Nghĩ từ tuần vui của thể thao Việt Nam
Tạm để trôi qua những scandal như Huy Hoàng lái “xe điên” và ngồi sau vô-lăng xe “bắt bướm” cùng chuyện những người tham gia “chạy án” thì tuần qua chính là tuần lễ vui của thể thao Việt Nam.
Tuần qua là tuần mà các cô gái chân dài Việt Nam lần đầu lọt vào top bốn châu Á sau khi đánh bại nữ Nhật Bản, Hàn Quốc; tuần mà thầy trò HLV Trần Vân Phát ở đội tuyển bóng đá nữ dù trẻ hóa và chưa có sự quan tâm đúng mức nhưng vẫn thắng như chẻ tre để giành ngôi nhất bảng Giải vô địch nữ Đông Nam Á; tuần mà thầy trò HLV Phan Thanh Hùng có chuyến giao hữu một thắng, một hòa với đương kim vô địch AFF Cup Malaysia lẫn á quân Indonesia…
Xem các cô gái Việt Nam đá bóng trên sân Thống Nhất và xem các cô gái bóng chuyền có những chiến thắng vang dội, ai cũng có cái cảm giác lâng lâng và hạnh phúc dạt dào.
Nếu ở bóng đá nữ, các cô gái còn rất trẻ cùng những sự đầu tư thiếu thốn đã nỗ lực hết mình để bằng đàn anh, đàn chị và giành giật chiến thắng gian khổ với các cầu thủ nữ Myanmar nhìn rất nam tính và dữ dằn thì tại cúp châu Á bóng chuyền nữ, nhiều người gọi là kỳ tích.
Nhiều người hay dùng từ các cô gái chân dài để nói về bóng chuyền nữ Việt Nam cho sang và cho vui nhưng thực tế thì các cô gái chân dài này đang phải chống chọi với đủ mọi thiếu thốn. Từ đồng lương đến chế độ dinh dưỡng và cả một tương lai bất định phía sau, thế mà họ đã hợp lực và thi đấu thật kiên cường để giành chiến thắng trước Nhật Bản, rồi Hàn Quốc ở tứ kết để lọt vào danh sách 4 đội nữ mạnh nhất châu Á.
Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam xuất sắc lọt vào top 4 châu Á
Lịch sử bóng chuyền Việt Nam chưa bao giờ được chứng kiến giây phút đấy và cũng ít ai dám tin vào điều đấy.
Không tin vì khi đặt bàn cân các nữ tuyển thủ bóng chuyền Việt Nam so với các đội nữ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc thì các cô gái chân dài của chúng ta thua rất xa về chế độ và sự đãi ngộ.
Có lần tôi hỏi các cô gái ở đội tuyển bóng chuyền Việt Nam về chuyện cơm, áo, gạo, tiền thì gặp những ánh mắt thoáng buồn và lo lắng. Họ không than thân trách phận nhưng trong câu chuyện lại hàm chứa sự tủi thân của việc chọn môn, chọn nghề. Có chị còn nhắc đến hai từ số phận khi kể về những đồng đội may mắn khi lấy chồng có một chỗ ấm thân và nhẹ nhàng giải nghệ, nhưng đời bóng chuyền nữ có bao nhiêu người may mắn lấy chồng huống hồ là may cả khi về nhà chồng? Có người còn đưa mức lương nét 10 triệu so với vài chục triệu/tháng của cầu thủ bóng đá và 5-7 tỷ, thậm chí là 12 tỷ lót tay…
Thế mà những cô gái thiệt thòi đấy vừa làm một kỳ tích cho thể thao Việt Nam. Họ chiến thắng các cô gái Nhật Bản, Hàn Quốc bằng một nỗ lực và ý chí rất cao của những “cảm tử quân” ra trận.
Thật xót xa với phần thưởng 100 triệu cho toàn đội sau trận thắng đối thủ lớn Hàn Quốc bởi nó có thấm vào đâu so với những món thưởng treo cao cao cho bóng đá nam cỡ 5-7 tỷ và nhiều hơn nữa mà có khi vẫn đá không ra hồn.
Với bóng đá nữ cũng thế. Các cô gái trong chiếc áo rộng thùng thình như quá khổ thể mà ra trận là cứ hết mình và lăn xả.
Đã qua biết bao thế hệ nhưng bóng đá nữ Việt Nam vẫn duy trì được truyền thống của những cô gái luôn có trách nhiệm với cái nghiệp mà mình đã chọn. Xem cái cách họ tập luyện dưới mưa mà vẫn chăm chỉ, hoặc thua đối thủ Myanmar về sức, thế mà cứ động viên nhau cày ải.
Cuối cùng phải nhắc đến diện mạo mới của thầy trò HLV Phan Thanh Hùng trong đợt chuẩn bị AFF Cup 2012.
Thắng Malaysia, hòa Indonesia đều trên sân khách chưa nói lên điều gì, nhưng cái cách mà thầy trò HLV Phan Thanh Hùng vào trận và ý thức được trách nhiệm của mình là một sự thay đổi lớn.
Không lấy thắng thua để luận anh hùng, đặc biệt là thắng thua trong những trận giao hữu mang tính thử nghiệm, nhưng qua việc nhập cuộc của những con người rất mới như Gia Từ, Nguyên Sa… hay sự trở lại của những gương mặt như Minh Đức, Quốc Anh… đã cho thấy tập thể đấy đang có sự gắn kết tốt bắt đầu từ ý thức và trách nhiệm của từng thành viên.
ĐTVN đang khởi đầu rất tốt dưới thời HLV Phan Thanh Hùng
Bây giờ thì vẫn với tinh thần đấy, thầy trò HLV Phan Thanh Hùng đang chuẩn bị cho trận giao hữu lượt về trên sân nhà ở Mỹ Đình ngày 22/9. Mong là tinh thần và phong cách đấy vẫn hiện hữu nơi đội bóng và phát huy tốt thay cho những lần õng à, õng ẹo của nhiều tuyển thủ đã quen với chuyện được book chỗ trước vốn là bệnh ở đội tuyển.
Mừng là đời thầy nội mà căn bệnh đấy bước đầu đã có dấu hiệu tan biến…
Lâu lắm lắm rồi thể thao Việt Nam mới có tuần lễ vui trọn vẹn…