Bóng đá VN: Từ V-League đến J-League
Một tuần sau sự kiện Arsenal nổi đình nổi đám, bóng đá Việt Nam lại nổi sóng với những sự kiện ở “đẳng cấp” khác: CĐV Hải Phòng tiếp tục nếm trái đắng đòi HLV Hoàng Anh Tuấn từ chức và Lê Công Vinh chia tay V-League khi sắp đạt ngưỡng 100 bàn thắng đến với J-League để cạnh tranh với… 7 tiền đạo.
Từ một đội bóng được "chuyển nhượng", V.Hải Phòng từng nuôi tham vọng cạnh tranh thứ hạng ở V-League 2013. Nhưng càng đá, V.Hải Phòng càng bết bát, nhất là từ lượt về.
Xét về tổng thể, K.Khánh Hòa “chuyển hộ khẩu” ra Hải Phòng là “bình mới rượu cũ” pha thêm với “rượu chua” nhưng có đầu xi măng gắn vào thì tiền nhiều hơn tiền doanh nghiệp nhà nước Khataco rất nhiều. Sự cổ vũ của khán giả cũng nhiều hơn và máu hơn, cộng với lực lượng ngoại binh tinh hơn, thế mà thành phần V. Hải Phòng pha trộn với K. Khánh Hòa lại càng đá càng đuối.
HLV Hoàng Anh Tuấn từ chức
Ở Khánh Hòa, HLV Hoàng Anh Tuấn như một “ông trời con” (cách nói của người Khánh Hòa) không chỉ vì quyền lực mà còn vì ông được cấp trên tin tưởng, được các cầu thủ nể sợ lại có cả tai mắt trải ở khắp nơi. Chính vì thế mà không trận đấu nào ở sân Nha Trang mà Tuấn “con” (biệt danh HLV Hoàng Anh Tuấn) không nhận được thông tin phản hồi từ các đường dây. Chính vì thế mà K. Khánh Hòa vốn nhiều dây, nhiều băng, nhưng Tuấn “con” nắm được và trị được hết. Bên cạnh đó phải thừa nhận ông bầu Lê Tiến Anh cũng không phải tay mơ khi vẻ ngoài ông rất nho nhã nhưng bên trong lại rất quyết liệt khi để Tuấn “con” hành xử trong tầm kiểm soát của mình.
Về với Hải Phòng, Tuấn “con” không thể hành xử như “ông trời con” được, nhất là bản thân HLV Hoàng Anh Tuấn còn chưa thuộc cả lịch sử cùng những niềm tự hào của bóng đá Hải Phòng thời còn cái sân Lấp, sân Bô-Nan.
Quyền trong tay nhưng lực thì bị san sẻ, Tuấn “con” muốn “nắm” các trụ cột Khánh Hòa làm nòng cốt, nhưng không thể. Thậm chí là chính những cầu thủ Khánh Hòa cũ giờ cũng có người “hòa tan” với các cầu thủ Hải Phòng để “chống” HLV.
V. Hải Phòng sa sút sau khi có lúc nằm chễm chệ ở vị trí thứ nhì bảng xếp hạng bởi nội tình nhiều hơn là chuyên môn.
Tiền xi măng rót về nhiều hơn tiền Khataco nhưng đội bóng thì không thể mạnh hơn và ngược lại yếu đi rất nhiều vì sự phân hóa.
V. Hải Phòng không thể xuống hạng nhưng tình trạng hiện nay thì chắc chắn Tuấn “con” khó lòng yên vị và số phận của nhiều cầu thủ Khánh Hòa cũ sẽ rất khổ sở. Đấy cũng là hội chứng của căn bệnh “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” mà bóng đá Việt Nam thường vấp phải trong giai đoạn tiền có thể mua cả một đội bóng, rồi “cắt tóc thay đầu”.
Đấy là chuyện của V-League tuần trước và tuần này thì V-League lại kết nối với J-League từ bản hợp đồng vào phút 89 của Công Vinh. Lạ ở chỗ Vinh sẽ khoác áo Consadole Sapporo sau hơn nửa mùa chơi ở V-League, rồi chuyển qua đá nửa lượt về ở giải hạng nhì J-League (J-League 2).
Công Vinh chuẩn bị sang Nhật Bản thi đấu
Nhiều người cho rằng đây là sự kiện lịch sử của bóng đá Việt Nam, dù lịch sử từng ghi nhận 13 năm trước Lê Huỳnh Đức đã từng khoác chiếc áo số 13 của Lifan – Trung Quốc thi đấu giải C-League. Một chuyến đi mà bản thân Đức xác nhận rằng chỉ mang yếu tố thương mại, còn anh thì chẳng học được gì nhiều ngoài thời gian dài ngồi ghế dự bị để quảng cáo xe Lifan nhiều hơn là để tiếp thu từ nền bóng đá cao hơn.
Với Công Vinh thì đây thực sự là một thử thách không nhỏ vì giải hạng Nhì J-League khắc nghiệt không kém, nhất là Vinh sẽ phải cạnh tranh với … 7 tiền đạo nội lẫn ngoại của CLB này.
Không biết Vinh có những bàn thắng để đời tại J-League không nhưng ai cũng nói sau bản hợp đồng này thì đối tác của anh đã có bàn thắng vàng rồi.