Bóng đá và công nghệ PR
Không ít người đã đặt ra vụ sinh viên Vũ Xuân Tiến chạy theo xe chở đội Arsenal là trò PR của Arsenal.
Có người còn phân tích rằng mọi thứ mà Vũ Xuân Tiến khoác lên cho kế hoạch “đổ bộ” lên xe Arsenal cũng đều là hàng hiệu từ chiếc áo Nike thật cho đến đôi giày trắng phau…
Tạm bỏ qua chuyện Tiến có phải là “chim mồi” như nhiều người ngờ vực mà chỉ tập trung vào vế Arsenal thôi thì ai cũng thừa nhận ông Wenger cùng các thành viên trong ban lãnh đạo đội bóng rất biết cách dựa vào sự kiện để PR cho chính mình. Mời một CĐV lên xe thì không lạ nhưng cái cách tạo hiệu ứng, hình ảnh, âm thanh rồi dàn dựng một clip rất nhanh trong khoảng thời gian không thua gì các tay truyền hình thứ thiệt thì đúng là Arsenal rất đáng nể. Bởi sau khi Arsenal đưa hình ảnh của Tiến trong đoạn phóng sự ngắn có lời dẫn của thủ môn đội trưởng Szczesny thì lập tức rất nhiều báo, đài trên thế giới đã chớp lấy sự kiện này và hình ảnh về chuyến du đấu của Arsenal tại Việt Nam “sôi” hẳn lên với phóng sự người hùng “running man”.
Chính các báo Anh cũng phải thừa nhận bảy bàn thắng mà Arsenal ghi vào lưới đội Việt Nam không có giá trị bằng bàn thắng “running man” mà Arsenal “chớp” lấy rất nhanh và đẩy lên bằng những động tác tiếp theo như mời Vũ Xuân Tiến sang Anh đến sân Emirates xem đội thi đấu như một khách VIP của đội.
Xuân Tiến đã trở nên nổi tiếng, nhưng Arsenal cũng được lợi rất nhiều
Câu chuyện của Arsenal với “running man” Vũ Xuân Tiến chắc chắn chưa dừng lại ở đấy sau khi Arsenal rời Việt Nam. Tuy nhiên, trong những ngày qua thì chàng sinh viên Vũ Xuân Tiến lại bất ngờ trở thành trung tâm của nhiều cuộc khai thác lẫn PR và cả ăn theo của nhiều đơn vị. Điển hình một công ty sẵn sàng trả lương khởi điểm cho Tiến 20 triệu đồng. Mới đây lại có tin một công ty nước giải khát mời Tiến làm đại sứ thương hiệu cho nhãn hàng nước tăng lực và còn nhiều lời mời khác…
Vũ Xuân Tiến từ một người CĐV bình thường giờ đã phải sống trong những ngày ồn ào, bị săn tìm giống như một ngôi sao đang “hot”. Cuộc sống của Tiến cũng bắt đầu bị xáo trộn rất nhiều bởi các lời mời, bởi những cuộc săn đón.
Nhân sự kiện của Tiến lại làm nhiều người nhớ đến một cậu bé tuổi 16 cách đây 13 năm từ vô danh bỗng nổi như cồn và thay đổi hẳn sau bàn thắng sút tung lưới U-16 Trung Quốc Phạm Văn Quyến. Hồi đấy có ai ngờ chỉ năm năm sau ngày Quyến được tâng bốc như một thần đồng và là “hot boy” của bóng đá Việt Nam thì em trượt xuống vực thẳm rồi vào vòng lao lý đến độ mẹ Niềm phải thốt lên: “Giá mà con tôi đừng biết và đừng theo bóng đá!”.
Công nghệ PR trong bóng đá thật kinh khủng khi nó đẩy lên rất nhanh và cũng có thể phá đi rất mau lẹ tùy theo thái độ và bản lĩnh của người đón nhận. Vì thế cũng rất mong Vũ Xuân Tiến thật tỉnh táo và vững vàng khi đón nhận các sự kiện đến với mình một cách quá bất ngờ.
Mong Tiến lưu tâm đến lời dặn của nhà báo Anh Ngọc: “Mong Xuân Tiến vẫn là Xuân Tiến như cái ngày Arsenal chưa đến Việt Nam” hơn là choáng ngợp trước công nghệ PR đã từng làm nhiều người lên rất cao rồi đánh mất mình rất nhanh.