Luật bóng đá và ý thức cầu thủ
Sau cuộc mổ xẻ nguyên nhân không thành công của đội tuyển Việt Nam tại đấu trường AFF Cup 2016, VFF chợt nhận ra rằng cần phải dạy cầu thủ hiểu biết thêm về luật bóng đá.
HLV Hữu Thắng đã giải trình và VFF cùng thừa nhận đội tuyển Việt Nam thất bại do nhiều yếu tố, trong đó sai lầm cá nhân đã làm hỏng mọi thứ. Sự việc gần như gói gọn lại trong trận bán kết lượt về hòa Indonesia 2-2 trên sân Mỹ Đình khiến thầy trò Hữu Thắng mất vé chung kết. Điểm đen trong 120 phút như có “mà làm” ấy chính là chiếc thẻ đỏ của thủ môn Nguyên Mạnh khi trả đũa cầu thủ Pura làm đội tuyển yếu đi.
Xâu chuỗi từ hiện tượng năm thẻ vàng, hai thẻ đỏ của đội tuyển Việt Nam khiến bị xếp cuối bảng fair play, rất dễ nhìn thấy bản chất của một số hành vi phạm lỗi không đơn thuần là thiếu hiểu biết về luật.
Cầu thủ biết vi phạm là nhận thẻ mà vẫn làm thì đấy là hành vi bất chấp hậu quả.
Đội tuyển Việt Nam đã dừng cuộc chơi AFF Cup 2016 do nhiều sai sót cá nhân. Ảnh: QUANG THẮNG
Thủ môn Nguyên Mạnh khi cố tình vung hai chân vào lưng Pura mà như anh nói là nhằm đẩy ra chỉ là một cách bào chữa. Bởi thủ môn này hoàn toàn hiểu rằng đấy là một hành vi trả đũa theo kiểu đánh nguội và chắc chắn trọng tài sẽ phạt thẻ khi phát hiện.
Cứ nhìn cái cách Nguyên Mạnh cúi đầu thừa nhận lỗi lầm và không thể cãi đủ hiểu anh không ngây ngô đến mức không biết hoặc không ngờ trọng tài rút thẻ đỏ.
Tương tự, trung vệ Quế Ngọc Hải gây ra hai quả phạt đền từ những pha phạm lỗi trong vòng cấm không phải do anh không biết luật. Có thể thông cảm cho anh ở lần tranh chấp trong thế không thể truy cản trái phép cầu thủ Indonesia trận bán kết lượt về phải chịu thẻ vàng. Nhưng với tình huống đá xấu Lilipaly trong trận lượt đi để dính phạt đền thì không thể nói đúng luật.
Điều đáng nói về sai lầm của trung vệ gốc Nghệ An này không hẳn là bột phát, từ những sự cố gần nhất như lần gây chấn thương cho cầu thủ của Avispa Fukuoka và tai nạn gãy chân của Anh Khoa trước đó.
Ngay như đàn anh giàu kinh nghiệm Trọng Hoàng vẫn có một pha bóng thô bạo vào chân Andik mà còn may là trọng tài chỉ rút thẻ vàng.
Liệt kê nhanh một số sai lầm của học trò ruột HLV Hữu Thắng gián tiếp hoặc trực tiếp gây ra sự thua thiệt cho đội tuyển để thấy rằng sự tôn trọng luật chơi của một số cầu thủ còn quá yếu. Điều này thể hiện ý thức của cầu thủ còn hời hợt chứ không phải do nhận thức về luật bóng đá kém.
Việc VFF đề nghị các đợt tập trung đội tuyển sắp tới sẽ mời các chuyên gia về luật bóng đá giảng giải thêm cho cầu thủ là cần thiết. Nhưng quan trọng hơn vẫn là cách giáo dục ý thức cho họ không chỉ trên đội tuyển mà bắt đầu từ CLB ở các sân chơi trong nước, để không còn tái diễn hành vi xấu xí trên sân cỏ khi ra đấu trường quốc tế.
Chơi bóng thô bạo khác với quyết liệt Điểm tích cực của đội tuyển quốc gia dưới thời thầy nội Hữu Thắng là tinh thần thi đấu quyết liệt, tính đoàn kết như anh em một nhà của các tuyển thủ. Tuy nhiên, các thành viên của Hội đồng HLV Quốc gia cũng chỉ ra rằng cầu thủ chơi lăn xả, quyết liệt quá mức đã dẫn đến hành vi phản cảm, thô bạo. Để chấn chỉnh nạn đá xấu, đá láo của cầu thủ trên tuyển, VFF sẽ đồng thời cập nhật luật mới đến CLB và yêu cầu ban trọng tài siết lại cách xử lý thật nghiêm cho những hành vi phạm lỗi. |