DANH MỤC

 

Đối với những đứa con làm xa nhà, Tết càng đặc biệt và đáng mong chờ hơn bao giờ hết. Ai cũng mong mỏi khoảnh khắc sum vầy bên gia đình, quây quần bên mâm cơm ấm cúng, tiễn năm cũ đi, đón năm mới đến.

Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn được tận hưởng khoảnh khắc tuyệt vời ấy. Với những người con mất cha, mất mẹ, Tết càng nhân thêm nỗi trống trải, tiếc nhớ.

 

Người ta nói “còn cha còn mẹ là còn xuân”, “có cha có mẹ là có tết”. Đến bây giờ, tôi mới hiểu hết ý nghĩa câu nói này.

Ngày còn cha mẹ, Tết với tôi thật trọn vẹn. Năm nào cũng vậy, sáng 28 Tết tôi sẽ chất đầy đồ đạc lên xe máy, chạy gần 60 cây số về quê. Mỗi khi ngang qua chợ hoa, tôi đều mua một bó hoa to, đẹp về cắm. Đến tận lúc ấy, Tết mới thực sự tràn vào nhà.

Về đến cổng, người đón tôi luôn là bố. Bố giúp tôi dựng xe, dỡ hành lý, sau đó việc đầu tiên bố làm là đem xe máy đi rửa. Bố luôn càm ràm: “Cái xe chở mình đi làm cả năm mà để nó bẩn thế này. Của bền tại người, không biết giữ gìn gì cả”.

Còn mẹ sẽ kéo tay tôi vào nhà, kể về những thứ mẹ đã sắm được cho ngày Tết. Sáng 29 Tết, tôi sẽ cùng bố mẹ gói bánh chưng. Sang 30 Tết, tôi chở mẹ đi chợ sắm nốt những thứ đồ còn thiếu. Chiều tối 30 Tết, bố con tôi ra nghĩa trang, thắp hương mời các cụ về ăn Tết.

Kể từ khi rời nhà đi học, đi làm, mỗi cái Tết của tôi luôn diễn ra như vậy. Đầm ấm và viên mãn. Tiếc thay, tuổi trẻ mải mê yêu đương, mải mê với những niềm vui xa vời, tôi không cảm nhận hết được khoảnh khắc tuyệt vời ấy. Để đến giờ, hoài niệm lại những cái Tết còn bố mẹ, tôi luôn đau đáu một niềm tiếc nuối.

Năm 2018, bố tôi qua đời vì bạo bệnh. Mẹ con tôi vĩnh viễn mất đi niềm vui trọn vẹn ngày Tết. Hai năm sau, mẹ tôi không thể gắng gượng thêm, cũng đi theo bố, để lại một mình tôi bơ vơ trên cõi đời này.

Tôi vẫn một mình mưu sinh nơi thành phố. Căn nhà ở quê để cho một người anh trong họ trông nom giúp. Tôi thực sự mất đi cái gọi là Tết sum vầy.

 

Cha mẹ còn, cuộc đời vẫn còn nơi để đến. Cha mẹ mất, đời chỉ còn lại lối về. Với tôi, ngay cả lối về quen thuộc ấy cũng trở nên thật chông chênh. Người ta háo hức bàn chuyện sắm Tết, đón Tết, tôi chỉ thấy sự hụt hẫng, trống trải xâm chiếm cả cõi lòng. Tết này, tôi biết đi đâu, về đâu để được đón một cái Tết sum vầy.

3 năm qua, tôi vẫn chạy chiếc xe máy đó về quê, ngang qua chợ hoa vẫn sắm một bó hoa thật to về cắm. Nhưng đến cổng nhà, tôi không còn bố đón, cũng chẳng được bố giúp dựng xe, rửa xe, mẹ cũng chẳng còn ở đó rủ tôi đi chợ Tết. Chào đón tôi là một căn nhà trống vắng, hắt hiu, dẫu anh họ giúp dọn dẹp thật sạch sẽ, tôi vẫn không cảm nhận được chút hơi ấm nào.

Xuân này, tôi có thể tìm thấy mọi thứ trong căn nhà quen thuộc, chỉ không thể tìm thấy bóng dáng bố mẹ. Với tôi, những cái Tết ấm cúng, đủ đầy năm nào mãi mãi không quay trở lại.

 

Tôi là gái phố, chồng tôi ở quê cách 120 cây số. Sau khi kết hôn, chúng tôi cùng mua nhà thành phố, sống gần bố mẹ tôi.

Bố chồng tôi mất từ khi chồng tôi 10 tuổi. Một mình mẹ chồng nuôi nấng anh nên người. Trong mắt anh, mẹ là một điều vô cùng quý giá. Tôi hiểu điều đó nên hạn chế nhất có thể những va chạm mẹ chồng – nàng dâu.

Tôi may mắn được ở gần bố mẹ đẻ, khi sinh nở cũng được bố mẹ giúp đỡ rất nhiều. Chồng tôi luôn vì cớ này mà mỗi cái Tết đều muốn cả gia đình về quê ăn Tết đến chiều mùng 3 mới quay trở lại thành phố. Anh nói: “Cả năm ở với ông bà ngoại rồi, có mỗi cái Tết được về sum vầy với bà nội. Bà ở quê một mình, ngày Tết em chịu khó ở lại với bà lâu chút”.

Đây là điều khiến tôi bất mãn nhất ở chồng. Mẹ anh muốn được sum vầy bên con cháu ngày Tết, chẳng lẽ bố mẹ tôi thì không. Tết năm nào vợ chồng tôi cũng cãi nhau vì chuyện ăn Tết quê nội, quê ngoại. Có năm, sáng sớm mùng 2 tôi đã đưa hai con trở lại thành phố, mặc kệ anh ở lại với mẹ đến hết mùng ba.

Bố mẹ đẻ tôi thường khuyên nhủ: “Cả năm con ở gần bố mẹ, Tết cũng nên về quê với mẹ chồng dài ngày chút. Hơn nữa, ở đây bố mẹ còn có anh chị và các cháu, mẹ chồng con ở quê chỉ có một mình”. Nhưng tôi vẫn thích nội ngoại bình đẳng, không chịu ở lại quê nội đến hết mùng 3 như chồng tôi mong muốn.

Tết năm ngoái, tôi kiếm cớ mừng thọ bố 70 tuổi, nhất định không về quê nội ăn Tết. Chồng tôi hiểu chuyện, chỉ mong tôi và các con về quê đón giao thừa cùng bà nội, rồi sáng mùng 1 trở lại thành phố ngay. Thế nhưng, tôi vẫn không chịu.

 

Không muốn “chiến tranh lạnh” ngày Tết, chồng chiều theo ý tôi. Chiều 30 Tết, một mình anh về quê đón Tết với mẹ già. Tôi ở thành phố vui vẻ sắm sửa, chuẩn bị đón Tết với ông bà ngoại.

Tối 30 Tết, bố mẹ tôi chuẩn 3 mâm cơm cùng con cháu quây quần, không khí gia đình đầm ấm, nhộn nhịp. Chồng tôi bỗng gọi ra chúc Tết bố mẹ vợ và cũng để các con tôi chúc Tết bà nội.

Qua chiếc màn hình điện thoại, tôi cảm nhận rõ sự vắng vẻ, hiu hắt ở quê. Mẹ chồng tôi ngồi bên giường, nhà không có đào, cũng chẳng có quất. Tôi hỏi bà sao không sắm sửa, bà đáp: “Con và các cháu không về, mẹ cũng chẳng sắm đào quất làm gì cho phí phạm”. Nhìn không khí trái ngược của hai bên gia đình, lòng tôi thắt lại. Tôi chợt nhận ra bản thân ích kỷ đến mức nào.

Đó là cái Tết đầu tiên tôi chủ động gọi xe, đưa con về quê ngay sáng mùng 1 Tết. Chồng và mẹ chồng tôi bất ngờ đến không thốt thành lời. Và đó cũng là lần đầu tiên, tôi nhận ra một chân lý sâu sắc rằng, chỉ cần gia đình nhỏ đoàn viên thì quê nội hay quê ngoại cũng đều là Tết.

 

Tôi lấy chồng cách nhà 150 cây số. Từ nhà nội về nhà ngoại thì cách 3 tiếng đi xe, thế nhưng 10 năm qua, tôi chưa một lần được về quê ngoại ăn bát cơm hóa vàng.

Chồng tôi có một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là đón Tết trọn vẹn bên nội đến sáng mùng 4 Tết mới về quê ngoại. Những năm đầu tiên về nhà chồng, tôi còn non nớt, không dám phản kháng. Năm nào cũng nhớ bố mẹ, nhớ nhà nhưng không dám xin chồng và bố mẹ chồng về quê ngoại đón Tết từ mùng 2 chứ chưa nói đến việc đón giao thừa.

Bố mẹ chồng tôi có 4 người con, hai trai, hai gái. Tất cả đều quây quần ở quê. Năm nào cũng vậy, Tết quê nội tổ chức linh đình, con cháu chật nhà.

Nhà tôi thì khác, bố mẹ tôi chỉ có hai cô con gái, tôi thì lấy chồng xa. Cũng may em gái tôi chưa lấy chồng nên hằng năm vẫn cùng bố mẹ lo Tết. Dẫu vậy, một gia đình 3 người đón Tết vẫn rất vắng vẻ, quạnh hiu.

Vậy mà chồng tôi không hiểu, năm nào cũng trưa mùng 4 Tết mới đưa vợ con về đến quê ngoại. Lúc ấy thì pháo đã tàn, hoa đã héo, không khí Tết chẳng còn nhiều.

Năm vừa rồi, tôi nhất quyết đấu tranh để được về quê ngoại ăn Tết từ chiều mùng 2. Chồng tôi phản ứng gay gắt, nói tôi cố tình làm loạn, không chịu làm tròn bổn phận dâu con.

 

Tôi nói: “Em đã làm tròn bổn phận con dâu gần 10 năm rồi nhưng đó cũng là 10 năm em chưa làm tròn bổn phận con gái. Bố mẹ em năm nào cũng đón Tết trong hiu quạnh, anh có thấy không?”.

Chồng tôi vẫn gầm lên: “Nếu muốn về từ mùng 2 thì cô về một mình. Con cái phải ở lại đón Tết với nhà nội”. Tôi không ngờ, anh ta lại nghĩ đến chuyện chia cắt mẹ con tôi như thế. Hai đứa con tôi, một đứa 4 tuổi, một đứa hai tuổi rưỡi, anh ta nghĩ sao mà giữ con ở lại rồi đuổi tôi đi?

Một lần nữa tôi đã yếu đuối. Năm đó, qua camera, nhìn bố mẹ và em gái ăn cơm tất niên, nước mắt tôi không ngừng rơi. Khoảnh khắc đó, tôi đã quyết tâm năm sau sẽ về đón Tết cùng bố mẹ.

Gần 1 tháng nữa là đến Tết, tôi đang chuẩn bị tâm lý để thông báo với chồng chuyện đưa con về đón Tết với ông bà ngoại từ chiều mùng 1. Có lẽ, sẽ lại là một cuộc tranh cãi gắt gao nhưng không còn điều gì khiến tôi sợ hãi nữa. Con tôi đã lớn, tôi có thể tự thuê xe đưa con về ngoại mà không cần chồng theo cùng. Năm nay, chắc chắn mùng 1 Tết tôi sẽ có mặt ở nhà ăn bữa cơm đầu năm cùng bố mẹ.

Phút thành thật: Bố mẹ qua đời, tôi không còn nơi để về đón Tết - 15

Content & Media: Hạ Nhiên

Sự kiện: Phút thành thật
Thứ Hai, ngày 15/01/2024 08:10 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])