5 điều “trời ơi” về “đá không xuống hạng”
VPF đã đưa ra ý tưởng: V-League 2013 sẽ không có đội phải xuống hạng.
1 - AI CÔNG NHẬN?
Hay nói chính xác hơn, ai mà công nhận ý tưởng này sẽ có thể được xem là “liều mạng” nhất.
Về lý thuyết, trước khi trái bóng lăn, 12 đội có cùng cơ hội vô địch và có cùng nguy cơ rớt hạng. Nói cách khác, trước khi nghĩ đến chuyện vô địch, phải đá sao cho không xuống hạng trước đã. Nếu chấp thuận ý tưởng trên, coi như đã triệt tiêu một nửa tính chất của một giải vô địch quốc gia. Lịch sử sẽ không thể ghi nhận mùa giải 2013 vì nó không cùng tiêu chuẩn với phần còn lại của lịch sử. Vì thế mà giải đấu không xuống hạng năm 1999 chỉ được gọi là “Giải tập huấn mùa Xuân”.
Giải VĐQG đã phản ánh đúng chất lượng của cả nền bóng đá
2 - AI CÒN MUỐN VÔ ĐỊCH?
Cho đến nay, lịch sử của SLNA không hề ghi nhận chức vô địch năm 1999 như là “số 1 quốc gia”. Chẳng ai vui vẻ gì khi đá mà THIẾU (chứ không có nghĩa là KHÔNG) tính cạnh tranh.
Đúng là người ta có thể đá vì 10 tỷ đồng và một danh hiệu “nửa vời” nhưng mấy ai thật sự nghĩ mình là “số 1 quốc gia”. Chúng tôi dám chắc rằng các CLB thuộc doanh nghiệp không hề quan tâm đến chức vô địch này. Hãy nhớ rằng, khi các doanh nghiệp đã đầu tư cho bóng đá, họ chẳng quan tâm đến chuyện sẽ phải xuống hạng (nên có qui định cũng như không). Cái họ tập trung vào là chức vô địch, danh vị. Nếu cái danh vị đó không còn ý nghĩa, ai muốn đá nữa?
3 - ĐÁ CẢ NĂM VÌ MỤC TIÊU GÌ?
Mỗi thứ hạng ở một mùa bóng là phản ảnh sự phấn đấu của cả một năm, là thước đo năng lực của một quá trình dài hạn của một CLB. Nói cách khác, người ta không chỉ đá bóng để vô địch. Chức vô địch thật ra cũng chỉ là một vị trí như bao vị trí khác trên bảng xếp hạng chung cuộc, có giá trị tương đương nhau. Thế nên, khi đã không xuống hạng thì có nghĩa, chỉ có vị trí số 1 là có giá trị mà thôi, thế thì đá bóng cả năm trời để làm gì khi chẳng lấy cơ sở nào để biết đội bóng mình đang ở trình độ nào, năm tới phải đâu tư ra sao. Có thể đội mình quyết tâm, đá thiệt tình nhưng đội bạn có đá thật hay không? Không lẽ, trước khi đá bóng, 2 đội cùng nhau ký cam kết: đá thiệt tình?!
4 - TINH LỌC ĐƯỢC ĐIỀU GÌ?
Một giải vô địch quốc gia không chỉ được hình thành chỉ để tìm cho ra nhà vô địch. Nó phản ánh chất lượng của cả nền bóng đá. Từ chất lượng đó, mới xây dựng được đội tuyển quốc gia, xây dựng được các lý thuyết về phát triển hệ thống đào tạo, nhìn ra những sai sót của công tác chuyên môn.
Xin nhớ rằng, đội tuyển quốc gia không hề hình thành trên cơ sở của 1-2 đội bóng đứng đầu giải vô địch. Đã từng có cầu thủ hạng Nhất lên tuyển và các cầu thủ của đội suýt rớt hạng vẫn là trụ cột ở tuyển. Việc tranh đấu để không phải xuống hạng cũng đem lại cho cầu thủ giá trị ngang với đá vì chức vô địch. Khao khát là như nhau. Vì thế, chỉ đá cho chức vô địch là mất đi phân nửa giá trị đó rồi.
5 - SAO CÓ TIẾN BỘ?
Các nhà tổ chức hứa hẹn sẽ có cách làm cho các trận đấu hấp dẫn. Ai tin? Trình độ tổ chức của Việt Nam đã rất tệ nay có thể tệ hơn vì chẳng phải động não thêm khi khâu tổ chức đang đơn giản hơn. Nhiều trận đấu vô bổ sẽ xuất hiện, cầu thủ không phát triển nghề nghiệp, trọng tài không chịu nhiều sức ép, các nhà tổ chức không phải làm việc vì khán giả không đến sân đông…Tất cả những thứ ấy kéo lùi mọi sự phát triển, tiến bộ.