Vị hôn phu bất ngờ
Hôm út đưa người yêu về giới thiệu gia đình, cả nhà tôi vô cùng ngạc nhiên...
Mẹ tôi chép miệng: “Lạ thật, cái thằng Hoan con trai nhà ông Đức hơn cái út nhà mình 1 tuổi, ngoài 30 rồi mà vẫn chẳng chịu lấy vợ”. Ai chứ cậu Hoan hiền lành nổi cả phố luôn là tâm điểm trong câu chuyện của mấy bà tổ hưu của mẹ tôi. Mẹ tôi kể, bác Liêm, mẹ của Hoan, thường than vắn than dài, chỉ thèm có cháu bế ẵm mà giục mãi, Hoan cứ lần lữa. Bác Liêm còn bảo, hình như hồi trẻ tuổi, Hoan có thầm yêu trộm nhớ cô gái nào sâu sắc lắm, hình như người Hoan yêu đi lấy chồng rồi nên từ đó, cậu chẳng màng gì đến chuyện vợ con.
Hoan dáng dấp giống bố, nước da lại giống mẹ nên cao to, đẹp trai, phong độ như người mẫu. Những ai từng sống lâu năm ở con phố nhỏ đều biết, từ bé Hoan đã là một cậu bé ngoan ngoãn, chăm học, rộng lòng nhân ái. Có lần, bà cụ ăn xin đến nhà, cậu cho gạo, cho bánh rồi còn pha cả nước chanh mát cho bà cụ ăn xin uống. Bà cụ ăn xin uống xong cốc nước mát cứ ngồi ôm tay Hoan khóc rưng rức vì cả đời chưa bao giờ được uống thứ nước ngọt, ngon, thơm và mát lịm như thế. Mùa đông, bố mẹ đi làm vắng nhà, thương mấy người làm thuê đầu phố, cậu Hoan còn mở cửa cho họ vào tắm nhờ nóng lạnh. Người như Hoan, không phải dễ tìm.
Hoan ít hơn tôi đến mười mấy tuổi nhưng chơi cùng cái út nhà tôi nên đương nhiên cậu ấy gọi tôi bằng chị. Tôi lập gia đình riêng, đối mặt với cuốc sống hôn nhân, tôi biết, người như Hoan chắc chắn sẽ là người chồng tốt, người cha mẫu mực. Nhìn cậu Hoan và cái út nhà tôi thân thiết nhau như hình với bóng, tôi vẫn thầm mong, giá như chúng nó nên đôi thì tốt biết mấy. Tôi vẫn bảo với cái út, sau này đứa con gái nào mà lấy được Hoan làm chồng là vớ được vàng ròng. Cái út cười lớn, bĩu môi bảo: “Người chu đáo, nhân hậu như thằng Hoan, có mà tốt với cả thiên hạ. Đứa con gái nào vớ phải nó làm chồng, có mà khổ vì chồng chứ sung sướng nỗi gì”.
Cái út nhà tôi lấy chồng con gái nó đã lên 5. Chồng cái út là người làm ra tiền nhưng rất gia trưởng. Từ ngày sinh con, chồng nó bắt vợ ở nhà chăm con chứ không đi làm. Chị em cùng mẹ sinh ra nhưng cuộc sống của tôi vất vả bao nhiêu thì cuộc sống của út sung sướng bấy nhiêu. Mỗi tháng, chồng út đưa cho vợ 20 triệu để chi tiêu chợ búa trong nhà. Công to, việc lớn gì đều một tay chồng nó lo lắng cả. Hai vợ chồng tôi là giáo viên, tằn tiện lắm chúng tôi mới lo được cho hai đứa con ăn học đến nơi đến chốn. Những lúc bí, tôi hay phải ngửa tay vay vợ chồng út tiền. Mỗi lần đi vay vợ chồng em gái tiền, trong đầu tôi lại dấy lên sự so sánh. Hơn một lần tôi ao ước, giá như lão chồng tôi kiếm tiền giỏi giang bằng một phần mười em rể tôi.
Hôm út đưa người yêu về giới thiệu gia đình, cả nhà tôi vô cùng ngạc nhiên... (Ảnh minh họa)
Ai cũng bảo cái út nhà tôi sướng hết phần của chị. Bị mang ra so sánh, tôi miên man chạnh lòng. Ấy vậy mà cái út lại bảo: “Ở trong chăn mới biết chăn có rận. Người nhiều tiền chắc gì đã là người hạnh phúc”. Tôi thì thấy cái út rõ là ích kỷ. Chứ tôi ý à, chỉ cần chồng tôi mỗi tháng kiếm được tiền để đưa vợ 10 triệu chi tiêu, tôi có mà đội chồng lên đầu. Đằng này, cái út được thoải mái chi tiêu đến 20 triệu mỗi tháng, chả bao giờ phải lo đầu tắt mặt tối, vậy mà còn ấm ức cái nỗi gì. Đúng là lòng người, có voi đòi tiên.
Rồi đánh đùng, cái út nằng nặc đòi bỏ chồng. Bố mẹ tôi sốc, tí nữa thì phải đi cấp cứu. Từ ngày cái út lấy chồng giỏi giang kiếm được nhiều tiền, một bước lên xe, hai bước có người đưa rước, mẹ tôi lấy làm hãnh diện, mát mặt với mấy bà tổ hưu lắm lắm. Nay bỗng dưng nó đòi ly dị, mẹ tôi làm sao chịu đựng nổi tin động trời này. Mẹ tôi tuyên bố: “Mày mà ly dị chồng, tao từ”. Còn cái út thì khăng khăng: “Nếu mẹ muốn giết con chết dần chết mòn, chết non thì mẹ ép con chấp nhận cuộc hôn nhân không hạnh phúc này”. Mẹ tôi lại gầm lên: “Mày sướng như bà hoàng, mày còn muốn gì nữa?”. Cái út nước mắt ngắn dài: “Con muốn được sống là chính mình. Được tôn trọng, yêu thương, có bạn bè, có công việc, có khoảng trời riêng của con”.
Cái út giờ mới nói thật với tôi, tiếng là được chồng đưa tiền chi tiêu nhưng bù lại, nó bị đối xử chả khác gì nô lệ trong nhà. Chồng nó không muốn cho vợ đi làm vì sợ kiếm được tiền lại bỏ bê gia đình. Cái út bảo, nó không khác gì cái máy phục vụ nhu cầu sinh lý của chồng. Tôi khuyên nó, giờ đã ngoài 30 rồi, bỏ chồng sống cuộc đời đơn thân chả sung sướng nỗi gì. Nó khăng khăng: “Vất vả mấy em cũng nuôi được con em nên người. Em có hai bàn tay, có khối óc và trái tim, lo gì chết đói. Sống cuộc đời tầm gửi, bị người ta khinh, nhục lắm chị ạ”.
Tưởng nói thế thôi, vậy mà cái út bỏ chồng thật. Chồng cái út từ trước đến nay luôn đắc thắng rằng chỉ có cậu ta mới dám bỏ vợ chứ út cho tiền cũng chẳng dám bỏ chồng. Đến lúc bị vợ vác đơn ra tòa đơn phương ly hôn, ban đầu là sốc, sau chuyển sang hận thù. Vợ chồng ăn ở với nhau bao năm trời, đến lúc ly hôn để trút hận vào vợ, chồng út tìm mọi cảnh tẩu tán tài sản không chia cho út bất kỳ thứ gì. Út lẳng lặng ra đi cùng con gái, cũng chẳng đòi hỏi gì. Tôi bảo út, không đòi cho mình thì phải đòi cho con. Út thở dài: “Người chẳng thiết, thiết gì của hả chị. Em sinh con ra, tự tay em cũng sẽ nuôi con nên bao nhiêu là quyền người ta”.
Ly dị xong, út thuê nhà ở riêng và bắt đầu đi làm. Nó vốn là đứa mạnh mẽ, tự lập lại có bằng cấp, năng lực nên hai mẹ con cũng không đến nỗi gieo neo.
Út làm mẹ đơn thân được 3 năm thì ngỏ lời tái giá. Hôm út đưa người yêu về giới thiệu gia đình, cả nhà tôi vô cùng ngạc nhiên khi vị hôn phu tương lai của út xuất hiện lại chính là cậu Hoan. Thưa chuyện cùng bố mẹ tôi, mặt Hoan đỏ lựng như con nít, ấp a ấp úng: “Con yêu Loan (tên thật của cái út nhà tôi) từ hồi còn đi học nhưng chưa một lần dám nói…”.