Xây nhà từ nóc!
Bóng đá Việt Nam cần mổ xẻ tận gốc rễ để bắt đúng bệnh và trị đúng chỗ.
Các chuyên gia cứ nhao nhao chuyện phải trảm HLV Miura, chẳng khác nào hầu hết các HLV, các nhà làm bóng đá của ta vẫn cứ muốn “xây nhà từ nóc”. Nhìn cách thể hiện của tuyển Thái Lan và tuyển Việt Nam thì chắc chắn có HLV Mourinho về hay Sir Alex Ferguson sang giúp cũng thế thôi.
Cái gốc của vấn đề từ thời bóng đá bao cấp đến giờ có thay đổi gì không? Thời bao cấp chỉ mỗi CLB SL Nghệ An và vài địa phương chú trọng đến hệ thống đào tạo. Qua 15 năm chuyên nghiệp, một quãng đường có thể tạo ra nhiều thế hệ bóng đá giỏi nhưng ngoài học viện của bầu Đức thì cấp CLB có đột biến gì khác?
Còn với “kiến trúc thượng tầng” cũng quanh đi quẩn lại là những con người cũ chường mặt ra lúc được khen và khi có vấn đề thì… thụt vào ở ẩn rồi sau đó lại xuất hiện với cái ghế to hơn. Và tất nhiên là “cái đầu” vẫn thế.
Muốn phát triển bóng đá Việt Nam, phải cần nhiều học viện như học viện của bầu Đức và phải có một tầm nhìn từ “kiến trúc thượng tầng”. Ảnh: XUÂN HUY
Thử hỏi 15 năm bóng đá chuyên nghiệp có con người nào ở cấp lãnh đạo “du học bóng đá” thay cho việc “cưỡi ngựa xem hoa” qua những chuyến đi kiểu “du lịch bóng đá”?
Ở cấp CLB, ngoài một HA Gia Lai có học viện, được chuyên gia đào tạo bài bản, được gieo mầm nhưng rồi những hạt mầm đấy liệu có được cấp lãnh đạo ở bộ môn bóng đá chung tay để cộng hưởng giúp lứa trẻ này phát triển tốt và đúng hướng không? Đó là chưa kể để có một nền bóng đá thay đổi tích cực thì cần phải có cả chục học viện như thế để tạo ra hiệu ứng tích cực.
Hoài nghi khả năng chuyên môn của HLV Miura ở thời điểm này thực sự chỉ là chuyện rất nhỏ trong con đường cải tạo bóng đá nước nhà. Và để thay đổi thì điều tiên quyết là sự đổi thay tích cực ở “kiến trúc thượng tầng”. Nơi đó phải có những con người giỏi, am hiểu hay ít nhất cũng là nơi quy tụ được người giỏi về làm bóng đá thay cho phong cách hiện nay là một vài người quyết rồi ở dưới cắm đầu chạy theo.
Còn nếu những nhân tố lạ (nếu có) thì chẳng qua đó là cách “cài người” chia sẻ nhau quyền lợi và tạo phe phái vây cánh cho mạnh hậu trường mà thôi.
Nếu phần gốc đấy không được giải quyết rốt ráo thì đừng nghĩ đến chuyện thay HLV trưởng.
“Hội nghị Diên Hồng” về bóng đá cũng không cứu nổi Tổng cục TDTT đang tiến hành tổ chức “hội nghị Diên Hồng” cứu bóng đá Việt Nam. Nghe tên gọi thấy có vẻ lớn và có vẻ quyết liệt nhưng thực tế thì nên thống kê lại Ủy ban TDTT trước đây và Tổng cục TDTT bây giờ đã có bao nhiêu hội nghị như thế rồi? Không dưới năm hội nghị như thế và tất cả đều đánh trống bỏ dùi khi đụng vào phần cải tổ bộ máy hoặc triển khai làm quyết liệt. Sau SEA Games 18-1995 tức 20 năm trước đã từng có hội nghị làm thế nào để giúp bóng đá Việt Nam lên ngôi số một Đông Nam Á rồi dự World Cup nhưng tất cả chỉ có bàn chứ không triển khai. Thậm chí là khi chuẩn bị “hội nghị Diên Hồng” bóng đá Việt Nam lần này hình như Tổng cục TDTT cũng quên rằng hai năm trước mình từng thực hiện hội nghị bàn về chiến lược bóng đá Việt Nam, tầm nhìn 2030. Hội nghị đấy, kết luận đấy, chủ trương đấy nếu chỉ thực hiện đúng tiến độ, đúng từng phần thôi thì bây giờ bóng đá Việt Nam đâu có thua xấu hổ trước Thái Lan hay ì ạch giải chuyên nghiệp đầy rẫy tiêu cực. NG.NGUYÊN |