Đỉnh cao và vực sâu
Đội tuyển Việt Nam vừa có trận thắng 4-1 đối thủ yếu hơn Đài Loan chỉ mới là sự tiến bộ của học trò Hữu Thắng so với chính mình…
Gần hai năm trước, HLV Miura ở trận ra mắt của mình đã dẫn dắt Olympic Việt Nam gây địa chấn khi thắng đậm Olympic Iran 4-1. Hồi ấy, các nhà làm bóng đá đều nói thầy Nhật là phù hợp với bóng đá Việt Nam và hồ hởi sau 20 năm mới có một thầy ngoại ưng ý.
HLV Hữu Thắng hạnh phúc cùng cơn mưa gôn của các học trò trong trận thắng đậm Đài Loan 4-1. Ảnh: QUANG THẮNG
Chiến tích của đội kèo dưới trước ứng cử viên vô địch nặng ký ở Asian 2014 đã nâng tầm cho ông Miura và các học trò rất nhiều. Kiểu như Mạc Hồng Quân chơi rất hay ở trận ấy bỗng chốc trở thành ngôi sao. Hoặc sau đó là Duy Mạnh được xem là phát hiện mới ở tuổi 19 chơi vị trí tiền vệ phòng ngự. Gần hơn nữa là phát hiện trung vệ trẻ Tiến Duy…
Trận mở màn của HLV Hữu Thắng lần này với đối thủ không có “số má” là Đài Loan nên chẳng là gì nếu so sánh với tính chất cuộc đối đầu của thầy trò Miura. Nó đơn giản như mạnh được yếu thua trong bóng đá và không ai gọi đấy là địa chấn cả.
Thế rồi ông Miura đã dần thay đổi cách chơi cho đội tuyển mà chắc hẳn chính ông cũng không nhận ra. Một số học trò của ông bỗng dưng lột xác ở trận đầu tiên, sau đó xìu xìu ển ển rồi đánh mất mình lúc nào không biết.
Từ một tư thế như người hùng đang cứu rỗi bóng đá Việt Nam, ông Miura rơi vào cảm giác hụt hẫng như vừa từ trên mây bước xuống sau nhiều trận đấu nhạt nhẽo. Có lúc ông còn đổ thừa đội tuyển chơi dở bởi học trò không tuân thủ ý đồ chiến thuật của ông. Và tư duy chơi bóng dài, bóng bổng của thầy Miura dần trở thành cái gai trong mắt của các nhà chuyên môn từng ca ngợi ông hết lời ở trận ra quân…
Không chỉ ở thời của ông Miura mà bất cứ đời HLV nào sau khi… chia tay đều tiết lộ một chuyện xưa như Trái đất là đòi hỏi của giới hâm mộ Việt Nam cao quá, cả trong các trận đấu giao hữu cho đến đá giải. Đấy chính là một thứ sức ép rất lớn khiến các nhà cầm quân luôn cảm thấy bất an và khó khăn vì phải biết chiều chuộng dư luận, vừa phải biết giữ mình.
Ngay cả HLV được xem là thành công nhất với bóng đá Việt Nam là ông Calisto cũng từng bối rối khi bị sức ép 12 trận không thắng và cứ kiên trì giữ Công Vinh. Cho đến lúc bắt đầu thắng và thắng liên tục đi một lèo đến chức vô địch AFF Cup 2008 và Công Vinh ghi bàn quyết định thì ông mới thở phào nói rằng không phải dễ mà kiên trì chờ đợi trước sức ép dư luận.
Nhắc lại sự khốn khổ của các đời tiền nhiệm HLV Hữu Thắng để thấy rằng với bóng đá Việt Nam, khoảng cách giữa sự tung hô lên đỉnh cao cho đến lúc rơi tự do xuống vực sâu có khi lại rất gần.
Thời của HLV Hữu Thắng lần này có thuận lợi tương tự tiền nhiệm Miura với màn giới thiệu mình ấn tượng ở cách chơi kỹ thuật nhưng đấy chỉ mới là tiền đề cho nhiệm vụ chính vào chung kết AFF Cup 2016 của ông xuôi chèo mát mái hơn.
Thắng một trận đấu mới chỉ là hiện tượng lóe lên chứ không có nghĩa chặng đường sắp tới của thầy trò Hữu Thắng bớt cam go hơn. Vấn đề còn là mỗi mình ông chắc chắn không thể trục vớt làng bóng đá Việt Nam đang gặp nhiều trục trặc từ công tác đào tạo trẻ cho đến sự đồng bộ trong lối chơi.
HLV Hữu Thắng vẫn luôn dặn dò học trò giữ chân dưới mặt đất và luôn kiên định với con đường mình đã chọn, cũng chẳng khác gì với các thời tiền nhiệm. Chỉ hy vọng ông có nhiều đổi mới và gặp nhiều may mắn hơn để gặt hái thành công hơn, không chỉ là thỏa mãn chỉ tiêu vào chung kết AFF Cup 2016 và vô địch SEA Games 2017.