DANH MỤC

Tết là dịp gia đình họ hàng đoàn tụ sau một năm tất bật làm ăn, học tập. Thế nhưng không phải ai cũng biết cách mang lại cảm giác dễ chịu cho nhau.

Mỗi dịp Tết đến xuân về là ai ai cũng muốn quây quần bên gia đình và những người thân yêu nhất. Những ngày nghỉ Tết, người ta hay đến nhà nhau chơi, thăm hỏi chúc nhau những lời tốt đẹp nhất.

Thế nhưng năm nào cũng vậy, có một bộ phận luôn biết cách gây ấm ức cho người khác bởi những câu hỏi “thọc sâu” vào đời sống riêng tư. Bạn ở lứa tuổi nào cũng vậy, dù đang đi học hay đã đi làm, đang độc thân hay đã có bạn gái hoặc đã kết hôn đều phải đối mặt với những câu hỏi vô duyên chẳng muốn trả lời.

“Vẫn ế à? Phải giảm cân đi mới có đứa yêu”

Những câu hỏi "nhức óc" ngày Tết, nghe xong chỉ muốn “khẩu nghiệp” - 2

Không biết từ bao giờ việc có người yêu lại trở thành một tiêu chuẩn mỗi dịp Tết. Nhiều bạn trẻ tỏ ra vô cùng bức xúc khi hầu như đi đâu, gặp ai câu cửa miệng cũng hỏi: “Đã có người yêu chưa?”.

“Bức xúc thật sự luôn ý. Mỗi lần đi thăm họ hàng, cô dì chú bác đều đồng loạt hỏi có người yêu chưa. Chuyện yêu đương nó lại quan trọng hơn chuyện sức khỏe hay học hành, công việc à?

Mình không trả lời thì bảo là hỗn, trả lời kiểu phản ứng một tý là kiểu cũng bị bố mẹ nhắc nhở. Nói chung là nhiều người lớn mà tính cách vẫn cứ hồn nhiên vô duyên như đám trẻ”, (Hà - 24 tuổi, Hà Nội) bức xúc.

Câu chuyện của Hà còn nhẹ nhàng và dễ chịu hơn tình huống mà Hương (sinh viên năm 3 - ĐH Ngoại thương) gặp phải. Cô bạn này không có được ngoại hình cân đối nhưng bù lại học rất giỏi. Thế nhưng người thân lại không bao giờ nhìn vào điểm tích cực.

“Nhiều lúc cũng tủi thân lắm. Ngày Tết mình cũng xúng xính váy vóc ăn diện nhưng toàn bị cụt hứng khi gặp mấy bà cô trong họ. Nhiều lúc hỏi vô duyên dễ sợ kiểu như: Sao không giảm cân đi, bọn con trai giờ chúng nó thích dáng người ngon ngon cơ. Tao thấy gái Ngoại thương toàn đứa chân dài eo thon, mày không học theo bọn nó mà đi tập gym, yoga đi.

Ủa? Mình béo hay gầy thì có bao giờ ăn tranh cơm của các bà ý đâu cơ chứ. Xấu đẹp còn ở tâm hồn và kiến thức nữa mà. Ngày Tết vui vẻ nên mình cũng chỉ lờ đi, coi như gió thoảng qua tai”, bạn Hương tâm sự.

“Bao giờ cho các bác ăn kẹo đấy?”

Những câu hỏi "nhức óc" ngày Tết, nghe xong chỉ muốn “khẩu nghiệp” - 3

Người đang độc thân thì bị hỏi tại sao ế, khi nào có người yêu? Còn với những cặp đôi đang tìm hiểu hẹn hò thì luôn phải đối mặt với những câu hỏi về chuyện cưới xin. Đây thực sự là câu hỏi khó bởi lễ thành hôn là sự kiện trọng đại, quan trọng của cả đời người, không thể dễ dàng hứa hẹn rồi chia sẻ rộng rãi.

“Mình đến xấu hổ khi đưa bạn trai đi liên hoan cùng gia đình ngày đầu năm mới. Gặp người ta mà gì đâu toàn hỏi khi nào cưới, bao giờ cho ăn bánh kẹo. Mình là nhà gái mà trời, mất giá quá đi mất.

Những người lớn mà vẫn suy nghĩ kiểu khơi khơi. Đời người chỉ lấy chồng có 1 lần thôi vậy mà chưa biết mình và bạn trai quen nhau bao lâu, điều kiện kinh tế ra sao mà vừa gặp đã hỏi chuyện cưới xin”, bạn Loan bức xúc.

Trường hợp của chị Tâm còn gây ra nỗi ức chế lớn hơn. Tâm đã ngoài 30 tuổi và đang cố gắng theo học để lấy bằng thạc sỹ. Bởi vậy chị đành tạm gác chuyện tình cảm sang một bên.

Thế nhưng hoài bão đó của chị luôn trở thành đề tài đàm tiếu của những bà cô lớn tuổi trong gia đình: “Con gái học nhiều làm gì, lấy chồng đi. Phụ nữ hơn nhau tấm chồng chứ bằng cấp về rồi treo chật nhà. Đây là những câu nói mình vẫn nghe hàng năm. Ngày trước ấm ức lắm, cũng cự lại mấy lần nhưng rồi cũng quen.

Họ là những người phụ nữ của thế hệ trước. Họ chấp nhận tư tưởng phụ nữ quanh quẩn nơi góc bếp nên không hiểu được tri thức quan trọng thế nào. Nhiều lần cứ giục mình lấy chồng trong khi bạn trai mình còn chưa có”.

“Sao cưới lâu rồi mà chưa có bầu?”

Đây là câu hỏi thực sự trở thành áp lực, nỗi ám ảnh dành cho những cặp đôi mới kết hôn. Những câu hỏi không hẳn vì quan tâm mà là để moi móc thông tin nhằm thỏa mãn tính tò mò và sẽ trở thành công cụ cho thói ngồi lê đôi mách.

Anh Minh và chị Hoa nhớ lại đã phải vượt qua vô số sức ép, thậm chí có giai đoạn stress nặng nề chỉ bởi những câu hỏi thiếu tế nhị cứ dồn dập bủa vây lấy hai vợ chồng.

“Mình và vợ cưới nhau ngay trước Tết và không thể ngờ cái Tết đầu tiên bên nhau thực sự là nỗi kinh hoàng. Chúng mình chẳng khác nào bị khủng bố tinh thần. Từ nhà nội sang nhà ngoại rồi bạn bè đồng nghiệp. Cứ hễ gặp nhau là lại điệp khúc: Đã có gì chưa?

Những câu hỏi "nhức óc" ngày Tết, nghe xong chỉ muốn “khẩu nghiệp” - 4

Thậm chí nhiều người lớn tuổi còn thiếu tế nhị đến mức giữa chốn đông người còn hỏi vợ chồng mình quan hệ thế nào, có đều không, rồi thản nhiên tư vấn chúng mày phải thế này thế nọ thì mới dễ dính bầu.

Vợ mình đã suy sụp và thiếu chút nữa bị trầm cảm bởi những câu hỏi vô duyên như thế. Nhiều lúc mình phải phản ứng khá gay gắt để bảo vệ vợ cũng như để giảm áp lực cho bản thân”, anh Minh chia sẻ.

Cũng gặp tình trạng tương tự như trên là gia đình anh Tiệp. Anh là trưởng nam một dòng họ lớn nên việc có con trai như "nhiệm vụ bắt buộc". Thế nhưng anh Tiệp và vợ đã sinh 2 cô con gái. Hai bé đều xinh xắn, học giỏi nhưng anh vẫn không được coi trọng mỗi khi về quê có đám cỗ.

“Vợ chồng anh chị có tính để thằng cu không đây. Nhiệm vụ gánh vác công việc hương hỏa là không đùa được đâu. Hai con vịt giời kia rồi lớn lên nó bay đi mất, chúng tôi biết trông vào ai mà hương khói”, ông chú trong họ từng hỏi anh Tiệp trước mặt đông đảo mọi người.

“Nhiều người cứ thích xắn quần lội vào đời tư người khác. Tôi đang rất hài lòng với cuộc sống hiện tại cùng vợ và 2 con gái. Giờ mà cố đẻ thêm đứa nữa thực sự là gánh nặng. Mà biết đâu đứa thứ 3 vẫn là con gái thì sao, không nhẽ lại nghe lời các cụ đẻ tiếp?”, anh Tiệp ngán ngẩm cho hay.

“Thưởng tết nhiều tiền không, biếu bố mẹ bao nhiêu?”

Chuyện thưởng Tết vô cùng tế nhị. Ngay cả trong nội bộ công ty cũng đều có khuyến cáo không nên chia sẻ chi tiết số tiền được nhận. Nếu số tiền thưởng được công khai sẽ tạo ra sự đố kỵ, ganh gét gây mất đoàn kết nội bộ.

Nhìn rộng hơn là kinh tế từng gia đình cũng như vậy. Chẳng ai biết nhà ai đang có bao nhiêu tiền và những câu hỏi liên quan trực tiếp đến vấn đề này sẽ bị coi là vô duyên. Thế nhưng mỗi dịp Tết, những người lớn tuổi lại tự cho mình quyền được chất vấn vấn đề lương thưởng của đám thanh niên.

Những câu hỏi "nhức óc" ngày Tết, nghe xong chỉ muốn “khẩu nghiệp” - 5

“Nhiều người giờ hay lắm nhé. Họ tự động áp đặt cuộc sống nhà họ lên nhà mình luôn. Hôm rồi bà cô sang chơi, phấn khởi khoe thằng con được thưởng Tết 7 triệu và đưa cho bà ấy 4 triệu để lo Tết.

Xong rồi quay sang mình hỏi giọng giễu cợt: Minh được thưởng Tết bao nhiêu, có đưa cho mẹ không hay lại tiêu xài, ăn nhậu với bạn bè hết rồi. Mình ức chế quá lại đang sẵn có tý hơi men trong người đáp luôn: Cháu chỉ được thưởng 30 triệu thôi, cháu để trong thẻ đưa cả cho mẹ rồi. Lương tháng 12 được 15 triệu vẫn chưa tiêu hết”, Minh bật cười khi thuật lại câu chuyện.

Trong bất kỳ mối quan hệ nào cũng tồn tại những giới hạn nhất định. Người văn minh và người vô duyên khác nhau chính bởi lằn ranh mong manh đó. Khi bạn ứng xử lịch thiệp sẽ nhận được sự tôn trọng của người khác, cũng như không làm người thân của mình bị tổn thương.

Những câu hỏi "nhức óc" ngày Tết, nghe xong chỉ muốn “khẩu nghiệp” - 6

Content & Media: Huyền Anh

Thứ Hai, ngày 27/01/2020 00:08 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Huyền Anh (Tổng hợp) ([Tên nguồn])