ĐT Pháp: Khổ nhục kế ngăn TBN
Chơi phòng ngự tập trung và chờ thời cơ phản công, đó là cách duy nhất Pháp cần làm trong lần tái đấu với Tây Ban Nha.
Trong bài phát biểu ngày hôm qua, Zidane đã “bày cách” cho người bạn, HLV Deschamps rằng: “Hãy cứ để cho Tây Ban Nha cầm bóng rồi thâm nhập về phần sân của bạn vì thói quen của họ là như vậy. Tây Ban Nha mới là đội cần chiến thắng hơn nên chúng ta phải bình tĩnh. Tây Ban Nha sẽ khó thi triển lối chơi trước những đội bóng chơi tập trung, có tổ chức. Theo lối chơi, bạn có thể gây ức chế cho họ và lựa thời cơ vùng lên”. Lời phân tích của huyền thoại một thời bóng đá Pháp nghe rất hợp lý. Tuy nhiên thực tế thì phương án ấy chẳng có gì xa lạ, bất kì đội bóng nào đối đầu với TBN cũng đều phải áp dụng.
Bản thân HLV Deschamps cũng hết sức e dè khi nói về nhà ĐKVĐ thế giới và châu Âu: “Tây Ban Nha sẽ gây khó khăn cho chúng tôi. Không thể phủ nhận rằng họ có những cá nhân chất lượng và một tập thể giỏi hơn. Họ là đội bóng mạnh nhất thế giới”. Từ bài học của Laurent Blanc, có lẽ Deschamps thừa hiểu một điều, ĐT Pháp của ông bắt buộc phải đá phòng ngự trước TBN. Vấn đề dễ hiểu nhưng quan trọng là phòng ngự như thế nào?
Có chút cơ hội nào cho ĐT Pháp?
Trên khía cạnh nào đó, ĐT Pháp hoàn toàn có cơ hội giành điểm trên đất Tây Ban Nha. Cách đây 1 tháng, Georgia từng đổ bê-tông và suýt thu lượm được thành quả nếu như Soldado không kịp thời tỏa sáng. Về mặt con người, ĐT Pháp “ăn đứt” Georgia. Ngay từ đầu, Deschamps đã xác định áp dụng lối chơi phòng ngự chặt hay nói cách khác là tự nhận “cửa dưới” và điều này ít nhiều giảm thiểu áp lực cho các học trò. Ribery, thậm chí cả Benzema không cứ lúc nào cũng phải nhao lên tấn công mà thay vào đó bằng việc tích cực tham gia hỗ trợ cho tuyến dưới. Những vị trí khác luôn luôn ghi nhớ - theo sát các cầu thủ Tây Ban Nha và chơi quyết liệt trong từng tình huống. Khung thành Lloris có bớt sóng gió hay không nằm ở yếu tố này.
Thất bại vừa qua trước ĐT Nhật không hẳn là thảm họa bởi HLV Deschamps chưa sử dụng đội hình ưng ý nhất. Tinh thần thi đấu cũng cần được nhắc đến khi mà tâm trí của Les Bleus đã dồn nhiều về trận đấu với Tây Ban Nha. Về cơ bản, chất lượng nhân sự của ĐT Pháp không khác mấy so với Euro 2012 (Pháp thua Tây Ban Nha 0-2). Tương tự là Tây Ban Nha với sơ đồ 4-3-3. Như thế nghĩa là Pháp phải thay đổi cả về bản chất lẫn hình thức để hi vọng ngăn tiqui-taca.
Benzema tuyên bố: “Chiến thắng không phải nhiệm vụ bất khả thi. Chung quy, đó vẫn chỉ là trận chiến 11 người đối đầu 11 người”. Đúng vậy, trong bóng đá, mọi điều có thể xảy. Tây Ban Nha đã từng gục ngã trước Thụy Sỹ tại World Cup năm 2010, ĐT Anh tháng 11/2011 trong một trận giao hữu hay bất lực trước Bồ Đào Nha tại Euro 2012 (thắng trong loạt đấu súng). Nhưng có một điểm chung, họ đều chấp nhận dùng “khổ nhục kế”. ĐT Pháp nên nhìn thẳng vào sự thật, rằng họ không còn thuộc top những “ông lớn” hàng đầu thế giới. Nằm cùng bảng với Tây Ban Nha là cơ hội giành vé dự VCK World Cup 2014 bị nhỏ đi. Đá theo kiểu nhịn nhục để giành chiến thắng thì cũng buộc phải làm.
Tất nhiên chỉ thực lực thôi là chưa đủ, ĐT Pháp còn cần tới may mắn…
Tập trung khoét vị trí Arbeloa Arbeloa có thể coi là mắt xích yếu nhất trong đội hình Tây Ban Nha thời điểm hiện tại. Ở khu vực của Arbeloa là sự có mặt của Ribery. Kĩ thuật, tốc độ, sự tinh quái của Ribery đủ sức tạo nên khó khăn cho Arbeloa trong một số tình huống. Bên cạnh một Benzema quá hiểu Arbeloa, ĐT Pháp có hi vọng vào miếng đánh. HLV Philippe Montanier – một người Pháp đang hành nghề ở Tây Ban Nha (dẫn dắt Sociedad) tin tưởng vào ĐT Pháp “Theo ý kiến của tôi, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Tôi nghĩ Deschamps sẽ tìm ra cách tốt nhất. ĐT Pháp phải thích ứng với sự vượt trội của Tây Ban Nha. Nhưng dĩ nhiên cốt lõi của vấn đề vẫn là phòng ngự tập trung trong suốt 90 phút. Tinh thần chiến đấu của các tiền vệ sẽ giúp Pháp ngăn chặn tốt Tây Ban Nha…”. |