Arsenal: Còn thiếu một "Yaya Toure" như của Man City
Trước thềm trận đại chiến tại Emirates vào tối nay, Arsenal cho thấy bị lép vế hoàn toàn so với Man City ở vị trí tiền vệ phòng ngự. Tuy nhiên những chiếc “mỏ neo” dường như không còn quan trọng với Pháo thủ trong những năm gần đây.
Với 76 triệu bảng vứt vào thị trường chuyển nhượng, HLV Arsene Wenger mang về 2 cầu thủ tấn công (Sanchez, Welbeck), 1 hậu vệ cánh (Debuchy), 1 thủ môn (Ospina) và 1 trung vệ tuổi teen (Chambers). Ngoài vị trí người gác đền, tất cả đều là những cầu thủ có tốc độ rất tốt. “Quá nhanh quá nguy hiểm” có vẻ sẽ là triết lý tiếp theo của Giáo sư người Pháp.
Chúng ta có thể chia triều đại của Wenger tại thành London thành 2 phần. Ở kỷ nguyên đầu, Arsenal được xây dựng bởi tốc độ, sự chính xác dựa trên lối chơi phản công. Những mẫu cầu thủ tốc độ như Henry hay Ljungberg có thể bay cao nhờ các bệ phóng vững chắc Vieira, Gilberto Silva.
Giai đoạn 2 bắt đầu từ sau thất bại trong trận chung kết Champions League trước Barca năm 2006. Có lẽ chứng kiến gã khổng lồ xứ Catalunya thi đấu, HLV Wenger tin rằng kiểm soát bóng mới chính là mấu chốt của chiến thắng. Kể từ ấy, Pháo thủ được xây dựng xung quanh hạt giống Fabregas cùng những cầu thủ kỹ thuật như Rosicky, Hleb hay Arshavin.
Flamini là tiền vệ phòng ngự đúng nghĩa duy nhất mà Arsenal có
Sau 4 trận đấu đầu tiên của mùa giải (1 tại Siêu cúp và 3 tại NHA), chúng ta có thể thấy rõ Wenger luôn thúc giục các học trò chạy, chạy và chạy. Ông muốn sử dụng tốc độ để xuyên thủng hàng phòng ngự đối phương.
Lối chơi này sẽ phát huy tác dụng trước các đối thủ yếu với khả năng bùng nổ là rất cao. Ở trận tranh Siêu cúp, Arsenal đã thành công và đánh bại Man City 3-0. Nhưng khi gặp một đội bóng có hàng phòng ngự bản lĩnh, Pháo thủ sẽ nhận lấy đòn trừng phạt khi tấn công nhiều mà không ghi được bàn thắng. Đó là điều các CĐV thấy sau 1 điểm trước Leicester ở vòng trước và xa hơn nữa là trận hòa trên thế thua ở sân của Everton.
Trong đội hình hiện tại, Arsenal có 3 sự lựa chọn cho vị trí tiền vệ phòng ngự và chỉ có duy nhất Flamini là một “mỏ neo” đúng nghĩa. Đội trưởng Arteta không mạnh ở khả năng tranh chấp trong khi Wilshere - mẫu cầu thủ thích lao lên để ghi bàn - mới chập chững thử nghiệm ở vai trò này.
Bên cạnh chuyên môn, một “mỏ neo” cần cao, khỏe, hiếu chiến và thông minh. Tại sân Emirates, chẳng ai hội đủ ít nhất là 3 trong 4 phẩm chất trên. Ngược lại, Man City không thiếu những chiến binh như vậy ở tuyến giữa. Yaya Toures là mẫu tiền vệ công thủ toàn diện, Fernandinho chiếm suất cứng tại Brazil còn tân binh Fernando đã lập tức gây ảnh hưởng ở vị trí này.
Triết lý của Man City xuyên suốt nhiều năm qua là xoay quanh khu trung tuyến – xương sống của đội bóng. Sau mỗi mùa, họ đều mua ít nhất là một máy quét từ Nigel de Jong, Yaya Toure, Javi Garcia, Rodwell, Barry, Fernandinho rồi Fernando.
Wenger chắc chắn biết Arsenal yếu nhất ở vị trí nào. Nhưng ông vẫn nhắm mắt làm ngơ trước các “máy quét” Schneiderlin của Southampton, Gonalons của Lyon hay Tiote của Newcastle trong mùa hè vừa qua.
Tại Emirates tối nay, trận chiến sắp tới ở khu trung tuyến sẽ rất đáng chờ đợi. Liệu tốc độ của Arsenal có thắng được chất thép của Man City?
Bảng mua sắm "mỏ neo" của hai đội trong 7 mùa giải vừa qua:
MÙA | ARSENAL | MAN CITY | ||
2014/15 | Fernando | 12* | ||
2013/14 | Flamini | Miễn phí | Fernandinho | 34 |
2012/13 | Rodwell | 12 | ||
Javi Garica | 17 | |||
2011/12 | Hargreaves | Miễn phí | ||
2010/11 | Yaya Toure | 24 | ||
2009/10 | Patrick Vieira | Miễn phí | ||
Gareth Barry | 12 | |||
2008/09 | Nigel de Jong | 16 | ||
*: đơn vị triệu bảng |
|
|
|
|