BÌNH LUẬN: Một giải đấu “qua đời”!
Có lẽ sẽ chẳng có mấy ai tiếc nuối khi SGXT bỏ cuộc và giải tán đội bóng.
CLB này đã để lại quá nhiều rắc rối và những hình ảnh không đẹp trong mắt người hâm mộ. Tuy nhiên, cái “chết” lại kéo theo một hệ lụy rất lớn ảnh hưởng đến rất nhiều CLB. Hàng trăm tỷ đồng bị bỏ xuống sông, xuống biển. Dù cho tới đây Hà Nội T&T có đăng quang, hay K.Kiên Giang có trụ hạng, thì người hâm mộ của các đội bóng này cũng chẳng lấy gì để tự hào cả. Một giải đấu thực sự đã “qua đời” cùng với tuyên bố bỏ giải của bầu Thủy .
Ban kỷ luật khẳng định họ đã quyết định đúng với Quy chế bóng đá chuyên nghiệp khi trừ điểm SGXT. Tuy nhiên, quyết định ấy trong bối cảnh mùa giải chỉ còn 2 vòng đấu chẳng khác nào hành động dồn người ta đến con đường cùng. Bất chấp SGXT vốn là đội bóng chẳng biết tương lai ra sao, nhưng trước quyết định ấy thì có lẽ bất kể thế nào cũng chỉ có một lựa chọn là bỏ cuộc chơi mà thôi.
Bầu Thủy tuyên bố bỏ cuộc, nhưng chẳng mấy ai cảm thấy tiếc?
Ông Nguyễn Trọng Hỷ nói quyết định kỷ luật trên là để làm gương cho các đội bóng khác, nhưng câu nói của ông Hỷ lại không phù hợp với bối cảnh này. Bởi lẽ, nếu chọn 1 trận đấu, 1 đội bóng để “trảm” lập uy thì lẽ ra VFF đã phải làm từ đầu mùa giải chứ không phải là cho đến khi cuộc chơi gần như đã an bài rồi đẩy họ xuống vực. Nói như thế là vì ở V.League mùa giải năm nay, rất nhiều trận đấu bất thường, khó hiểu còn hơn nhiều lần so với trận đấu trên sân Kiên Giang vòng 19 vừa qua, nhưng tại sao các trận đấu lại được bỏ qua mà không nhắc đến. Phải chăng, VFF chỉ “nắm kẻ có tóc, mà không nắm người trọc đầu”?
Còn nếu chỉ dựa trên 1 tin nhắn nặc danh để kỷ luật và dồn ép đội bóng ấy đến “cửa tử” thì đúng là một cách làm hết sức bừa bãi, không thể thuyết phục được bất kỳ CLB nào.
Một đội bóng thiếu chuyên nghiệp rời bỏ cuộc chơi chưa hẳn là điều xấu cho bóng đá Việt Nam, nhưng sẽ vô cùng xấu nếu như đội bóng ấy lại “chết” chỉ vì cách cư xử thiếu chuyên nghiệp không kém từ những nhà điều hành giải đấu.