Gieo gì, gặt nấy
Bóng đá Việt Nam đang mất phương hướng, đến ngay cả việc giữ hay bỏ HLV Toshiya Miura, các quan chức VFF cũng mỗi người một ý.
Một nửa VFF đang ra sức bảo vệ HLV Miura một cách yếu ớt trước những búa rìu dư luận sau cách chơi tệ hại của đội tuyển Việt Nam thua nặng Thái Lan 0-3. Một nửa còn lại thì định hướng và đòi kiểm điểm ông thầy Nhật tới nơi tới chốn rồi thậm chí là đòi sa thải.
Ví như Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh khẳng định chẳng có lý do gì cho HLV Miura nghỉ việc cả, bởi ông luôn hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu của VFF. Tương tự, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn nói sẽ tôn trọng hợp đồng với thầy Nhật đến tháng 4-2016.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức nhiều lần nhấn mạnh ông Miura kìm hãm sự phát triển của bóng đá Việt Nam và muốn sa thải ngay lập tức. Đồng cấp Nguyễn Xuân Gụ lại đòi HLV Miura phải nhận trách nhiệm chính trong sự sa sút của đội tuyển Việt Nam.
Ngay trong chính Thường trực VFF cũng có những ý kiến trái chiều kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Ảnh: QUANG THẮNG
Riêng ông Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng thì nói nước đôi rằng sẽ họp thường trực để quyết định nên hay không nên chấm dứt hợp đồng với chuyên gia người Nhật sau hơn 16 tháng gắn bó.
Rõ ràng ngay ở ngôi nhà chung VFF còn không có sự thống nhất với nhau khi mỗi người nhìn nhận và đánh giá công việc của HLV trưởng theo một kiểu. Cho nên họ không thể trách móc dư luận xã hội và giới chuyên môn, dẫu ai cũng biết phần lỗi chính không chỉ thuộc về mỗi ông Miura.
Chưa thấy có ai của VFF hoặc nhà tổ chức các giải vô địch chuyên nghiệp quốc gia thừa nhận sự yếu kém của chính mình khi đã và đang tạo ra một cái nền móng mong manh dễ vỡ. Bản thân ông Miura đã nhìn ra vấn đề một cách toàn diện nhất và trong cuộc họp báo sau trận thua Thái Lan, ông không ngần ngại phán xét V-League thua xa Thai-League thì việc đội tuyển quốc gia Việt Nam kém hẳn Thái Lan là bình thường.
Điều ông Miura nói rất đúng và không phải các quan chức VFF không biết, thậm chí là biết rất rõ từ 20 năm trước sau hai lần tuyển Việt Nam thua nặng Thái Lan ở giải SEA Games 18.
20 năm với bốn nhiệm kỳ, các nhà quản lý và điều hành bóng đá Việt Nam đã làm gì mà vẫn ca mãi điệp khúc về sau người Thái?
Giải V-League đã khoác áo chuyên nghiệp 15 năm gặt hái gì, từ mỗi mùa đến hẹn lại lên là đốt tiền chơi với những dấu hiệu và nghi kỵ tiêu cực không lời đáp?
Công tác đào tạo trẻ ở những CLB cho thu hoạch ra sao hay chỉ tồn tại theo kiểu thích thì chơi, không thì nghỉ bất chấp luật lệ?
Bóng đá Việt Nam gieo gì gặt nấy, đừng đổ hết lỗi cho ông Miura!
V-League nhà tài trợ và HLV Miura V-League vừa bị ngân hàng “bứt ống thở” thì có “bình ôxy” của Toyota cắm vào và đã tồn tại thêm một mùa giải. Mùa bóng tới chưa biết sẽ thế nào nhưng chắc chắn nhà tài trợ sẽ xem xét, cân nhắc và tính lại. Chuyện những nhà tài trợ đến từ Nhật tưởng chẳng ảnh hưởng gì đến HLV Miura nhưng cuối cùng lại cũng liên quan. Điều mà nhiều lần bầu Đức từng có ý nói rằng nếu sa thải HLV Miura thì ông sẵn sàng tài trợ cho đội tuyển Việt Nam tìm lối thoát và sẽ đánh bại đội tuyển Thái Lan trong tương lai. Đối với Thường trực VFF không phải ai cũng thích bầu sữa ngoại, nhất là bầu sữa đấy liên quan đến việc chọn và thuê HLV. Nhưng liệu việc chịu ảnh hưởng quá nhiều đến bầu sữa đấy mà ảnh hưởng cả đến hướng đi của đội tuyển và bóng đá Việt Nam thì nên hay không? NG.HUY |