Xót xa đổ thực phẩm Tết vào thùng rác
Nhìn đống bánh chưng, giò, chả, thịt thà... lần lượt bị đổ vào thùng rác mà tôi không khỏi xót xa.
Trước Tết, nhà tôi nhận được rất nhiều quà biếu từ anh em họ hàng, bạn bè, người thân. Người thì biếu cây giò quê, người thì cho con gà, một ít gạo nếp, người cho quả gấc để vò xôi, cộng thêm số thực phẩm 2 vợ chồng sắm sanh cũng quá đủ đầy cho mấy ngày Tết.
Thực phẩm Tết nhiều vô kể, hai vợ chồng tôi ra sức ấn đầy tủ lạnh. 30 Tết, chúng tôi có làm hai mâm cơm mời những người hàng xóm quanh nhà đến ăn tất niên để tiện sáng mùng một về quê chúc tết họ hàng nội, ngoại.
Đồ ăn cũng đã bớt đi được một chút nhưng tủ lạnh nhà tôi vẫn đầy ắp các loại thức ăn. Tiêu chí của hai vợ chồng tôi là dù cho ngày thường có nhịn một chút cũng không sao nhưng Tết là phải no đủ nên chúng tôi mới sắm sanh nhiều thứ như vậy.
Hoa hoét, đào, quất cũng được vợ chồng tôi khuân về đầy đủ, trang trí khắp nhà. Nhưng năm nào vợ chồng tôi cũng quê ăn Tết nên phải đóng cửa từ mùng một tới mùng năm mới trở ra. Khi đang vui vẻ ăn Tết ở hai nhà nội, ngoại, chúng tôi cũng chẳng để ý gì đến thức ăn, đồ đạc ở nhà mình.
Trở về nhà sau cái Tết đoàn viên, hai chúng tôi mệt mỏi nhìn những cánh đào, cánh ly rụng rơi tơi tả. Nhìn ngăn tủ lạnh với đầy ắp thức ăn: giò, gà, bánh chưng, chè, xôi… mà tôi ngấy đến tận cổ. Tết đến chơi nhà nào cũng bày mâm cao, cỗ đầy, thức ăn toàn giò thịt nên khi về nhà, nhìn tủ lạnh ăm ắp thức ăn khiến vợ chồng tôi không thể nuốt nổi.
Bánh chưng, khúc giò không thể thiếu trong ngày Tết... nhưng mua đủ đầy thì thành thừa thãi (Ảnh minh họa)
Đĩa chè, đĩa xôi gấc, cặp bánh chưng, con gà thắp hương từ đêm 30 cũng đã mốc meo bởi năm nay, thời tiết mấy hôm Tết nắng hơn mọi khi. Biết là không bảo quản được thực phẩm suốt cả tuần nhưng vợ chồng tôi vẫn không thể bỏ được phong tục thắp hương với mâm cao cỗ đầy trong ngày Tết của người Việt bao đời nay.
Vậy là bao nhiêu công sức nấu nướng, bầy biện, sắp xếp trước Tết thì sau Tết, tôi phải cho tất cả vào thùng rác. Nhìn chỗ thức ăn vứt đi, tôi vừa cảm thấy xót xa, vừa tiếc của nhưng nếu có để lại thì hai vợ chồng tôi cũng không thể nào ăn nổi.
Nếu như mẹ tôi ở quê mà chứng kiến được cảnh này chắc sẽ ngất xỉu mất vì con cái lãng phí như vậy. Vì ở quê, bánh chưng hơi mốc một tí là mẹ tôi lại gọt đi, rửa lại bằng nước ấm cho sạch, rán lên, cả nhà vẫn ăn bình thường. Thế nhưng, hai vợ chồng tôi đang ngấy bánh chưng nên khi nhìn thấy bánh lên meo cũng đành bỏ đi hết.
Dù nền kinh tế khó khăn, đồng lương của hai vợ chồng tôi cũng không phải thuộc hàng khá giả, dù đã được cảnh báo phải thắt chặt chi tiêu nhưng tâm lý cả năm có một cái Tết, đã Tết là phải đầy đủ nên tôi cũng không thể sắm sanh đơn giản cho ngày Tết.
Còn biết bao người không có cái ăn, cái mặc, phải chịu cảnh đói rét ở ngoài đường, vậy mà một gia đình bình thường như chúng tôi vẫn phải vứt đi bao nhiêu “ngọc thực”. Có lẽ, đây không chỉ là thói quen của riêng tôi bởi tôi biết rằng, xung quanh mình vẫn còn rất nhiều gia đình đổ hết thực phẩm vào thùng rác sau ngày Tết.