Thế giới kỳ lạ của người lớn với 3 câu nói dối kinh điển

Thế giới của người lớn thật kỳ lạ, bên ngoài cười nói trông như vẫn ổn nhưng bên trong lại che giấu một nỗi buồn sâu thẳm.

Người lớn có những nỗi buồn không muốn chia sẻ cùng ai. (Ảnh minh họa)

Người lớn có những nỗi buồn không muốn chia sẻ cùng ai. (Ảnh minh họa)

Thời gian không ngừng trôi, con người cũng dần thay đổi từng ngày nhưng có lẽ đó là cách để một người trưởng thành hơn. Dẫu biết rằng, cuộc sống này chẳng hề dễ dàng gì, để tồn tại được người lớn dần học cách thích nghi bằng những lời nói dối. Thế nhưng, đừng vội vàng vạch trần những lời nói dối của người lớn, bởi có thể đằng sau đó chất chứa những nỗi buồn và sự bất bình về cuộc sống này.

Trong vô số những lời nói dối của người lớn, có 3 câu nói phổ biến nhất đó là “không sao”, “hẹn hôm khác”, “muốn nghỉ việc”.

“Con không sao, con vẫn ổn”

Bạn đã bao giờ chứng kiến những hoàn cảnh như thế này chưa?

Có một người bôn ba làm việc ở thành phố, mỗi khi bố mẹ gọi điện hỏi han, dù có thể nào đi chăng nữa vẫn luôn trả lời: “Con không sao, con vẫn ổn”.

Có một người bị đau nằm trong bệnh viện, bạn bè vào thăm nhưng họ vẫn nói: “Mình không sao đâu, mấy bạn cứ đi làm việc của mình đi”.

Có một người vô tình để lộ một vết sẹo dài, người khác tò mò thì họ đáp lại bằng một nụ cười: “Không sao đâu, mình cũng không bận tâm tới nó”.

Nhưng liệu họ có thực sự ổn?

Khi còn bé, có lẽ bạn từng nghĩ rằng, thế giới của người lớn không có nỗi buồn. Khi lớn lên, bạn nhận ra rằng, hóa ra có những người chẳng bao giờ buồn trước mặt người khác.

Có một câu nói: “Ai cũng có nỗi buồn của riêng mình, người trưởng thành là người giỏi che giấu nhất”.

Ở trong thế giới của người lớn, chẳng có việc gì là dễ dàng cả. Nhiều khi chỉ vì không muốn những người xung quanh lo lắng, họ luôn có thói quen nói “không sao”, để rồi đêm về tự gặm nhấm nỗi đau một mình. Bởi vì họ biết rằng, có một số con đường cần tự bước đi và một số vết thương cần tự chữa lành.

"Hẹn gặp lại"

Đến một ngày bạn sẽ nhận ra rằng, hẹn gặp người ta vào một ngày nào đó chỉ là một lời nói mang tính lịch sự, nó không phải là một ngày cụ thể trong tương lai.

Có lẽ trong cuộc sống, đôi lúc bạn cũng rơi vào một trường hợp như thế này. Đó là khi đang đi trên đường hay ngồi trong quán cà phê, bỗng vô tình gặp lại bạn cũ. Sau vài câu nói xã giao, bạn muốn hẹn gặp họ đi cà phê hàn huyên tâm sự chuyện cũ. Thế nhưng, họ lại nói rằng “tiếc quá, vài ngày nữa mình bận rồi, hẹn bạn hôm khác nhé”.

Một cái hẹn như thế này đa phần sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.

Chúng ta tiếp tục bận rộn với công việc và cuộc sống của nhau, tiến về phía trước và lãng quên lời hứa ấy từ bao giờ.

Có một câu nói như thế này: “Ai cũng chỉ được đi cùng bạn một đoạn, sớm muộn gì cũng phải xa nhau”.

Nhà văn Chử Tiểu Du ở Trung Quốc cũng từng nói: "Trong cuộc đời này, nếu gặp nhau một lần, miễn đó là điều tốt, dù có gặp nhau sau này hay không cũng không quan trọng. Vì vậy, tôi rất biết ơn các bạn đã đi cùng hành trình này. Và tôi không hối tiếc về sự ra đi của bạn”.

Ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, bạn và tôi cùng nhau bước đi trên một đoạn đường. Và ở một giai đoạn khác, bạn và tôi sẽ có những con đường đi riêng với những lựa chọn khác nhau.

“Không làm nữa”

Có một câu chuyện chia sẻ trên mạng như thế này:

“Khi ở tuổi đôi mươi, có một lần đi làm về, tôi đã suy sụp và khóc hàng tiếng đồng hồ ở nhà. Lúc đó, bố tôi nhìn thấy và rất thương con gái mình.

Thế rồi, sau bao lần bị xã hội vùi dập, cảm xúc của tôi bị bào mòn và chai sạn đi rất nhiều. Tôi vẫn làm việc, vẫn mệt mỏi mỗi ngày, không vui bằng cách này hay cách khác nhưng có một sự thay đổi lớn, đó là tôi không gục ngã và khóc lóc nữa.

Sau khi trải qua khó khăn của cuộc sống và nhìn thấy mái tóc bạc của bố mẹ, tôi nhận ra rằng bản thân phải tự là chỗ dựa cho chính mình và còn để cho cha mẹ dựa vào”.

Thực ra, đây không phải là sự hèn nhát, mà là sự hiểu biết.

Khi chúng ta còn trẻ, rất khó tránh khỏi những sai lầm trong công việc. Lúc đó, chúng ta có thể nghĩ rằng, chỉ cần nghỉ việc, rời khỏi cái công ty đó là mình sẽ ổn thôi.

Thế nhưng, càng lớn dần, càng trưởng thành, chúng ta lại có thêm nhiều gánh nặng và trách nhiệm, dù có uất ức trong lòng vẫn phải nhịn vì cuộc sống mưu sinh là vậy.

Có một bài báo ở Trung Quốc có tựa đề: “Ngày thứ 896 muốn nghỉ việc”. Bài viết nói về cuộc sống của một người lao động bình thường, dậy sớm, chen chúc trên tàu điện ngầm, công việc chưa xong, sếp mắng, tình cảm rạn nứt… Tất cả những vụn vặt ấy cứ tích tụ mỗi ngày, ngày này sang tháng khác, khiến người ta chỉ muốn từ bỏ hết mọi thứ.

Đêm về, họ nằm vắt tay lên trán thề rằng ngày mai sẽ nghỉ việc nhưng rồi sáng sớm thức dậy nhận ra rằng, nghỉ việc rồi lấy gì để nuôi thân. Thế là ta lại tiếp tục làm việc chăm chỉ, nuốt nghẹn những uất ức vào lòng, xách cặp lên và đến công ty như thường.

Có lẽ đây chỉ là trạng thái quá bình thường trong thế giới của người lớn, dù bên ngoài hét lớn “tôi muốn nghỉ việc” nhưng bên trong vẫn không dám từ bỏ, vẫn tiếp tục làm việc như cũ.

Thế giới của người lớn thật phức tạp, một nửa được hé lộ, một nửa bị che giấu. Chúng ta quen với những lời nói dối để cố gắng che giấu đi những muộn phiền trong lòng, chỉ còn những niềm vui xởi lởi trên khuôn mặt.

“Con không sao đâu”, ẩn chứa bản lĩnh cứng cỏi của người lớn.

“Hẹn khi khác”, khiến cuộc chia tay bớt buồn hơn.

“Không muốn làm nữa”, diễn tả nỗi bất lực khôn tả.

Cuộc đời vốn chẳng dài, cũng chẳng ngắn nhưng hy vọng rằng, sự nghiêm túc và chăm chỉ của bản thân có thể khiến cuộc đời đối xử với mình một cách nhẹ nhàng hơn.

Nguồn: [Link nguồn]

3 điều quan trọng nhất của đời người: Đọc sách, đi ngủ sớm, kiếm tiền

Việc kỷ luật bản thân nghe có vẻ đơn giản nhưng chỉ có những người kiên trì trong thời gian dài mới gặt hái được thành quả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phan Hằng ([Tên nguồn])
Người trẻ suy ngẫm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN