"Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương"

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Mềm mỏng là hại, tàn nhẫn là yêu! Giáo dục con cái là một môn học, một nghệ thuật, mà tất cả mọi người đều phải học tập.

Vào ngày 22/2 vừa qua, tại Hà Nội đã ra mắt cuốn sách "Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương" của tác giả Sara Imas - một bà mẹ đơn thân người Do Thái chấp bút.

Tại buổi ra mắt có sự tham gia của Tiến sỹ giáo dục học Nguyễn Thụy Anh và Thạc sỹ Nguyễn Cao Cường, phó giám đốc Trung tâm nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Tại buổi hội thảo, hai diễn giả đã chia sẻ với các bậc phụ huynh, độc giả và đại diện các phương  tiện truyền thông tại Việt Nam về phương pháp nuôi dạy con của bà mẹ Do Thái từng sinh ra, lớn lên và thụ hưởng nền giáo dục tại Trung Quốc, đã rất thành công khi nuôi dạy ba đứa con nên người và gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống.

Sau khi ly hôn với chồng, theo tiếng gọi của cố hương, Sara Imas đã đưa ba đứa con trở về Israel. Từ một bà mẹ Trung Quốc bao đồng đúng nghĩa, Sara Imas đã dần trải nghiệm và tiếp thu văn hóa, cũng như cách dạy con độc đáo của người Do Thái. Để rồi hơn 20 năm sau, hai con trai bà đã trở thành triệu phú trong ngành kinh doanh kim cương và con gái bà đang là sinh viên của một trường đại học danh tiếng.

Có điều đặc biệt là cả ba người con ấy đều luôn tràn ngập yêu thương dành cho người mẹ của mình. Ngay từ nhỏ, họ đã biết họp nhau lại và hứa sẽ tặng mẹ nhà đẹp để ở thoải mái hơn, tặng mẹ xe hơi để đi lại thuận tiện hơn. Riêng người con gái út thì hứa sẽ tặng mẹ chìa khóa của một két sắt chứa rất nhiều đồ trong sức quý giá để mẹ vui lòng.

Đến nay, hai người con trai của bà đều đã thực hiện được lời hứa ấy. Riêng cô con gái út thì bà cho biết: "Đã đến được rất gần thời điểm thực hiện lời hứa đó rồi".

Điểm mấu chốt trong phương pháp dạy con của Sara Imas cũng như người Do Thái nói chung là bồi dưỡng kỹ năng để sinh tồn, kiếm tiền và quản lý tài sản cho con. Điều này không nhằm mục đích biến trẻ thành cái máy kiếm tiền hay "thần giữ của". Ngược lại, họ coi "giáo dục quản lý tài sản" cũng là một cách "giáo dục đạo đức" hay "giáo dục nhân cách".

"Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương" - 1

Cuốn sách đang được giới trẻ Trung Đông và các nước châu Á săn lùng

Mục đích của việc dạy con như vậy là làm cho trẻ hiểu được luân lý lao động, biết đầu tư và quản lý tài sản, chứ không đơn thuần là truyền bá tri thức và rèn luyện kỹ năng sinh tồn. Và ý nghĩa sâu xa của nó còn giúp trẻ con trang bị những hiểu biết cần thiết và giá trị đúng đắn của cuộc đời.

Chỉ có dạy con biết mưu sinh, biết theo đuổi mục tiêu của mình, biết hưởng thụ cảm giác hạnh phúc và thỏa mãn sau khi đạt được mục tiêu thì cha mẹ cũng như con cái mới có thể trở thành người hạnh phúc và thành công trong cuộc sống.

Sara cũng cho rằng: “Người nào nuông chiều con cái, ắt có ngày người đó phải băng bó vết thương cho con. Mềm mỏng là hại, tàn nhẫn là yêu! Giáo dục con cái là một môn học, một nghệ thuật, mà tất cả mọi người đều phải học tập. Đáng thương cho tấm lòng cha mẹ trong thiên hạ, nếu không học cách nuôi dạy con đúng đắn thì chắc chắn sẽ chuốc lấy hậu quả đáng sợ và đáng hận. “Con muốn học mà cha mẹ không dạy” cũng bi thương như “con muốn nuôi, mà cha mẹ chẳng còn”.

Vậy cha mẹ cần dạy dỗ con một cách khoa học như thế nào? Đó là một câu hỏi và cũng là một vấn đề lớn có liên quan mật thiết đến sự thành công hay thất bại của một người và cũng như sự hưng thịnh hay suy thoái của cả một dân tộc.

Do Thái là một dân tộc huyền bí, từng xuất hiện nhiều triết gia vĩ đại và doanh nhân thành công ở khắp mọi nơi trên thế giới. Mặc dù dân số không đông nhưng lại có nguồn sức mạnh tiềm ẩn khổng lồ, chưa biết chừng còn nắm giữ huyết mạch của cả thế giới. Điều đáng nói tất cả những vĩ nhân ấy đều có những bước chân và bài học đầu tiên từ trong gia đình và người mẹ của họ.

Tìm hiểu phương pháp dạy con của người Do Thái chính là tìm hiểu những bước đi nền tảng đầu tiên và kỳ diệu ấy.

Sara Imas là hậu duệ của những người Do Thái đã đến định cư lâu đời tại Thượng Hải, bà sinh được 3 người con: 2 trai, 1 gái. Sau khi quan hệ Trung Quốc – Israel được xác lập, trước tiếng gọi trở về cố quốc, Sara đã từ bỏ cuộc sống phồn hoa nơi Thượng Hải, mang theo 3 đứa con trở về Israel – nơi người dân đang ngày ngày phải chịu đựng khói lửa chiến tranh, bắt đầu một trải nghiệm giáo dục ‘’xuyên quốc gia’’ đặc biệt của mình.

Với mong muốn con mình học hành giỏi giang, sau khi tốt nghiệp đại học sẽ tìm được một công việc như ý và sống cuộc sống hạnh phúc. Thế nhưng, những gì mắt thấy tai nghe sau khi trở về Israel đã khiến bà từ bỏ hình ảnh của một ‘’bà mẹ Trung Quốc’’ để trở thành ‘’ Bà mẹ Do Thái’’.

Cách giáo dục của “Bà mẹ Do Thái’’ này khiến không ít người cho là khá tàn nhẫn, thế nhưng những gì mà bà mang lại cho các con đã khiến họ có thêm một cách nhìn mới về yêu thương con cái.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Vân ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN