Lê Công Vinh: Đắng đọt chữ ngờ
Nếu được quay lại thời điểm 1 năm trước, Công Vinh có từ chối chạy theo tiếng gọi của bầu Kiên? Quả là “người tính không bằng trời tính”. Một ngôi sao lớn như Công Vinh, rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười với đội bóng mới đầu quân như bây giờ, điều ấy còn lớn hơn mọi nỗi đau.
Không phải lần đầu Công Vinh đối mặt với nguy cơ rớt xuống chơi ở hạng Nhất cùng đội bóng mới. Mùa V-League 2009, Hà Nội T&T đội sổ sau lượt đi và chỉ có sự hồi sinh thần kỳ cuối mùa mới tránh được cho Công Vinh rơi vào bi kịch.
Nhưng lần này, giải hạng Nhất đã rất gần với Công Vinh, vì nó chỉ có khoảng cách bằng 90 phút. Nói dại, nếu CLB bóng đá Hà Nội của Công Vinh lại sẩy chân ở trận cuối, việc Công Vinh phải đắng lòng đá ở hạng Nhất là khó tránh khỏi.
Thật ra, việc một ngôi sao buộc phải chơi ở giải hạng Nhất chẳng lạ đối với bóng đá Việt Nam. Thành Lương, Huỳnh Kesley, Phước Tứ hay đơn giản là đàn anh của Công Vinh - thủ môn Dương Hồng Sơn - cũng từng nếm trải cảm giác chơi bóng tại sân chơi hạng 2.
Sự khác biệt nằm chỗ, những ngôi sao ấy chấp nhận hạ bậc để kiếm tiền, trong khi Công Vinh lựa chọn CLB bóng đá Hà Nội vì chí tiến thủ. Cho nên, trong khi Công Vinh còn 2 năm hợp đồng với đội bóng của bầu Kiên, tức là nếu xảy ra bi kịch, bầu Kiên từ chối mở khóa như đã từng làm với Lương “dị”, tương lai của Công Vinh sẽ bị cột chặt.
Mùa bóng này, Công Vinh không thể tỏa sáng như kỳ vọng của bầu Kiên
Dù sao thì việc Công Vinh phải chơi bóng ở hạng Nhất mới chỉ “rất gần”, chứ chưa phải đã chắc như đinh đóng cột. Tuy nhiên, đối với người hãnh tiến nghề nghiệp như Công Vinh, việc “rất gần” với sân chơi hạng 2 đã là nỗi đau ghê gớm. Công Vinh có thể chưa phải là “biểu tượng” của CLB bóng đá Hà Nội, kiểu như Lương “dị”. Nhưng bản hợp đồng với lót tay kỷ lục của bầu Kiên, nhận đặc cách lương-thưởng, thì không gồng gánh, kéo được đội bóng mới khỏi vùng nguy hiểm, vậy đã là đau đớn.
Khi chạy khỏi Hà Nội T&T theo tiếng gọi của bầu Kiên, Công Vinh đã nói nhiều đến khát vọng, mục tiêu mới cần chinh phục. Tấm huy chương sau ngôi vô địch V-League 2010 mà đồng đội ở Hà Nội T&T cẩn thận giữ cho Công Vinh khi tiền đạo xứ Nghệ này đi Bồ Đào Nha chữa thương dường như không đủ làm thỏa mãn. Công Vinh muốn tự mình chinh phục, muốn mình phải là phần không thể thiếu trong đội hình vươn tới đỉnh cao V-League chứ không phải kẻ hưởng sái. Vậy mà…
Người tính không bằng trời tính. Hãnh tiến, coi trọng hình ảnh là vậy, nhưng dưới tay bầu Kiên, Công Vinh chỉ là quân cờ. Chẳng có buổi lễ ra mắt màu áo mới nào dành cho Công Vinh, vì đối với bầu Kiên, đó là sự xa xỉ. Công Vinh cũng giống hệt như bất kỳ “nhân viên” nào dưới trướng bầu Kiên, chỉ biết phục vụ theo mệnh lệnh và yêu cầu. Cứ hoàn thành công việc là có quà, chứ cảm xúc để chơi bóng dường như rất ít ỏi.
Công Vinh cô đơn ở đội bóng mà tiền đạo này từng nghĩ đó sẽ là miền đất hứa. Tất cả đối với Công Vinh là sự nghèo nàn, khô khan về nghề nghiệp. Đối với “công nhân đá bóng” như Công Vinh, có bao giờ Công Vinh có được tầm ảnh hưởng như Lương “dị” hay được trọng vọng như Timothy? Đơn giản, Công Vinh không phải là sản phẩn do chính tay bầu Kiên nhào nặn như Lương “dị”.
Công Vinh cũng không thể săn được nhiều bàn thắng bằng Timothy. Thế là đã có sự khác biệt ghê gớm. Cho nên, càng thất vọng hơn khi Công Vinh đối mặt với nguy cơ phải đá ở hạng Nhất, thay vì mơ mộng đến chức vô địch mà tiền đạo này là trụ cột không thể thiếu. Kể cả giấc mơ cá nhân, qua mặt những chân sút ngoại phá dớp biến thành Vua phá lưới V-League cũng bất thành.
Ở Hà Nội T&T, chiếc áo số 9 của Công Vinh để lại vẫn bỏ trống. Có thể Hà Nội T&T cần thêm ít thời gian để lựa chọn, tìm ra cầu thủ lớn hơn Công Vinh để trao lại chiếc áo số 9. Nhưng cuộc chia tay đầy kỳ cục và hiện tại dở khóc, dở cười của Công Vinh với đội bóng mới chắc chắn làm cho tiền đạo gốc xứ Nghệ thêm nhiều dằn vặt, suy nghĩ.
Công Vinh cũng đâu đoán được chữ ngờ lại đắng đọt đến vậy!