ĐT Đức: Sợi dây liên kết bền chặt
Đội tuyển Đức ra sân trước Hy Lạp là tập hợp của ba thế hệ, từ những cầu thủ là nền tảng của cuộc cách mạng bóng đá tấn công được khởi phát 6 năm về trước như Lahm (sinh năm 1983), Schweinsteiger (1984), thành quả của nó là Badstuber (1988), Hummel (1988), Schuerrle (1990), cho đến những dấu gạch nối như Neuer (1986), Khedira (1987), và đặc biệt là “già làng” Miroslav Klose (1978).
Mỗi thế hệ đều lên tiếng theo cách riêng ở trận này, không chỉ vì họ đều có đại diện trong cả 4 bàn thắng của ĐT Đức: Lahm, Reus, Klose và Khedira. Cách thể hiện của họ phản ánh đúng những đóng góp theo độ tuổi và cho thấy tuyển Đức đã phát huy những điểm mạnh của từng cá nhân như thế nào.
Reus và Schuerrle đã chơi rất tích cực ngay từ đầu trận, di chuyển với cường độ cao và được trao cho nhiều cơ hội, nhưng đúng là kinh nghiệm của họ vẫn còn hạn chế, đặc biệt là trong những tình huống dứt điểm cuối cùng, và không thể đánh bại chàng thủ môn chơi khá “gà mờ” của Hy Lạp. Những cú dứt điểm hơi vội vã và rất có lực, nhưng thiếu sự nắn nót và tinh tế. Đóng góp của họ: Xáo tung hàng thủ Hy Lạp và tạo nên các khoảng trống. Nhưng hạn chế: Không có được sự điềm tĩnh cần thiết khi được trao cho cơ hội.
Reus (trái) ngã, thì đã có Klose nâng, và ngược lại
“Ông già” Klose đã chơi không quá hay ở trận này. Thậm chí anh còn đá khá tệ trong hiệp một: Không tì đè và làm bóng, cũng không đủ sức rướn để theo kịp các tình huống tấn công tốc độ. Nhiều CĐV Đức có lẽ đã muốn người có mặt trên sân là Mario Gomez hơn, nhưng rốt cục thì Klose vẫn lên tiếng. Đóng góp của anh: Cú đánh đầu nâng tỉ số lên 3-1 tạo ra sự an tâm cho đội Đức, một pha bóng cho thấy khả năng di chuyển khôn ngoan và chọn điểm rơi tốt, cộng thêm cái duyên thường thấy (được “trợ giúp” bởi sai lầm của thủ môn bên phía Hy Lạp). Nhưng hạn chế: Thể lực không cho phép anh đóng góp nhiều cho lối chơi của tuyển Đức nữa, và thiếu sự bùng nổ cần thiết khi Đức bế tắc.
Nhiệm vụ khó khăn nhất thuộc về thế hệ đã trưởng thành trong cuộc cách mạng bóng đá tấn công, những người đang ở độ chín sự nghiệp, là những nhân tố nền tảng cho lối chơi, tinh thần, và cả sự thăng hoa của tuyển Đức. Khi các cầu thủ trẻ tỏ ra thiếu kinh nghiệm trong những pha dứt điểm? Lahm đã “thị phạm” bằng một cú đá siêu đẳng. Khi Đức cần phải vượt lên một lần nữa? Khedira lên tiếng cũng bằng một cú vừa chạy vừa vô lê ở đẳng cấp rất cao nâng tỉ số lên 2-1.
Họ đã phá những lớp băng bao phủ trận đấu, và giúp Klose tự tin phát huy kinh nghiệm, cũng như các cầu thủ trẻ tự tin và quyết đoán hơn trong những cú dứt điểm. Sức trẻ và sự già cỗi đã được thế hệ trưởng thành “nâng đỡ”, và đội tuyển Đức đã phát huy rất tốt những ưu điểm của mỗi cá nhân, ở những độ tuổi khác nhau.
Khi Klose ghi bàn từ quả phạt góc của một người kém anh đến 10 tuổi (Mesut Oezil), chúng ta không nhận thấy vết hằn của thời gian trên mảnh ghép tưởng chừng được tạo ra rất khó khăn ấy. Hay như tình huống sút bóng của Lahm sau 6 năm vẫn còn vẹn nguyên, cứ như thể một bản copy hoàn hảo của quá khứ.
Và đội tuyển Đức hiện tại đã tìm được một sợi dây liên lạc vượt thời gian, không những liên kết các thế hệ lại, mà còn giúp họ tăng cường những điểm mạnh và sửa sai cho những khiếm khuyết của nhau. Một sợi dây vô giá.