"Quân sư" Nhật Bản chê ngoại binh V-League
Bất chấp việc các CLB ở V-League vẫn đang thở bằng "buồng phổi" ngoại, chuyên gia người Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe đã thẳng thắn chê các ngoại binh khi dự khán trận HAGL-ĐT.LA ở vòng 2 vừa qua.
Nhân chuyến “vi hành” tới Pleiku thăm đại bản doanh của đội bóng bầu Đức, đồng thời chứng kiến trận HAGL-ĐT.LA, ông Tanabe-cố vấn cho Hội đồng quản trị VPF, đã đưa ra những nhận xét ban đầu của mình về bóng đá Việt Nam.
Xin chào ông Kazuyoshi Tanabe đã đến Gia Lai. Cảm nhận của ông ra sao khi đặt chân tới đây?
-Ngoài Hà Nội và TP.HCM, thì Gia Lai là địa phương mà tôi có nhiều thời gian lưu lại nhất, tổng cộng 3 ngày. Chừng đó không nhiều nhưng cũng tạm đủ để nói lên đôi điều gì đó với các bạn. Ấn tượng của tôi về Pleiku, đây là một thành phố nhỏ nhưng khá đẹp, phong thủy tốt. Đường sá nhiều dốc, xe máy rất nhiều, khí hậu mát mẻ.., rất phù hợp với các hoạt động thể thao.
Ông nhận xét như thế nào về trận đấu giữa HAGL-ĐT.LA?
-Xin nói ngay rằng ở trận đấu này, rất nhiều cầu thủ người Việt Nam có kỹ thuật chơi bóng tốt hơn các ngoại binh có mặt trên sân. Bên phía HA.GL là cầu thủ mang áo số 16 (Văn Nhiên), 3 (Văn Trương), 26 (Trần Vũ). Phía ĐT.LA là số 27 (Nhật Tân)…
Nhận xét này có mâu thuẫn hay không khi cả 2 bàn thắng của trận đấu đều thuộc về ngoại binh Evaldo và Oseni?
-Ở đây, các cầu thủ ngoại chỉ trội hơn cầu thủ nội về thể hình và thể lực, còn ai ghi bàn lại là chuyện khác. Các cầu thủ ngoại chủ yếu thi đấu trên hàng tiền đạo, nhiệm vụ chính của họ là phải ghi bàn. Và họ đã làm được việc đó, bình thường thôi.
Chuyên gia Nhật Bản Tanabe chê chất lượng ngoại binh V-League
Nếu như vậy, nên chăng V-League cấm luôn ngoại binh để tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ rèn giũa?
-Không phải vậy! Theo tôi đã thuê thì thuê luôn những cầu thủ có chất lượng cao hơn hẳn để có cái mà học hỏi. Chẳng hạn, trước khi Nhật Bản tổ chức giải bóng đá nhà nghề cách đây 20 năm, chúng tôi đã đi khảo sát mô hình bóng đá tiên tiến của các nước trên thế giới. Đồng thời động viên các CLB bỏ tiền ra thuê cầu thủ đẳng cấp thế giới về thi đấu.
Ở cấp đội tuyển quốc gia, hàng năm chúng tôi mời một số đội tuyển mạnh của thế giới như Đức, Pháp, Brazil, Anh… sang thi đấu hoặc ngược lại để giúp các cầu thủ học hỏi, nâng cao trình độ. Nhờ đó, hiện nay bóng đá Nhật Bản được đánh giá là số 1 ở châu Á. Đội tuyển quốc gia thường xuyên có mặt tại các vòng chung kết World Cup, làn sóng cầu thủ Nhật Bản sang thi đấu tại châu Âu hiện nay cũng nhiều nhất châu Á…
Nhiều người cho rằng, tương lai bóng đá Việt Nam đang nằm ở Học viện HAGL-Arsenal JMG. Sau khi thăm quan nơi này, ông đánh giá thế nào?
-Tôi xin nhấn mạnh điểm này, bóng đá không chỉ là đá bóng trên sân cỏ. Muốn tồn tại bóng đá cần có thêm nhiều thứ khác kèm theo như công tác điều hành, vận động tài trợ, quảng bá thương hiệu, sinh hoạt giải trí, học tập văn hóa…
Phải công nhận hệ thống cơ sở vật chất, hệ thống đào tạo cầu thủ từ U13 đến U19 ở đây rất tuyệt vời, rất chuyên nghiệp. Đây là câu lạc bộ chuyên nghiệp nhất của bóng đá Việt Nam.
Sắp tới đây, đội U19 Học viện HAGL-Arsenal JMG sẽ lên đường sang đất nước ông tham dự giải quốc tế. Ông hi vọng gì về chuyến đi này?
-Theo tôi được biết, tại giải này HAGL-Arsenal JMG nằm ở bảng đấu rất mạnh, gồm U17 Nhật Bản, U19 Trung Quốc và U19 Australia. Bởi vậy sẽ rất khó khăn cho các cầu thủ trẻ của ông Đoàn Nguyên Đức.
Tuy nhiên làm công tác đào tạo trẻ, không nên quá đặt nặng yếu tố thành tích. Điều quan trọng là tạo điều kiện cho các em thi đấu càng nhiều càng tốt để tích lũy kinh nghiệm. Thậm chí thất bại cũng rất cần thiết cho lứa tuổi của các em sau này…
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!