Nếu thắng Barca, Bayern có cần tới Pep?
Sẽ rất khó xử cho Pep Guardiola, nếu Bayern vượt qua Barcelona và tiến vào chung kết Champions League mùa này. Nếu đội bóng xứ Bavaria có thể đánh bại một sản phẩm do Pep đặt nền móng, thì tại sao họ còn cần ông?
Sau khi Bayern vô địch Bundesliga sớm 6 vòng, tờ Mundo Deportivo đã đặt câu hỏi: “Siêu vô địch, siêu Bayern. Pep sẽ kế thừa đội bóng ấy, nhưng ông làm thế nào để duy trì nó?”.
Đội bóng xứ Bavaria đang trải qua một mùa bóng vô tiền khoáng hậu. Lần đầu tiên trong lịch sử Bundesliga, có một đội giương cao Đĩa bạc sớm 6 vòng đấu. Trận thắng 6-1 của họ trước Wolfsburg cách đây một tuần cũng là thắng lợi chênh lệch nhất ở bán kết Cúp QG Đức trong vòng 70 năm qua, kể từ chiến thắng 6-0 của 1860 Munich trước Lipine. Tại Champions League, họ đè bẹp ĐKVĐ (và có lẽ sẽ tiếp tục vô địch mùa này) nước Ý Juventus với tổng tỉ số 4-0 ở tứ kết.
Cho đến thời điểm này, có cảm giác như Bayern chưa tung ra hết sức, nhưng đã sắp đi hết mùa bóng, phá tan tành các kỷ lục mà cứ như đi dạo chơi. Gần như không phải lao tâm khổ tứ, cũng chẳng đổ mồ hôi. Đội bóng ấy giờ là sự kết hợp giữa kỷ luật, khoa học và tinh thần tấn công đã thay đổi toàn diện bóng đá Đức hơn nửa thập kỷ qua. Một cỗ máy chiến thắng không có (hoặc chưa bộc lộ?) điểm yếu.
Tạo ra một đội bóng khủng khiếp nhường ấy, HLV Jupp Heynckes có quyền tự hào, và cả tự ái nữa, khi người ta hỏi ông rằng liệu có cần tham khảo ý kiến của Pep cho trận gặp Barca. Heynckes đáp dứt khoát: “Hãy tôn trọng tôi và công việc của tôi. Tôi không bao giờ hỏi ý kiến hay yêu cầu một lời khuyên nào từ bất cứ ai”.
Đó không những là sự tự hào của riêng ông Heynckes, mà còn là sự tự hào chung của Bayern. Đội bóng này có con đường của riêng họ, và cũng như Barca, chỉ cần kiên định với phong cách của mình, họ không cần quan tâm xem đối thủ là ai. Họ chỉ biết làm tốt những gì mình đeo đuổi.
Liệu Pep sẽ áp dụng triết lý tiki-taka ở Barca và Bayern?
Barca & Bayern: Tương đồng và khác biệt
Những gì Bayern đeo đuổi là một lối chơi tấn công khoa học và trực diện, mang dáng dấp phong cách của đội tuyển Đức lúc này. Tinh thần cơ bản (tấn công) thì giống Barca, nhưng cách thức thì khác nhau: Đội bóng xứ Catalunya chủ trương giữ bóng và đan cài nó theo hình mạng lưới để bao vây trước khi tiêu diệt con mồi, còn Bayern có xu hướng triển khai bóng thật nhanh theo chiều dọc, sử dụng tốc độ và khả năng chuyển hướng tấn công nhuần nhuyễn để phát hiện điểm yếu rồi từ đó, tiêu diệt đối thủ bằng những đợt công kích dồn dập.
Yếu tố kỹ thuật của Bayern được đặt trên nền tảng tương tự Barca, và sâu sắc không kém gì Barca: Một hệ thống đào tạo trẻ nhất quán, kết hợp giữa việc đào tạo chuyên môn lẫn xây dựng phong cách; một hệ thống quản lý chắc chắn tồn tại gần thế kỷ với nhiều cựu cầu thủ chuyển sang đảm nhiệm vị trí trong Ban lãnh đạo đội bóng. Từ đó, Bayern, cũng như Barca, “còn hơn cả một đội bóng”. Đó là những tổ chức lan tỏa toàn thế giới, và sau tính toàn cầu ấy, dáng dấp của sự tự hào địa phương vẫn được gìn giữ, là xứ Catalunya (Barca) và bang Bavaria (Bayern).
Tức là triết lý bóng đá riêng của Bayern có niềm tự hào không kém gì Barca, mà bất kỳ sự mô phỏng nào cũng chưa chắc cho ra kết quả tốt bằng việc khai thác hết tiềm năng của chính mình. Việc Bayern mang Pep về đây như một sự thay thế sẵn sàng cho ông Heynckes có thể là một sai lầm.
Những HLV là người nắm giữ khâu cuối cùng của quá trình chuyển tinh thần của đội bóng đến sân cỏ, và chính vì thế, với triết lý hoàn toàn khác nhau, Pep sẽ đối mặt với một nhiệm vụ hết sức mạo hiểm: Kiến tạo lại Bayern dựa trên triết lý Barca, hay giữ nguyên những gì Heynckes đã xây dựng? Khi cách tấn công trực diện Heynckes áp dụng vẫn đang mang đến thành công, thì cớ sao lại phải viện đến Pep, một HLV “tiki-taka từ trong máu”? Hay đơn giản hơn, nếu sử dụng đao đạt đến cấp độ thượng thừa, thì tại sao lại phải tập dùng kiếm?
Kế thừa Heynckes là nhiệm vụ không hề dễ dàng cho Pep
Pep đang nín thở?
Nếu Heynckes giúp Bayern đánh bại Barca, thì Pep sẽ bối rối thật sự. Khi ông thay thế Frank Rijkaard ở ghế HLV trưởng Barca, CLB đã không vô địch Liga trong hai năm, và chỉ đứng thứ ba ở mùa gần nhất. Họ cũng đã không giành Cúp Nhà Vua trong 10 năm. Tức là Pep ở một xuất phát điểm mà ông có thể từ đó đi lên.
Nhưng Bayern thì đang ở đỉnh cao, và họ lên đến đỉnh cao ấy bằng một triết lý bóng đá hoàn toàn khác biệt so với triết lý đặc trưng của Pep. Nếu đội bóng xứ Bavaria có thể đánh bại đội bóng cũ của Pep, thì có nghĩa là Bayern đang hoàn toàn ổn với tư tưởng cũ của mình. Pep sẽ phải duy trì đỉnh cao ấy, và nếu coi cái tôi của mình hơn tất thảy, thì ông sẽ phải bóc dỡ đáng kể công trình vĩ đại mà Heynckes đã tạo ra. Nếu giữ lại, thì ngoài việc đánh mất cái tôi của một người Catalunya, ông còn có nguy cơ khiến đội bóng trượt dốc, vì đơn giản, ông không phải là một HLV hiểu Bayern và triết lý của đội bóng này đến chân tơ kẽ tóc như Heynckes.
Pep có lẽ đang nín thở. Sẽ tốt hơn, nếu Tiki-taka vẫn chứng minh được rằng lúc này, không trường phái nào ưu việt hơn nó.