"Yêu đương là chuyện của con"
"Ngày xưa mẹ lấy bố lúc mới có 17 tuổi, khéo từ lúc 13-14 bố đã dắt mẹ ra bụi tre xử lý rồi ấy chứ".
“Ở làng tôi, những đứa không đi học cao đẳng, đại học thì chỉ qua 18 tuổi là lấy vợ, lấy chồng. Nhiều nhà neo người làm còn cho chúng nó cưới trước, bao giờ đủ tuổi thì đăng ký. Người ở làng sống như thế cả nên những đứa vẫn đi học như con nhà tôi cũng yêu sớm lắm."
Chị Dự cứ cười hì hì mà kể: Năm thằng Tuấn nhà tôi 17 tuổi, đang học lớp 12 ấy, bị thanh niên trong làng bắt quả tang đang yêu nhau với con bé làng bên. Nó về nhà lấm lét chui vào buồng, sáng hôm sau đi học thật sớm. Bố nó thì cả đêm nằm cứ vỗ đùi đen đét cười khoái chí: Thằng này khá! Tôi thì nói thật là bực mình lắm.
Nhà tôi mấy đời làm ruộng rồi, nghỉ tay là đói nên nói thật là tôi cũng muốn cho con cái được thoát li, có cái nghề, vừa tự hào với thiên hạ mà cũng sướng thân chúng nó.
Ba đứa chị thằng Tuấn dốt lắm, học mãi chẳng thi nổi vào cấp 3 nên tôi đành cho nghỉ, riêng thằng này nó sáng dạ, năm nào đi họp phụ huynh cũng nghe cô giáo nó khen nên tôi hy vọng nhiều.
Mấy lần nó đưa con bé làng bên về nhà tôi cũng gặp, con bé cũng xinh xắn hiền lành lắm. Tôi tưởng chúng nó chỉ bạn bè, yêu nhau vớ vẩn thôi vì con trai ở nông thôn đều thế mà, gặp đứa nào ưng mắt thì đưa lời trêu đùa, tán tỉnh, chẳng biết đâu là thật đâu là giả. Ai biết chúng nó lại thật lòng với nhau chứ.
Bố nó cứ bảo tôi kệ nó, chẳng làm sao mà phải khó chịu. Nhưng tôi thì không kệ được. Bao nhiêu hy vọng của tôi, của các chị nó, của cả họ đổ vào nó. Giờ mà nó yêu, nó nghỉ học, nó đòi lấy vợ thì xôi hỏng bỏng không à?
Hôm ấy, nó đi học về, vừa ngồi vào mâm cơm tôi đã hỏi “Chuyện cả làng đang bàn tán có thật không?”. Nó lí nhí “thật ạ?”.
Tôi hỏi: “đứa ấy là đứa nào?”. Nó bảo: “cái Nhung làng bên, học thêm lớp Lý cùng con”.
Hóa ra con bé ấy vẫn còn đi học. Tôi đỡ bực hơn.
Chị Phạm Thị Dự
Tôi kể lể với thằng Tuấn, nuôi nó đi học tôi đã tốn bao nhiêu bò, bao nhiêu lợn. Nhà có gì tốt nhất, ngon nhất, bố mẹ, các chị cũng dành phần cho nó. Tôi khẳng định rằng nó phải đỗ đại học, đừng có mà học theo cái bọn lông bông yêu đương nhăng nhít, nếu trượt thì chỉ có đi gắp phân bò, nhà chẳng có vốn liếng gì đâu.
Tôi quay lại chuyện yêu đương của nó, bắt nó phải thôi con bé kia ngay, không có học thêm học thiếc gì chung nữa, cấm đèo nhau đi học đi hành gì nữa…
Tôi cứ tưởng thấy mẹ giận vậy, nó phải sợ lắm. Ai dè, tôi vừa nói xong thì nó buông bát đũa xuống mâm. Chị biết nó bảo thế nào không? Nó bảo: “Mẹ làm gì mà găng thế? Ngày xưa mẹ lấy bố lúc mới có 17 tuổi, khéo từ lúc 13-14 bố đã dắt mẹ ra bụi tre xử lý rồi ấy chứ. Con vẫn đi học, yêu đương là chuyện của con, mẹ cứ can thiệp làm gì”.
Đấy chị xem, nó yêu con bé kia rồi dở dói láo toét thế. Tôi ngồi im chẳng biết nói gì, quả thật tôi lấy bố nó lúc có 17 thật. Nhưng thời chúng tôi khác chứ, thời chúng tôi con gái 20 chửa có chồng là ế rồi. Mà lấy chồng sớm thế nên tôi mới nghèo, mới khổ, mới phải bán mặt cho đất bán lưng cho giời. Nó chả hiểu gì cả, lại còn cãi lý nữa.
Bố nó thì cười không ngậm được. Bảo sao con chả hư. Sau bố nó cấm tôi không nói nữa, tuyên bố luôn với thằng Tuấn: “Mày thích yêu thế nào thì yêu, nhưng năm nay phải đỗ đại học. Không đỗ tao đuổi khỏi nhà, thích sống thế nào thì sống”.
"Có lẽ ở nông thôn như chúng tôi, việc yêu đương nó không ảnh hưởng nhiều thật. Thằng Tuấn nhà tôi năm đó đỗ Đại học công nghiệp Thái Nguyên, giờ đi làm cũng được mấy triệu một tháng. Con bé kia đỗ cao đẳng sư phạm, là cô giáo rồi, tôi vừa hỏi cho thằng Tuấn hồi cuối năm ngoái. Ai mà tin được chúng nó yêu nhau đến tận giờ, sắp thành bố mẹ rồi chị ạ”.
Trước lúc chia tay tôi, chị bảo: Thanh niên ở quê giờ vẫn chẳng khác trước mấy đâu, yêu nhau sớm, ăn cơm trước kẻng nhiều lắm, đâm ra quanh đi quẩn lại vẫn bám trụ với mấy sào ruộng. Chẳng biết bao giờ thì tiến bộ được như thanh niên thành phố?
Huyền Thanh (ghi theo lời chị Nguyễn Thị Dự, Yên Phong, Bắc Ninh)