EURO 2012: Bàn thắng, bia và pub
Đừng bao giờ nói với người Anh về chuyện trộm cướp trong bóng đá. Họ có thể nổi giận. Họ còn chưa quên một bàn thắng của Lampard đã qua vạch vôi nhưng không được công nhận ở World Cup 2010. Cũng đừng nói với bất cứ ai ở Donetsk, rằng đây là thành phố mafia, bởi họ rất ghét ai đó nhắc lại thời kì loạn lạc sau khi Liên Xô tan rã. Ở thành phố vùng biên với Nga đậm chất giang hồ này, người ta thích nói tới tinh thần thượng mã!
Hai năm về trước, ở Bloemfontein, tôi ngồi uống bia trong một pub ầm ỹ và đông nghẹt người cùng một nhóm cổ động viên Anh. Hôm ấy, ở cố đô của Nam Phi, Anh thua Đức tại World Cup đau đớn không phải bởi tỉ số, mà ở cách thua, khi một cú sút đã qua vạch vôi của Lampard không được trọng tài công nhận. Những đôi mắt đỏ vì nhòe nước và vì buồn ngủ do uống quá nhiều bia. Những cái đầu gục xuống bên bàn rượu. Những tiếng hát lạc giọng khi tiếng còi cuối cùng cất lên.
Nhưng trên hết, dù thất bại, những lá cờ Thánh George vẫn phất cao. Luôn là như thế. Mãi mãi là thế.
Bây giờ, ở Donetsk, Tam sư cần phải thể hiện cái chất mạnh mẽ và may mắn mà họ luôn thiếu trong những giải đấu lớn. Thật kì quặc, nhưng không thể nào khác được. Bởi những giải đấu mà họ được coi là một trong những ứng cử viên nặng kí nhất, bao giờ Anh cũng thất bại nặng nề.
Những quán bia luôn là điểm tụ tập lý tưởng để thưởng thức bóng đá
Và giờ, khi những ngôi sao ở các tuyến của họ lần lượt vắng mặt hoặc vì lí do này đến lí do khác, vị thủ lĩnh đầu bạc của họ chỉ được gọi để cứu vớt đội tuyển vào phút chót, thì dường như chiến thắng của Chelsea ở trận chung kết Champions League và sự cứng cỏi của HLV Roy Hodgson là niềm hy vọng lớn lao cho bất cứ ai.
Đến Donetsk và thăm khu Camping Park, nơi tập trung hơn 300 cổ động viên Anh và nghe họ nói, họ hát (với vị của bia và không có vị của bia) dưới cái nắng hơn 30 độ của một ngày tháng Sáu mới thấy, họ chờ đợi trận đấu đầu tiên với Pháp như thế nào. Thành phố của thép, mỏ và những vụ áp phe trong bóng tối và ánh sáng của tỉ phú Akhmetov, người đã bỏ tiền xây cả sân vận động Donbass Arena, dường như quá hợp với cái chất thượng mã đến mức hơi điên rồ của những người hâm mộ đội Anh cũng như tinh thần mà đội tuyển Anh phải đem đến giải.
Những anh chàng người Anh đang cởi trần dưới nắng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại dựng lều bạt trên khu đất còn mọc đầy cỏ thơm mùi ngai ngái, phía sau lưng họ phấp phới trên hàng rào sắt bảo vệ những lá cờ Thánh George, trên đó có ghi tên những đội bóng mà họ ủng hộ trên đất Anh.
Cả mấy anh chàng từ Mông Cổ xa xôi đến Ukraina dịp này mà tôi gặp ở Camping Park hóa ra cũng ủng hộ đội Anh, vì họ bảo, nếu ở nước họ, họ chỉ biết đến mỗi M.U, thì tại sao họ lại không hâm mộ đội Tam Sư? Và họ hứa sẽ phá vỡ cái vẻ hơi nhút nhát của mình để lao vào cuộc vui với những người Anh điên cuồng kia.
Thế đấy, ở bất cứ nơi nào mà họ tới, những cổ động viên Anh là những người to mồm và "trình diễn" hoành tráng nhất (cùng với người Hà Lan). Nhưng những cuộc vui của họ chẳng bao giờ đi đến điểm tận cùng. Có lẽ cả ở lần này cũng thế, trong một canh bạc của Roy Hodgson trên đất Donbass lúc nào cũng có vẻ giống như Viễn Tây của nước Mỹ thời mở đất hay vùng Alaska cho những cuộc tìm vàng.
Trận đấu đêm nay sẽ diễn ra thế nào và các bar với pub ở Donetsk sẽ có những gương mặt nào của người Anh thắng lợi hay thất trận? Tôi không biết được nữa, nhưng tôi sẽ ở đó, cùng với họ, như hai năm trước, trong một dịp tình cờ "mắc kẹt" với một đám hâm mộ điên cuồng của Tam Sư trên đất Nam Phi. Dự đoán một trận đấu của đội Anh bây giờ trở thành một trò chơi rủi ro bậc nhất thế giới. Tôi sẽ ở giữa những người Anh, xem đội Anh thi đấu và ngắm chính họ trong những cảm xúc tột cùng của 90 phút thử thách đầu tiên trên đất Ukraina. Trận đấu của những cảm xúc thực sự rõ ràng của vui hay buồn, của hy vọng và thất vọng, khác biệt như Coca-Cola với bia, hay là một thứ nhờ nhờ vô cảm như bao lần đã xảy ra khiến người hâm mộ họ thất vọng tràn trề?