Những “dị nhân” sân phủi Hà Nội (Kỳ cuối)
Lên tuyển từ đôi giầy bata chạy trên các sân đất nện, hay thành danh từ ĐT futsal trở về chơi bóng đá phong trào, ở đất Hà Thành kể ra những cái tên và giai thoại một thời đó ngồi cả buổi cũng chưa hết chuyện.
Sân cỏ bóng đá phủi Thủ đô có nhiều “dị nhân”. Ở đấy, họ có một thế giới riêng với nhiều câu chuyện “hot” không kém các ngôi sao tên tuổi ở sân chơi chuyên nghiệp. Hãy cùng tìm hiểu những “anh hào” bóng đá phủi Hà Nội để hiểu hơn về sân chơi thú vị này. |
Kỳ cuối: Những tuyển thủ futsal Việt Nam trên sân phủi
Bóng đá thế giới từng chào đón những ông “vua”, những quả bóng vàng, đôi giầy vàng xuất thân từ bóng đá đường phố. Ở đó có thể kể ra những siêu sao một thời của bóng đá Brazil. Đất nước của vũ điệu Samba, nổi tiếng với hình ảnh các cậu bé nghèo chơi bóng trên các con phố của Rio de Janeiro. Cũng từ đây, những siêu sao bóng đá như Pele, Ronaldo, Ronaldinho, Denilson... bắt đầu đá bóng trước khi trở thành những cái tên đình đám trên thế giới. Brazil cũng là quốc gia xuất khẩu cầu thủ nhiều nhất nhờ biết khai thác tốt tiềm năng bóng đá “phủi”.
Phong trào bóng đá “phủi” ở Việt Nam có thể được xem thuộc hàng top trong khu vực. Ở Singapore, Thái Lan hay Malaysia, rất hiếm khi gặp những điểm chơi bóng đá “phủi”, hay hình ảnh trẻ em đá bóng trên phố. Ngược lại, chỉ riêng trong những thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM… nơi mà mọi khoảnh đất đều được trưng dụng cho những dự án kinh tế lớn vẫn có tới hàng chục sân bóng mi-ni, bãi bóng để dân “phủi” trình diễn.
Cũng có không ít chuyên gia đi tìm nhân tài từ những bãi cát trống trong thành phố, trên những khoảnh ruộng vừa gặt còn trơ gốc rạ ở đồng quê. Nhưng số lượng những chuyên gia “săn đầu người” ấy ở Việt Nam không nhiều, dù lượng nhân tài từ bóng đá “phủi” không phải là ít. Xu hướng chung của bóng đá Việt Nam vẫn là chờ cầu thủ tìm đến thay vì lặn lội xuống địa phương để tuyển chọn.
Giang Dân
Bóng đá phủi Hà Thành không thiếu những “ngôi sao” tên tuổi và họ có thể thành danh bất cứ khi nào, nếu được rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp. Nào là Tú “Khỉ”, Long “Kim”, Sơn “Phốc”, Trung “Chính”, Anh “Tệu”... - những “phủi” gốc, biểu tượng của một thời của xu hướng bata đất nện những năm 90; nào là Nam “chân vịt”, Quân “Lực”, Khánh “cò”, Khánh “Hồng”, Giang “Dân”, rồi Giang “Say”, Thắng “Xavi”, Tuấn Anh “Bà chị”, Linh “Beck”, Trung “Ốc”, Khánh “Chóe”, Sơn “Hói”, Minh “Khoáy” và họ đều là những anh tài thuộc hàng “có số má” của bóng đá phủi Hà Thành.
Trong số này, có người thực hiện được đam mê chơi bóng chuyên nghiệp, nhưng cũng có một số cá nhân chỉ thích chơi ở giải phong trào, chơi để tận hưởng chứ không phải để giành thành tích.
Nói đến bóng đá phong trào Hà Nội và những cầu thủ thành danh sau sân đất nện, rồi có bước tiến lên tầm quốc gia, người ta thường nhắc đến Nguyễn Quang Minh (Minh Khoáy), Nguyễn Hoàng Giang (Giang Dân), Nguyễn Hồng Quân (Quân Lực), Thắng “Xavi”…, rồi Kiên “Mán”.
Minh “Khoáy” một cầu thủ mà độ máu bóng đá đã ngấm vào cơ thể từ hồi còn nhỏ. Từng ăn tập và kinh qua những tuyến trẻ của CLB Hà Nội ACB, HAGL, nhưng không thể bén duyên với môi trường đỉnh cao. Từ giã sân 11 người, Minh “Khoáy” tìm thú vui trên các sân đất nện và cỏ nhân tạo tại Hà Nội, rồi sau đó cơ may đã giúp anh tìm được chỗ đứng và tạo dựng được tên tuổi trong làng phủi Hà Thành.
Chơi futsal một vài năm trong mầu áo Thái Sơn Bắc, từng vô địch futsal quốc gia năm 2010, sau đó Minh “Khoáy” được gọi lên đội tuyển futsal tham gia SEA Games và đã có 17 lần khoác áo ĐTQG. Sau khi không còn chơi bóng đỉnh cao, Quang Minh chuyển sang công tác huấn luyện và hiện là HLV trưởng CLB Thái Sơn Bắc, trợ lý HLV ĐTQG.
Dù đang ở độ tuổi trung niên, nhưng trong quãng thời gian này, Minh “Khoáy” vẫn chơi bóng phong trào và đặc biệt tại giải Ngoại hạng phủi Hà Nội (HPL-S1), chiến lược gia của Thái Sơn Bắc đang đầu quân cho MV Corp.
Thắng "Xavi" (đỏ), cựu tuyển thủ futsal, hiện đang khoác áo Thành Đồng FC
Kế đến Giang “Dân”, cầu thủ đi lên từ bóng đá phong trao tại khu phố không hề kinh qua môi trường bóng đá chuyên nghiệp, trước khi trở thành một thành viên trong đội Trà Dilmah. Tại đây tài năng của Hoàng Giang đã sớm được khẳng định, đặc biệt là hai tấm HCB tại SEA Games 26 và giải 6v6 thế giới tổ chức tại London năm 2009. Đến nay, Hoàng Giang vẫn còn chơi khá tốt ở vị trí hậu vệ phải và tiền vệ trung tâm trong màu áo của Thăng Long FC tại giải Ngoại hạng phủi Hà Nội (HPL-S1).
Một cầu thủ khác cũng nổi tiếng không kém đó là Nguyễn Bảo Quân. Nhưng có một điểm khác, Quân “Lực” có xuất phát điểm cơ bản hơn, khi anh ăn tập ở đội trẻ Thể Công và sau này chuyển sang chơi cho Trà Dilmah. Đến năm 2003 Quân “Lực” thử sức tại giải hạng Nhất trong màu áo của Thanh Hóa, rồi HAGL, nhưng tài năng của Quân “Lực” đã không được phát huy. Trở về chơi futsal, Bảo Quân là một trong những nhân tố đặt viên gạch đầu tiên cho bóng đá futsal Việt Nam trong những ngày thành lập đội. Trải qua nhiều thời kỳ, bây giờ Bảo Quân là trợ lý HLV của tuyển QG futsal Việt Nam.
Những cầu thủ đá “phủi” vẫn đều đặn ra sân, vừa duy trì phong trào, vừa theo đuổi niềm đam mê của họ. Bóng đá Việt Nam không thiếu những tài năng từ phong trào bóng đá “phủi”, chỉ có điều môi trường và người “khai quật” còn đang thiếu.