Bóng đá Việt Nam: V-League không “chết”!
90 phút trong trận Hà Nội T&T – SLNA đã mang đến cho người xem nhiều cảm xúc tích cực. Lâu lắm rồi sân Hà Nội mới có được cảnh kín sân như thế khiến người xem nhớ đến những ngày hội Tiger Cup 1998. V-League không “chết” nếu người xem được chờ đợi và thưởng thức những trận cầu nảy lửa và kịch tính như vậy.
Khi Kiatisak còn khoác áo HA Gia Lai, cầu thủ Thái Lan này thường ao ước, mong mỏi có những trận cầu hay, giàu cảm xúc. Anh nói: “Người hâm mộ mong được nuôi dưỡng bởi những trận cầu hay, nhiều cảm xúc trong khi cầu thủ rất cần được sống với những trận cầu nảy lửa vì nó là chất xúc tác cần thiết giúp các cầu thủ trưởng thành và có hưng phấn cần thiết…”. Vòng 4 V-League với trận Hà Nội T&T – SLNA chính là một trận cầu giàu cảm xúc và hay theo nhiều nghĩa và bóng đá Việt Nam rất cần những trận cầu như thế.
Người hâm mộ và những nhà chuyên môn chứng kiến không khí trước, trong và sau trận Hà Nội T&T – SLNA đã hoàn toàn thỏa mãn với những gì mà hai đội vắt hết mình để cống hiến một trận cầu đẹp về nhiều mặt. Không chỉ ở đó có những tuyệt tác với những bàn thắng độc mà trong đó cú tung chân vô lê ở một góc sút cực hẹp của Gonzalo được ví như bản sao của Van Basten (trong trận chung kết Euro 1988) mà còn hội tụ nhiều yếu tố. Sức nóng trên sân, sự căng thẳng với tính chất của trận đấu và yếu tố “say” của các ông bầu, của ban huấn luyện đã truyền xuống từng cầu thủ làm nên một trận cầu kịch tính.
Trận đấu trên làm người xem nhớ đến những trận Derby Hà Nội ngày nào giữa Thể Công và CA Hà Nội luôn kín sân và luôn máu lửa cả trên sân lẫn khán đài.
Tôi không đồng tình với những nhận xét bạo lực qua số thẻ và những động tác vào bóng của trận đấu trên bởi bóng đá trung thực cần phải có sự đối kháng mạnh mẽ như thế. Ở đây, sức nóng lan tỏa từ khán đài xuống những đôi chân và trong từng tình huống lẫn tốc độ của trận đấu đã khiến người xem đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác và sống lại với bóng đá đỉnh cao, với những ngày hội bóng đá thực sự.
V-League rất cần những trận cầu như thế như một chất xúc tác cần thiết để tồn tại và phát triển. Tiếc là bóng đá Việt Nam còn quá ít những trận cầu như vậy.
Các CĐV tiếp lửa cho cầu thủ
Vì sao mà Hà Nội T&T có những trận họ thi đấu thiếu lửa và thua dễ (như trận thua V. Ninh Bình) thì trận gặp SLNA lại cho thấy đây mới là đối thủ có đủ tiềm năng và là một trong những ứng viên vô địch nặng ký?
Vì sao SLNA làm nên hiện tượng một đội khách nhưng biến khán đài sân khách thành một ngày hội của các cổ động viên xứ Nghệ khi nhuộm vàng cả sân với sự cổ vũ nhiệt tình biến khán đài sân Hàng Đẫy nguội lạnh từ rất lâu thành một buổi chiều nóng bỏng rực lửa?
Thực tình mà nói nguyên nhân chính nằm ở chỗ đội khách cuồng nhiệt với nhiều nhân vật “có ân oán” với chủ nhà cùng một dàn cổ động viên tuyệt vời. Điều mà chính những nhà tổ chức sân Hàng Đẫy không tiên liệu được thể hiện qua số vé được in và bán ra thấp hơn rất nhiều so với con số thực khán giả có mặt trận sân.
Đã từ lâu những ông bầu, những nhà làm bóng đá Việt Nam quên đi yếu tố khán giả, cổ động viên vốn được xem là cầu thủ thứ 12 và là một phần rất quan trọng của đội bóng thì ở đây SLNA đã làm được điều đó. Họ có món hàng hot Công Vinh, dù đây chỉ là sự trở lại và biết nhân lên qua những gì mà tập thể SLNA đã cống hiến từ đầu giải đến giờ. Mà để giữ được cổ động viên và để có sự quan tâm cần thiết thì ngoài thành tích còn phải gắn với sự cống hiến, tôn trọng khán giả của tập thể đội bóng. Thầy trò HLV Hữu Thắng từ đầu giải đến giờ đã và đang trình diễn một thứ bóng đá chất lượng, giàu lửa nhiệt tình thể hiện qua thành tích và trách nhiệm lẫn thái độ của các cầu thủ. Và nếu các cầu thủ SLNA giữ được chất lửa đấy với tinh thần đầy trách nhiệm như thế thì chắc chắn họ sẽ là đội vô địch của những nhà vô địch.
Sân Hàng Đẫy sẽ không thể là ngày hội nếu Hà Nội T&T đá với một đội khách khác không phải là SLNA. Một cách làm bóng đá khác với kiểu vung tiền ra mua mà nhiều ông chủ hay có thói quen mua cầu thủ giỏi, mua nhà quản lý giỏi thì cũng mua được cả cổ động viên, “khán giả”. Hình ảnh các cổ động viên SLNA tự nguyện đến sân khác hẳn với một số CLB xả cửa cho khán giả vào sân hay có CLB thuê các cổ động viên đến sân để hò hét, thuê nghệ sĩ làm hoạt náo viên… Họ quên rằng tính chất cổ động viên trong bóng đá chuyên nghiệp không thể là những cuộc mặc cả bằng tiền giống như thuê người khóc mướn.
Bây giờ thì những nhà tổ chức và cả các ban tổ chức sân đều rất thích đón nhận những trận đấu có SLNA vì chất lượng của đội bóng này cả ở những đôi chân lẫn cách tổ chức cổ động viên và quan trọng nhất là sự hết mình, tôn trọng khán giả của đội bóng.
V-League sẽ không “chết” nếu được nuôi dưỡng bởi những trận cầu như thế. Và V-League sẽ phát triển nếu tự thân mỗi đội bóng ý thức được việc gìn giữ cổ động viên và có trách nhiệm với những người yêu mến, cổ vũ cho đội bóng mình. Điều mà rất nhiều đội bóng và ông bầu cứ đổ tiền cho đội bóng nhưng không nghĩ đến giá trị tinh thần nơi những đôi chân nóng và sự tin yêu của người hâm mộ...