Tốt nghiệp loại khá, vẫn phải gác bằng đi xuất khẩu

Tốt nghiệp với số điểm cao, nhận được học bổng du học... nhưng Thủy vẫn phải gác bằng để đi xuất khẩu lao động

Gái quê lên tỉnh học trường Y

Trần Thị Thủy là con út trong một hộ nghèo của  xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Bao năm qua sống trên mảnh đất lúa, cả nhà 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Ngoài giờ học, ba chị em Thủy phải phụ giúp cha mẹ công việc đồng áng, đi cấy thuê và chăm sóc vườn quất sau nhà. Cuộc sống túng thiếu đủ đường nên bố mẹ Thủy cũng không mấy chú trọng chuyện học hành của con cái.

Tốt nghiệp loại khá, vẫn phải gác bằng đi xuất khẩu - 1

Thủy luôn cố gắng học tập để thoát nghèo

Trong ba người con, Thủy là đứa chăm học nhất. Người chị cả vừa đến tuổi cập kê đã vội theo chồng; còn anh trai thứ hai vì mải chơi nên cũng học hành chểnh mảng, cố gắng lắm mới lấy được bằng cấp 3 để đi làm công nhân. Còn Thủy, 12 năm học cô luôn là học sinh khá giỏi của trường. Đỗ cấp 3 vào một trường công trong huyện, cô gái cố gắng học tập để nuôi ước mơ được vào đại học.

Tốt nghiệp cấp 3 với tấm bằng giỏi, Thủy càng vững tin hơn. Nhưng nghĩ đến chuyện nuôi đứa con lên Hà Nội ăn học, vừa mất đi một “nhân lực” rồi lại còn khoản tiền chu cấp hàng tháng, ông Hải - bố Thủy ngăn cản: “Con gái học làm gì nhiều, hết cấp 3 là được rồi. Học giỏi thì người ta khen nhưng nghèo thì họ khinh ra mặt. 4 năm đi học đại học mà sang Đài Loan làm việc cũng đủ để xây được nhà".

Thương con, không muốn mang tiếng cả nhà thất học, mẹ Thủy vẫn ủng hộ con đi thi. Để đỡ tốn kém cho gia đình, Thủy đăng ký thi trường Y Thái Bình và đỗ với số điểm cao khoa Điều dưỡng hệ Cao đẳng.

Vừa được đi học lại có thể ở nhà giúp đỡ gia đình, Thủy không giấu được niềm vui sướng. Họ hàng, làng xóm cũng đến chúc mừng cô tân sinh viên nhà nghèo học giỏi, bố mẹ Thủy cũng được dịp “mở mày mở mặt”.

Tốt nghiệp bằng khá trường Y vẫn phải đi xuất khẩu lao động

Theo học tại trường Cao đẳng Y Thái Bình, Thủy luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi khóa học cũng như tích cực tham gia các hoạt động Đoàn trường tổ chức. Với nhiều cống hiến, Thủy trở thành một trong những sinh viên tiêu biểu của khoa, cô cũng nằm trong danh sách 14 sinh viên giành học bổng sang Đức học thêm về Điều dưỡng. Nhưng hoàn cảnh gia đình khiến cô gái trẻ chẳng dám mơ đến việc học ở trời Tây. 

Tốt nghiệp loại khá, vẫn phải gác bằng đi xuất khẩu - 2

Thủy (đứng trước) đành phải gác lại tấm bằng để đi xuất khẩu lao động

Tiếc nuối cơ hội đã mất, Thủy nói: “Nhận được thông báo này, mình mừng lắm, nhưng chuyện du học với mình là không thể, tốn kém quá. Mình đã từ chối và nghĩ, năng lực của mình đã được mọi người biết đến, nên sau này tìm việc chắc sẽ dễ dàng. Nhưng sau này mình mới thấm câu cơ hội một đi không trở lại. Đây có lẽ là điều mình hối hận nhất".

Năm 2014, Thủy tốt nghiệp với tấm bằng khá cùng bảng điểm những môn chuyên ngành đều trên 8 phẩy. Tự tin với bản hồ sơ xin việc, cô gái trẻ đã nhanh chóng phải trải qua cảm giác hoang mang rồi thất vọng.

Không có mối quan hệ thân quen nào để nhờ giúp đỡ, ngày ngày Thủy ngồi hàng giờ ngoài quán net, lên mạng tìm chỗ tuyển nhân sự. Nhưng cơ quan này thì ở quá xa rồi thử việc không lương, cơ quan kia lại đòi hỏi kinh nghiệm… một sinh viên mới ra trường như cô thật sự không có chỗ chen chân.

Không thụ động chờ đợi, Thủy cầm hồ sơ đi khắp nơi xin việc. Nhưng đã hơn một năm, Thủy vẫn chỉ ở nhà lo việc đồng áng.

Chuyện cô sinh viên ra trường cả năm trời chỉ quanh quẩn ở nhà khiến làng xóm không khỏi bàn tán. Dù học trong tỉnh nhưng số tiền suốt ba năm bố mẹ Thủy bỏ ra cũng không hề nhỏ, lại còn bị “thiên hạ” xì xào chuyện Thủy thất nghiệp. Vừa giận con, vừa xót của, ông Hải chỉ biết uống rượu, mượn rượu rồi mắng con, mắng cả vợ.

Mất hết hi vọng, Thủy quyết định từ bỏ tấm bằng, đi xuất khẩu lao động để “thoát nghèo”. Thủy nói: “Mình đang học tiếng Trung để sang Đài Loan làm công nhân trong 4 năm. Quê mình nhiều người đi xuất khẩu lao động lắm. Nhiều người nhờ đó mà giàu lên những cũng không thiếu những người bị lừa, phải trắng tay quay về. Mình cũng rất sợ, nhưng không còn sự lựa chọn khác.”

Nhắc đến tấm bằng Cao đẳng Y, Thủy ngậm ngùi: “Nếu như ngày đấy mình nghe bố đi xuất khẩu lao động thì hôm nay có thể gia đình mình đã bớt khó khăn hơn. Có được tấm bằng Cao đẳng cũng làm mình hãnh diện lắm. Nhưng cơ hội việc làm đã ít, 4 năm sau mình về chắc gì tấm bằng này người ta đã cần đến. Mình sẽ xem nó như một kỷ vật còn không hi vọng được nhiều”.

***

Rất nhiều cử nhân cầm tấm bằng khá, giỏi trên tay nhưng vẫn không thể tìm cho mình được một công việc phù hợp. Cũng có người sau khi tốt nghiệp, về quê làm đồng áng, đi xuất khẩu lao động hoặc nộp đơn xin đi công nhân. Không chỉ ái ngại khi người thân, bạn bè hỏi han chuyện công việc, họ còn bị chính những người thân thích, ruột thịt của mình dè bỉu, mắng nhiếc. Hãy cùng lắng nghe những tâm sự của các cử nhân, thạc sỹ trải lòng về câu chuyện tìm việc vào lúc 9h00 ngày 7/11/2015.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN