DANH MỤC

 

Tết là dịp sum vầy, là khoảnh khắc gia đình quây quần bên nhau ôn lại năm cũ, chào đón năm mới. Thế nhưng, với nhiều người, Tết lại là mối lo khi phải gồng gánh chi tiêu, đối nội, đối ngoại... Với nhiều cặp vợ chồng, chỉ vì không thể thống nhất được cách đón Tết mà ngày xuân bớt đi niềm vui trọn vẹn.

 

3 năm qua kể từ ngày lấy chồng, Tết nào tôi cũng lo ngay ngáy chuyện chi tiêu Tết. Chồng tôi vừa gia trưởng, vừa sĩ diện, tiền không kiếm được nhiều nhưng luôn muốn đón Tết sang. Câu cửa miệng của anh là: "Cả năm làm ăn ở thành phố, cuối năm về quê ăn Tết thì phải nở mày nở mặt với họ hàng".

Bạn bè tôi buôn bán ở quê có khi còn giàu gấp vạn chúng tôi làm công ăn lương ở thành phố. Vậy mà ngày Tết, vợ chồng họ vẫn bảo nhau thu vén đón một cái Tết vừa phải, để dành vốn liếng cho con cái học hành... Chồng tôi thì khác, thủ tục đón Tết phải đủ các bước: mời anh em họ hàng đến nhà ăn cơm tất niên khoảng 5-6 mâm cỗ, biếu ông bà nội 10 triệu đồng ăn Tết, mua đặc sản này, đặc sản nọ biếu các anh chị em ruột, lì xì cho các cháu từ 200 nghìn đồng trở lên...

Ấy vậy mà tuyệt nhiên, anh không bao giờ đặt nhà ngoại vào trong kế hoạch chi tiêu Tết, luôn nói: “Bên ngoại tùy em xử”. Anh ấy "tùy tôi xử" nhưng tiền thì tôi phải bỏ ra. Đời thuở có người chồng nào khôn ranh như thế? Nhưng tôi không chấp, mỗi năm tôi đều tự lấy tiền thưởng Tết của mình ra để biếu ông bà ngoại.

Mấy cái Tết trước, tôi tính sương sương phải tiêu đến 50 triệu đồng, chưa kể những khoản phát sinh. Năm nay, tình hình kinh tế khó khăn chung, thu nhập của vợ chồng tôi giảm mạnh, lại thêm việc dốc hết vốn liếng trả nốt khoản nợ mua nhà nên hiện tại trắng tay.

 

Thật tâm tôi luôn nghĩ “nhiều tiền thì Tết to, ít tiền thì Tết nhỏ”, chẳng cần cầu kỳ nhưng biết tính chồng ham thể diện nên tôi đang lo sốt vó khoản chi tiêu Tết. Mới đây, tôi bàn với chồng chuyện này, cũng nhắc cho chồng biết tình hình kinh tế gia đình hiện tại. Ai ngờ, chồng tôi thản nhiên nói: “Tết trước ra sao, Tết nay vẫn vậy. Không được thiếu khoản nào”. Anh còn nhấn mạnh, khoản biếu ông bà nội 10 triệu đồng và khoản làm cơm tất niên đãi anh em họ hàng lại càng không được qua loa.

Tôi tức tối hỏi chồng: “Vậy tiền đâu lo Tết?”, câu trả lời của anh khiến tôi “đứng hình”. Thì ra, kế hoạch của chồng tôi là bán 3 cây vàng cưới tôi đang giữ để lấy tiền tiêu Tết. Trong 3 vây vàng đó thì có 2,5 cây là của hồi môn của tôi, còn chiếc dây chuyền 5 chỉ là mẹ chồng tôi trao trong ngày cưới.

Tôi bảo anh, trên đời này chẳng nhà ai bán vàng cưới lấy tiền tiêu Tết, anh gắt gỏng: “Thiếu tiền thì đến người còn bán huống chi vàng. Vàng cũng để bán lấy tiền tiêu chứ để dành chết mang theo à?”. Tôi cạn lời với suy nghĩ của chồng. Người ta bán vàng lấy vốn làm ăn hoặc giữ đề phòng cuộc sống bất trắc chứ ai bán vàng lấy tiền chi tiêu Tết. Vợ chồng tôi còn một khoản thưởng Tết, dù không nhiều như mọi năm nhưng cũng được khoảng 20 triệu đồng. Sao không cố gắng co kéo cho đủ lại nghĩ đến chuyện bán vàng?

Tôi nhất quyết không đồng ý. Năm nay, dù đói dù no tôi cũng chỉ chi tiêu Tết với số tiền đã có chứ không bán vàng để đáp ứng sự sĩ diện của chồng.

 

Tôi không biết có phải mình quá tính toán hay không nhưng có một chuyện xảy ra ngày Tết khiến tôi đắn đo, suy nghĩ mãi.

Tôi lấy chồng xa 200 cây số. Vợ chồng tôi cùng rời quê ra phố lập nghiệp và hiện tại sống ở Hà Nội. Lấy chồng được 3 cái Tết, tôi mới sinh con đầu lòng, rồi hơn một năm sau thì sinh người con thứ hai. Chúng tôi đã có một số vốn nhất định, dự định sang năm sẽ vay mượn thêm mua một căn nhà chung cư.

Chồng tôi có 3 người chị gái, mỗi chị có 2 người con. Kinh tế nhà các chị cũng khá giả, nhà cửa đàng hoàng. Từ trước đến nay, khoản lì xì Tết chồng giao cho tôi. Tôi cũng không phải người ki bo, năm nào cũng lì xì cho các cháu ruột 500 nghìn đồng/cháu, các cháu họ hàng xa thì đồng giá 50 nghìn đồng. Dù có những năm kinh tế đi xuống, tôi vẫn giữ mức mừng tuổi này. Chồng tôi cũng khá hài lòng.

Năm nào tôi cũng tốn khoảng 15 triệu đồng lì xì cho người già, trẻ nhỏ bên nội. Mọi người thường đùa vợ chồng tôi: “Hai em mau mau sinh con đi để còn thu tiền lì xì. Lỗ mấy năm rồi”.

Từ khi có con, tôi cũng thu lại được một khoản tiền mừng tuổi. Tết năm kia, tôi đã có hai con, gần như lì xì bao nhiêu thì thu lại bấy nhiêu. Tôi thấy đó cũng là chuyện thường tình vì vốn dĩ, lì xì là để lấy may, không nên tính toán qua lại. Thế nhưng, chồng tôi thì khác.

 

Anh rất băn khoăn khi tôi mừng tuổi cho các cháu bao nhiêu lại thu về bấy nhiêu. Ví dụ, tôi mừng tuổi cho hai con nhà chị cả 1 triệu đồng, chị lại mừng cho hai đứa con tôi 1 triệu đồng. Anh thấy vậy thì ái ngại, ngượng ngùng như thể vợ chồng tôi chưa lì xì các cháu đồng nào.

Vậy là, sau hôm đó anh lại tìm cớ để cho các cháu khoản tiền y như tôi đã lì xì trước đó. Tết năm ngoái, khi các chị chồng lì xì con tôi, anh mở phong bao ngay tại chỗ rồi trả lại bằng được. Anh lấy cớ các con tôi còn nhỏ, chưa biết tiêu tiền nên các bác chỉ cần mừng tuổi 10-20 nghìn đồng lấy may. Anh đưa đẩy từ chối đến mức tôi phát ngán, ôm con đi chỗ khác.

Năm nay, còn hơn một tháng nữa mới đến Tết, anh đã rào trước với tôi: “Em lì xì các cháu bao nhiêu, chắc chắn các chị sẽ lì xì lại y như thế. Chi bằng, em cứ mừng tuổi các cháu đi, rồi anh kiếm cớ cho chúng nó thêm sau”.

Thật nực cười. Tôi không hiểu tại sao anh ấy luôn sợ các chị gái mình thiệt thòi như vậy. Tính toán như anh, vậy những năm tôi chưa có con, tôi vẫn vui vẻ mừng tuổi cho các con chị thì sao? Chẳng lẽ, tôi cũng tìm cách này, cách kia để thu tiền về? Tôi cảm thấy chồng tôi quá quan trọng hóa cái gọi là tiền mừng tuổi này.

 

Hơn 1 tháng nữa mới đến Tết, tôi đã thấy mệt mỏi với sự tính toán của vợ. Năm nay là cái Tết thứ hai chúng tôi nên duyên vợ chồng. Hai nhà cách nhau gần 100 cây số, Tết năm ngoái thể theo nguyện vọng của vợ, tôi đã đưa cô ấy về quê ngoại ăn Tết từ trưa mùng một. Cô ấy không muốn quay lại nhà nội ăn cơm hóa vàng, tôi cũng không ép.

Toàn bộ tiền chi tiêu Tết bên nội là tôi lo. Tiền lì xì cho cháu chắt hai bên, tôi cũng đưa cho cô ấy. Việc duy nhất cô ấy phải lo là mua quần áo, váy vóc cho bản thân. Chúng tôi chưa có con.

Điều khiến tôi thất vọng nhất ở vợ là sự đòi hỏi của cô ấy về chuyện biếu Tết hai bên nội ngoại. Tết năm ngoái, cô ấy ra tối hậu thư: “Biếu Tết hai bên nội ngoại phải bằng nhau, không được bên trọng bên khinh”. Tôi đồng ý. Năm ngoái tôi được thưởng Tết 20 triệu đồng, chia ra biếu mỗi bên 10 triệu đồng là hết sạch. Những khoản chi tiêu khác, tôi phải lôi tiền tiết kiệm của mình ra để lo.

Năm vừa qua, vợ chồng tôi vừa mua một căn nhà ở thành phố. Bố mẹ tôi cho một miếng đất ở quê nhưng chưa được giá nên chưa bán. Bố mẹ vợ tôi cho mượn 200 triệu đồng, còn lại, vợ chồng tôi phải vay thêm 300 triệu đồng nữa mới đủ mua nhà.

 

Vì khoản vay 200 triệu đồng kia, vợ tôi yêu cầu Tết năm nay phải biếu bố mẹ cô ấy nhiều hơn. Cụ thể là biếu ông bà nội 10 triệu đồng như năm ngoái, còn biếu ông bà ngoại 20 triệu đồng.

Tôi vặn lại: “Sao em nói biếu Tết hai bên nội ngoại phải bằng nhau, không được bên trọng bên khinh?”. Vợ tôi đáp một câu khiến tôi ngã ngửa: “Bố mẹ anh có cho đồng nào mua nhà không mà đòi biếu Tết bằng nhau. Anh thử ra ngân hàng vay thêm 200 triệu đồng nữa xem mỗi tháng phải gánh bao nhiêu lãi. Bố mẹ tôi cho anh vay tiền mua nhà, anh còn tính toán vài đồng biếu Tết hả?”.

Quả thực, tôi không tính toán chuyện biếu Tết, tôi chỉ không chấp nhận thái độ khinh miệt của cô ấy với nhà tôi. Cô ấy rõ ràng biết bố mẹ tôi cho miếng đất tiền tỷ chưa bán, lại oán trách ông bà không cho chúng tôi mượn tiền mua nhà. Chúng tôi cãi nhau rất to, cho đến cuối cùng cô ấy vẫn yêu cầu phải biếu Tết nhà ngoại nhiều hơn.

Thất vọng với suy nghĩ lệch lạc, thái độ hung hăng của vợ, tôi chán nản không muốn bước chân về nhà. Chỉ một chuyện nhỏ như vậy, chúng tôi đã không thể dung hòa, liệu sau này khi có con rồi, mọi thứ sẽ ra sao?

Phút thành thật: Bức xúc khi chồng đòi bán vàng cưới lấy tiền tiêu Tết - 15

Content & Media: Hạ Nhiên

Sự kiện: Phút thành thật
Thứ Hai, ngày 01/01/2024 08:00 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])