Ai sẽ là Wenger của Việt Nam?
Một trong những nhà quản lý bóng đá vĩ đại nhất của thế giới và đội bóng của ông đã đến Việt Nam, và Arsenal của Arsene Wenger sẽ mang lại gì cho nền bóng đá ở vùng trũng của chúng ta?
Trong 30 phút trả lời các câu hỏi của báo chí Việt Nam vào ngày hôm qua, ông Wenger tỏ ra rất lịch thiệp và ngoại giao. HLV người Pháp bình luận dí dỏm khi được hỏi về đội tuyển Việt Nam: “Các bạn nói tiếng Việt rất nhanh, và tôi hy vọng rằng đội tuyển VN sẽ không đá với tốc độ như vậy”. Về bóng đá Việt Nam: “Các bạn có rất nhiều tài năng”. Và về tương lai của bóng đá Việt Nam: “5-10 năm nữa các bạn có thể cất cánh được trên đấu trường quốc tế”.
Từ những lời xã giao của ông Wenger
Chúng ta ít nhiều hiểu được rằng đó là những lời ngoại giao. Ông Wenger là một người khôn khéo, và chiếm được thiện cảm của chủ nhà ngay từ đầu là một điều bất kỳ vị khách nào cũng mong muốn. HLV người Pháp cũng là một người “có công” với bóng đá Việt, nếu xét sâu xa: “Cách đây 7 năm, tôi có gặp ông Đoàn Nguyên Đức tại London, và nói chuyện rất lâu về việc thành lập một học viện bóng đá tại Việt Nam”.
Giờ thì học viện HA.GL Arsenal JMG đã trở thành điểm đến đáng tin cậy nhất cho bất kỳ đứa trẻ nào muốn lớn lên với quả bóng một cách bài bản và lành mạnh. Nhưng 6 năm sau ngày học viện này thành lập, bóng đá Việt Nam vẫn chưa có bước tiến nào đáng kể, thậm chí còn thụt lùi. Và World Cup, tất nhiên, là một mục tiêu quá xa vời.
Đó là một quãng thời gian không hề ngắn. Ông Wenger cũng đã nói trong buổi họp báo: “Tôi đến Nhật Bản làm việc vào năm 1996, và đến năm 2002, họ đã dự World Cup”. Giải J-League cũng mới chỉ chính thức đi vào hoạt động trước đó 4 năm. Bây giờ, Nhật Bản là một trong những đội tuyển hàng đầu của châu Á, và có khả năng cạnh tranh sòng phẳng ở tầm thế giới.
17 năm trước, ông còn là một nhân vật vô danh và đến làm việc ở một quốc gia bóng đá vùng trũng. Thời điểm ấy, bóng đá thế giới có rất ít những chuyến du đấu xa xôi, nhưng một cường quốc bóng đá châu Á vẫn ra đời, cũng từ một xuất phát điểm rất thấp.
Wenger làm việc ở Nhật đúng một mùa bóng (1995-1996), nhưng cũng có thể xem như một trong những người đã làm thay đổi bóng đá Nhật Bản. Đội Nagoya Grampus do ông dẫn dắt về thứ nhì ở J-League, thành tích tốt nhất tồn tại cho đến năm 2010, giành Cúp Nhật Hoàng mùa ấy, còn HLV người Pháp đoạt danh hiệu Nhà cầm quân của năm 1995. Một năm làm việc nghiêm túc của một HLV còn vô danh (và tất nhiên, đầy tiềm năng) có thể có giá trị bằng hàng trăm chuyến du đấu thoáng qua.
Nhưng ông Wenger cũng chỉ là người thúc đẩy quá trình đi lên không ngừng của bóng đá Nhật Bản. Nhà tiên phong thực sự ở đó là Zico. Huyền thoại người Brazil đến Nhật chơi bóng từ năm 1989, khi J-League còn chưa ra đời, và chơi cho Kashima Antlers từ năm 1991 đến 1994 thì giải nghệ. Đó thực sự là 3 năm bước ngoặt của bóng đá Nhật Bản.
Ông Wenger là người đưa ra ý tưởng để bầu Đức thành lập học viện HAGL Arsenal JMG
Ai sẽ là Zico và Wenger của Việt Nam?
Cho đến bây giờ, người Nhật vẫn nhắc tên Zico với sự ngưỡng mộ không giấu diếm, không chỉ về tài năng, mà còn bởi tác phong chuyên nghiệp tuyệt vời. Ông nổi tiếng là một cầu thủ khó tính, thường xuyên không hài lòng vì thái độ thi đấu của các đồng đội, và cũng không ngại va chạm để sửa đổi lại thái độ ấy. Zico đã có đóng góp lớn trong quá trình “hình thành nhân cách” của bóng đá Nhật, mà sự quyết liệt ấy của ông đã được các CĐV đến từ Ibaraki, Nhật, khái quát hóa trên một tấm băng rôn có đề “Tinh thần Zico”.
Wenger cũng là một ví dụ khác về sự chuyên nghiệp. Từ khi ở Nhật, ông đã nổi tiếng là con người chỉ biết có bóng đá, bóng đá và... bóng đá. Lịch sự, nhã nhặn và luôn hướng đến lối chơi đẹp, Wenger đã để lại những giá trị không tên cho bóng đá Nhật Bản sau 18 tháng làm việc ngắn ngủi.
Giò thì ông đến Việt Nam cùng “sản phẩm” tốt nhất trong đời huấn luyện của mình, CLB Arsenal. Nhưng không ai đến đây với ý định cải tạo bóng đá Việt Nam. Họ du đấu, kiếm tiền, giao lưu với người hâm mộ và thỏa mãn ước mơ được nhìn ngắm những thần tượng bằng xương bằng thịt của họ. Trong phái đoàn trăm người ấy, không có một Zico, hay một Wenger nào của 17 năm về trước. Những nhà tiên phong của bóng đá Nhật Bản. Những người đã làm thay da đổi thịt nền bóng đá ấy.
Trong 10 năm trở lại, những đội bóng nước ngoài sang Việt Nam không ít, mà nổi bật có Olympic Brazil năm 2008 và Arsenal hiện tại. Nhưng điều đó chỉ có ý nghĩa với những người hâm mộ, không có nhiều ý nghĩa với một nền bóng đá đang đi xuống.
“5-10 năm nữa các bạn có thể cất cánh được trên đấu trường quốc tế” – Ông Wenger đã nói thế, nhưng ông không cần biết, và cũng không có lý do phải biết những gì đang diễn ở đây. 17 năm trước, Nhật Bản không có một chuyến du đấu nào, nhưng họ đã phát hiện và lôi kéo được một HLV sau này sẽ trở thành vĩ đại về để xây nền móng cho ngôi nhà của họ. Wenger không tham quan các danh thắng ở Nhật Bản, cũng không ký cho ai cả, nhưng ông đã là một phần lịch sử của J-League. Còn với chuyến du đấu Việt Nam lần này, hành trình của ông Wenger chỉ gói gọn trong 3 ngày khám phá Hà Nội và một trận đấu ở sân Mỹ Đình.