thấy những ngôi sao hàng đầu của Arsenal mà còn muốn thấy các học trò của HLV Hoàng Văn Phúc có thể làm được những gì trước một đội bóng hàng đầu. Họ chính là nền tảng, là chất xúc tác để một cả một nền bóng đá cùng chạy. Còn khán giả là còn hy vọng. Ở Trung Quốc, người ta đang đổ ra hàng đống tiền mua ngôi sao và HLV xịn chỉ để kêu gọi khán giả đừng tảy chay họ sau scandal bán độ đầy tai tiếng. Còn CĐV, là còn năng lượng.
Vâng, cổ động viên bóng đá thì luôn cuồng nhiệt, sau “Running Man” Vũ Xuân Tiến hẳn sẽ thêm nhiều “Running Man” khác. Mà hình như trong lúc chúng ta đang bàn đến chuyện chạy thì giá xăng cũng đã kịp chạy lên một mức đáng kể.
Xem màn chạy bộ ấn tượng của Xuân Tiến theo xe Arsenal: