Khi VFF cầu viện bầu Đức: Tiềm năng xuất khẩu cầu thủ
Cùng chọn tiêu chí đào tạo chuyên môn song hành với đào tạo kiến thức nhưng Học viện Arsenal-HAGL JMG khác biệt với PVF hay Viettel khi có lợi thế liên kết với một đội bóng lừng danh ở châu Âu để định hướng tương lai cho cầu thủ.
Các chuyên gia nhận định về căn bản, Học viện Arsenal-HAGL JMG giống với các trung tâm đào tạo như PVF, Viettel hay trước đây là Scavi Rocheteau, tức đều muốn lấy tiêu chí huấn luyện song hành với đào tạo học vấn. Tuy nhiên, trong khi các lò đào tạo khác vẫn đang loay hoay tìm đầu ra cho các cầu thủ trẻ, thậm chí có nơi đã phải giải thể, thì Arsenal-HAGL JMG nhờ liên kết với CLB Arsenal và Học viện JMG nên ngay sau khi tốt nghiệp, các cầu thủ trẻ sẽ có cơ hội tìm được việc ở châu Âu.
Cùng mô hình, hơn nhau định hướng
Một thông tin rất ít người biết là năm 2012, Học viện Thái Lan JMG đã phải tạm ngừng hoạt động sau 6 năm tồn tại. Những thành viên của cả 2 khóa do JMG Thái Lan đào tạo với nhiều kỳ vọng đã buộc phải giải tán, chuyển về trung tâm đào tạo trẻ do CLB Muangthong United quản lý.
Bầu Đức đã định hướng cho tương lai của các cầu thủ Arsenal-HAGL JMG ngay khi họ còn đang rèn giũa ở học viện Ảnh: Đức Anh
Cùng thời điểm người Thái từ bỏ giấc mơ “pháo thủ”, một trung tâm đào tạo theo phong cách Pháp từng được quảng bá rầm rộ ở Việt Nam - trung tâm bóng đá trẻ Scavi Rocheteau do cựu danh thủ Pháp Dominique Rocheteau thành lập ở TP HCM năm 2007 - cũng giải thể vì thiếu kinh phí hoạt động.
Scavi Rocheteau là một trong những “lò” mở theo mô hình xã hội hóa, đào tạo chuyên môn kết hợp dạy kiến thức do LĐBĐ TP HCM, cựu danh thủ Dominique Rocheteau và Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ bóng đá Pháp Clairefontaine hợp tác mở. Cũng như lò đào tạo trẻ của Viettel hay sau này là Quỹ Đào tạo tài năng bóng đá trẻ Việt Nam (PVF), quy trình hoạt động của Scavi gần giống mô hình mà Arsenal-HAGL JMG đã chọn để đào tạo cầu thủ.
Vấn đề là theo chuyên gia Nguyễn Văn Vinh, ngoài khả năng tài chính không được bảo đảm như trường hợp JMG Thái Lan, Scavi còn thiếu định hướng ở đầu ra, tức đào tạo nhiều nhưng chưa xác định được sẽ bán cầu thủ cho các CLB trong nước hay cho ra nước ngoài thi đấu. Ngay cả PVF và Viettel, dù có tiềm lực tài chính rất mạnh và đã thu được không ít thành quả trong đào tạo tài năng trẻ nhưng vẫn đang loay hoay vì thiếu một đối tác liên kết nước ngoài giúp họ định hướng tương lai khi ra trường.
Cần tầm nhìn xa
Người hâm mộ bóng đá Việt Nam đang mơ đến những trận cầu tưng bừng hơn nữa của đội tuyển U19. Tuy nhiên, điều mà ông bầu Đoàn Nguyên Đức mong muốn nhất vẫn là tìm bến đậu cho dàn “ngọc thô” của mình ở trời Âu khi có được đến hai đối tác nước ngoài chống lưng.
Khi ký thỏa thuận hợp tác xây học viện, bầu Đức cam kết những cầu thủ giỏi nhất mà học viện đào tạo chắc chắn sẽ thuộc phần của Arsenal, nhóm thứ hai thuộc về JMG, phần còn lại sẽ do HAGL toàn quyền sử dụng. Điều này đồng nghĩa cơ hội thi đấu ở châu Âu cho những tài năng trẻ của học viện sẽ được bảo đảm.Vấn đề là trong chuyến tập huấn 6 tháng tới đây ở châu Âu, các cầu thủ của HLV Graechen sẽ phải nỗ lực thể hiện hết mình để được những nhà tuyển trạch của đối tác chọn lựa. Được tập luyện ở châu Âu, cơ hội để những thành viên nòng cốt của U19 Việt Nam làm nên chuyện tại VCK Giải U19 châu Á 2014 trên đất Myanmar sẽ càng lớn.
Tháng 10-2014, dự VCK U19 châu Á Danh tính 16 đội bóng giành quyền tham dự VCK Giải U19 châu Á 2014 đã được xác định sau loạt trận đấu cuối diễn ra ngày 12-10. Theo đó, ngoài chủ nhà Myanmar còn có 9 đội đầu bảng là: U19 Việt Nam, Qatar, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Iraq, Iran, Oman, Indonesia, CHDCND Triều Tiên và Nhật Bản. Sáu đội nhì bảng có thành tích tốt nhất là Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc, Uzbekistan, Thái Lan và Yemen cũng góp mặt ở VCK. Như vậy, Đông Nam Á có 4 đại diện là Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Úc. Lễ bốc thăm chia bảng sẽ diễn ra vào tháng 5-2014, còn VCK sẽ diễn ra vào tháng 10. |