DANH MỤC

 

Nghỉ lễ dịp 30/4, 1/5 dài như nghỉ Tết khiến nhiều gia đình phân vân trong việc lựa chọn về quê hay đi du lịch nghỉ dưỡng. Đối với nhiều cặp vợ chồng lựa chọn này lại giống như một “cuộc chiến” khi mỗi người có một mong muốn khác nhau.

 

Vợ chồng tôi kết hôn vừa tròn 2 năm. Chúng tôi chưa sinh con nên vẫn tận hưởng cuộc sống vợ chồng son ngọt ngào.

Vợ tôi là gái phố, còn tôi là trai quê. Hiện tại, chúng tôi sống gần nhà bố mẹ vợ trong một căn chung cư nhỏ. Cuộc sống dù không quá giàu có nhưng vui vẻ, vợ chồng đi đâu cũng có nhau.

Vì cả năm đã ở gần bố mẹ vợ nên tôi mặc định những dịp lễ Tết hai vợ chồng sẽ về quê nội. Vợ tôi hiểu chuyện nên đồng ý ngay. Chúng tôi chưa bao giờ phải tranh cãi chuyện đón Tết, đón lễ ở quê nào.

Năm nay cũng vậy, tôi rất háo hức về quê khi được nghỉ lễ 30/4, 1/5 tận 5 ngày. Tôi đã lên kế hoạch sẽ mời cơm đại gia đình để được tận hưởng không khí sum vầy như dịp Tết.

Thế nhưng, không hiểu sao lần này vợ tôi cứ dùng dằng mãi. Khi tôi bàn chuyện về quê, cô ấy không nhiệt tình tiếp chuyện như mọi khi. Cô ấy cũng không sốt sắng chuẩn bị quà cáp cho bố mẹ chồng, các cháu chồng như những lần trước.

Gần đây, cô ấy còn gợi ý hai vợ chồng đi du lịch 2 ngày 1 đêm ở khu nghỉ dưỡng cách nhà tôi hơn 30 cây số, sau đó mới về quê. Vợ tôi nói: “Nghỉ lễ tận 5 ngày, hai vợ chồng đi chơi riêng 2 ngày thì vẫn còn 3 ngày sum họp ở quê. Em thấy hợp lý”.

Tôi bực mình quát lên: “Cả năm em được ở gần bố mẹ đẻ nên mới thấy đó là hợp lý. Còn anh, anh chỉ tiếc không được ở quê nghỉ lễ 10 ngày chứ 5 ngày chưa xi nhê gì”.

Cuối cùng, không chịu được sự dùng dằng, ngập ngừng của vợ, tôi quyết hỏi lý do. Lời cô ấy nói khiến tôi vỡ lẽ.

Thì ra, dịp lễ 30/4 năm nay trùng với ngày kỷ niệm 2 năm ngày cưới của chúng tôi. Trước đó, vì một vài lý do, chúng tôi đã quyết định lấy ngày âm lịch là ngày kỷ niệm đám cưới.

 

Vợ tôi nói, cô ấy muốn tận hưởng sự ngọt ngào, riêng tư với tôi trong dịp đặc biệt này mà nếu về quê, mong ước đó không thể thực hiện. Ở quê, chúng tôi có phòng riêng nhưng đó cũng là phòng duy nhất có điều hòa nên vào ngày hè nắng nóng, mẹ tôi cùng các cháu thường vào đó ngủ.

Mùa hè năm trước, cô ấy thường xuyên phải ngủ với mẹ chồng và các cháu chồng trong căn phòng cưới của chính mình, còn tôi thì ra nhà ngoài ngủ cùng bố. Cô ấy chưa bao giờ phàn nàn về sự bất tiện đó nên tôi cũng lờ đi. Tôi vốn nghĩ, cả năm đã được ở riêng thì một vài ngày ngủ chung như vậy chẳng hề hấn gì. Có điều, lần này lại là dịp kỷ niệm ngày cưới của hai vợ chồng, cô ấy không muốn chịu đựng sự bất tiện ấy.

Nghe xong, tôi vừa xấu hổ lại vừa thấy có lỗi. Có lẽ, tôi chỉ nghỉ cho bản thân, gia đình mà quên mất cảm xúc của vợ. Tôi đã đồng ý với đề xuất của cô ấy, kỷ niệm ngày cưới ở một nơi xa trong 2 ngày 1 đêm, sau đó chúng tôi mới cùng nhau về quê tận hưởng nốt 3 ngày nghỉ lễ. Bù lại, những dịp cuối tuần khác, cô ấy sẽ không ngại đường xa mà cùng tôi về quê nhiều hơn.

 

Tôi đang trải qua những ngày nghỉ lễ tồi tệ khi phải chịu sự miệt thị của nhà chồng. Tôi vẫn tin rằng, mình không xứng đáng để bị như vậy.

Vợ chồng tôi kết hôn được 12 năm. 12 năm qua, tôi là người cáng đáng kinh tế trong nhà nhưng không vì thế mà tôi lên mặt với chồng hay nhà chồng. Tôi vẫn để cho anh quyền làm trụ cột, quyết định những chuyện hệ trọng trong nhà.

Tôi kinh doanh buôn bán, còn chồng tôi làm nhà nước. Lương anh không cao nhưng đổi lại rất chăm lo cho con cái, không ngại giúp vợ việc nhà. Vợ chồng tôi ở thành phố, cách quê chồng khoảng 150 cây số. Kể từ khi cưới đến nay, chúng tôi hoàn toàn chủ động cả về kinh tế lẫn chăm sóc con cái. Không phiền đến ông bà nên cũng thoải mái, tự do hơn.

Chuyện là cách đây 7 năm, tôi cho cô em chồng vay 5 cây vàng làm ăn. Giá vàng miếng khi ấy khoảng 36 triệu đồng/lượng. Tôi xác định cho vay không tính lãi nhưng cô em chồng một mực quy vàng ra tiền để tính lãi theo lãi suất ngân hàng cho tôi. Dùng dằng mãi, cuối cùng tôi lấy 500.000 đồng/tháng cho đẹp cả đôi bên.

7 năm qua, cô em chồng làm ăn khấm khá nhưng không ý ới gì chuyện trả vàng, chỉ có lãi là vẫn trả đều đều. Cách đây 2 tháng, tôi quyết mở thêm một cửa hàng kinh doanh, vì thiếu vốn nên mới đòi lại em chồng 5 cây vàng.

Chồng tôi ban đầu cũng lăn tăn nhưng thấy vợ bí bách, anh không ngăn cản. Tôi gọi cho cô em chồng, nói chuyện lấy lại 5 cây vàng, ai dè, phản ứng của cô ấy như thể tôi vừa nói một điều gây sốc.

 

Thì ra, em ấy vẫn luôn nghĩ rằng, 7 năm trước là tôi cho vay tiền chứ không phải vay vàng. Tôi đã nói rõ, “vay vàng trả vàng” là nguyên tắc muôn thuở, năm xưa, em ấy chỉ quy vàng ra tiền để tính lãi mà thôi.

Chuyện rõ mười mươi như vậy mà cô em chồng vẫn cãi cố, cho rằng tôi tham lam, thấy giá vàng tăng vùn vụt nên nhất quyết đòi vàng. Bố mẹ chồng tôi biết chuyện thì như biến thành người khác, gọi điện mắng mỏ tôi không khác nào người dưng. Chồng tôi ở giữa, khó xử vô cùng.

Dẫu vậy, tôi vẫn kiên quyết đòi lại 5 cây vàng. Em chồng tôi đuối lý, chẳng còn cách nào khác phải trả lại.

Đợt lễ vừa rồi, tôi theo chồng con về quê nội như đã định. Vừa trải qua chuyện tiền vàng căng thẳng, không khí chẳng mấy dễ chịu. Có điều, tôi không ngờ bố mẹ chồng lại ghét bỏ tôi ra mặt như vậy.

Mẹ chồng tôi nói chuyện với hàng xóm, thi thoảng lại nói đổng lên: “Làm gì có ai cho vay vàng lại đi lấy lãi bằng tiền mặt”, “Ai cho vay vàng là khôn hết phần thiên hạ. Vay vàng phải trả bằng vàng cơ mà”… Tôi nghe vậy biết vậy chứ không phản ứng gì.

Cô em chồng thì xem tôi như người dưng, chạm mặt không chào hỏi. Thái độ vô ơn này khiến tôi bỗng hoài nghi về sự tử tế ở đời.

Tôi chỉ muốn kết thúc thật nhanh kỳ nghỉ lễ để quay trở lại thành phố. Sau chuyện này, tôi càng chắc chắn rằng, càng là anh em ruột thịt thì càng nên sòng phẳng, rõ ràng chuyện tiền nong.

 

Chồng tôi có rất nhiều ưu điểm như: điển trai, hoạt bát, yêu thương vợ con và cũng gọi là biết kiếm tiền. Thế nhưng, anh có một điểm trừ khó thay đổi, đó là tính sĩ diện, thích khoe khoang.

Chúng tôi kết hôn được 5 năm, có một cậu con trai 3 tuổi. 3 năm đầu, vợ chồng tôi chỉ làm công ăn lương, gọi là đủ ăn, đủ tiêu. Một năm sau đó, vợ chồng tôi chơi liều, nghỉ việc chuyển sang kinh doanh quần áo.

Chồng tôi giỏi công nghệ, tôi thì khả năng ăn nói, tính toán khá tốt. Chúng tôi buôn bán cả online lẫn mở cửa hàng. Có những lần livestream, chúng tôi “chốt đơn” tới tấp trong sự ngỡ ngàng của chính mình.

2 năm buôn bán khá khẩm, kinh tế gia đình tôi trội lên hẳn, chi tiêu thoải mái hơn, cũng dư giả để biếu hai bên bố mẹ. Có điều, để được xem là giàu có thì chúng tôi còn một khoảng cách khá xa.

Chồng tôi không nghĩ vậy. Anh cho rằng, chuyện vợ chồng tôi kiếm tiền tỷ, mua nhà, sắm xe xịn chẳng còn lâu nữa. Dịp lễ vừa rồi, vợ chồng tôi về quê nội. Đúng ngày nhà có giỗ, họ hàng đến ngồi chật 10 mâm cơm, chồng tôi được dịp khoe nấy khoe nể thu nhập của hai vợ chồng.

 

Anh bảo, vợ chồng tôi buôn bán, mỗi tháng kiếm 100 triệu đồng ngon ơ. Tôi phải theo sau giải thích, đó chỉ là doanh thu chứ lãi ròng không được mức đó. Thế nhưng, mọi người vẫn cứ mặc định, chúng tôi thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Cũng vì tính sĩ diện, thích khoe khoang đó mà vợ chồng tôi gặp chuyện bi hài. Ngay ngày hôm sau, anh nhận được hàng chục cuộc gọi hỏi vay tiền từ anh chị em trong họ. Ngay cả bố chồng tôi cũng được người ta hỏi vay tiền vì nghĩ ông có cậu con trai giàu có.

Đúng là tình huống “dở khóc dở cười”, từ chối thì ngại mà đồng ý thì lấy đâu ra tiền cho cả họ vay. Chồng tôi hoảng đến mức muốn thay số điện thoại và đưa vợ con về thành phố ngay lập tức. Tôi chỉ nói với anh rằng, đây là bài học để đời về sự khiêm tốn.

Phút thành thật: Vợ dùng dằng không chịu về quê nghỉ lễ, biết lý do tôi xấu hổ vô cùng - 15

Content & Media: Hạ Nhiên

Sự kiện: Phút thành thật
Thứ Hai, ngày 29/04/2024 08:30 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])