Nguyễn Nhật Ánh: Người đàn ông có nhan sắc và nhiều “fan cuồng”

Sự kiện: Nguyễn Nhật Ánh

Nguyễn Nhật Ánh là một trong những nhà văn có lượng phát hành sách lớn tại Việt Nam hiện nay. Ông “sở hữu” lượng fan hâm mộ ở nhiều thế hệ và không ít người trong số họ là “fan cuồng”.

"Người đàn ông không tuổi, có nhan sắc"

Ông Dương Thành Truyền, đại diện NXB Trẻ nói vui tại hội thảo “Nguyễn Nhật Ánh – Hành trình chinh phục tuổi thơ” (tổ chức tại ĐH Sư Phạm Hà Nội sáng 16.9) rằng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là người đàn ông có nhan sắc, người đàn ông không tuổi và có không ít... fan cuồng.

Truyện của Nguyễn Nhật Ánh như những “thỏi nam châm” thu hút và chinh phục độc giả ở nhiều thế hệ, nhiều lứa tuổi, vùng miền, thậm chí vượt ra khỏi biên giới Việt Nam. Đó không chỉ là “không gian” cho tuổi thơ mà dành cho tất cả những ai đã từng trải qua tuổi thơ.

Nguyễn Nhật Ánh: Người đàn ông có nhan sắc và nhiều “fan cuồng” - 1

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại hội thảo

Ông Truyền kể, nhiều độc giả “mê” Nguyễn Nhật Ánh đến nỗi chạy xe vài chục cây số đến để mua sách và xin được ký tặng, có bạn gái chép lại cả cuốn truyện, có bạn trai bọc cẩn thận bìa từng cuốn một.

Theo thống kê của NXB Trẻ:  6 đầu sách của Nguyễn Nhật Ánh đã tái bản 20 lần, 10 đầu sách tái bản trên 30 lần, 1 tựa 50 lần, cứ hết lại tái bản... Từ 2010 tới nay, cứ sách nào của Nguyễn Nhật Ánh in cũng có số lượng phát hành lần đầu lên tới 50.000 bản.

Hay việc lần ra mắt cuốn “Bảy bước tới mùa hè” tổ chức ở phố sách Đinh Lễ (Hà Nội), mặc dù trời mưa nhưng độc giả vẫn xếp hàng ngay ngắn cả cây số. Một “bà bầu” dù được ban tổ chức ưu tiên xin chữ ký nhà văn trước song vẫn quay lại xếp hàng để chờ tới lượt. Và lần nào ra mắt sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng gây xôn xao bởi... quá đông.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định, Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn không tuổi bởi ông rất "teen". Cái “teen” ấy không chỉ thể hiện qua cách ứng xử mà còn ghi dấu  ở các tác phẩm văn chương của Nguyễn Nhật Ánh. Đó là “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, “Tôi là Bê tô”, “Kính vạn hoa”... Ông là một hiện tượng của văn học thiếu nhi Việt Nam, tạo ra được một phong cách viết riêng và một thế hệ độc giả của riêng mình.

Truyện thiếu nhi ăn khách nội hàm tính triết lý

Giữa muôn vàn các ấn phẩm thiếu nhi nước ngoài “xâm lấn” dễ làm hoa mắt bạn đọc thì truyện của Nguyễn Nhật Ánh như một điểm sáng hiếm cho văn học thiếu nhi trong nước.

Văn chương của Nguyễn Nhật Ánh thuộc hàng bestseller nhưng không phải là dạng ăn khách tầm thường đọc để giải trí. Các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh cho người đọc “vé về tuổi thơ” và nội hàm tính triết lý.

Nguyễn Nhật Ánh: Người đàn ông có nhan sắc và nhiều “fan cuồng” - 2

Nguyễn Nhật Ánh: Người đàn ông có nhan sắc và nhiều “fan cuồng” - 3

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và các chuyên gia tham gia hội thảo

Giáo sư Lê Huy Bắc đánh giá, tính triết lý trong văn chương Nguyễn Nhật Ánh không quá nặng nề mà thể hiện gần gũi ngay ở từng trang viết, giúp định hướng con người khi bước qua tuổi thơ. Nguyễn Nhật Ánh đã viết cho trẻ thơ bằng cái nhìn của người lớn.

Theo Tiến sĩ Văn Giá, các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh thường chứa đựng tâm năng và trí năng. Và bạn đọc thích điều ấy. Trí năng mang lại niềm vui, sự thích thú, tiếng cười, sự hài hước, tâm năng mang lại sự xúc động. Cái duyên của người cầm bút như Nguyễn Nhật Ánh giúp nhiều thế hệ yêu đời hơn, sống khác đi, yêu thương khác đi.

Chính tính triết lý và định hướng trong văn chương Nguyễn Nhật Ánh mà giới phê bình cho rằng, các tác phẩm của ông nên được đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường.

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh đưa ra quan điểm, việc đưa các tác phẩm văn học đương đại có giá trị vào nhà trường là việc cần làm, dưới nhiều hình thức. Có thể tác phẩm sẽ nằm trong danh mục sách đọc tham khảo, sách văn học. Có thể là những chương, đoạn dùng để phân tích, soi sáng một lý thuyết nào đó.

Chị gợi ý về việc chẳng hạn các sáng tác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hoàn toàn có thể gây cảm hứng học - đọc cho học sinh nếu được đưa vào chương trình.

“Học sinh cuối tiểu học và đầu trung học có thể tiếp cận “Tôi là Bê tô”, “Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ”... để học rất nhiều thao tác viết,  cảm nhận cuộc sống, tăng “năng lực rung động” với văn chương - theo cách nói của nhà giáo Phạm Toàn khi nói đến việc dạy Văn trong nhà trường.

Ngôn ngữ phong phú, giàu hình ảnh, nhiều tìm tòi, dí dỏm của nhà văn sẽ khiến các em để tâm hơn đến cách diễn đạt, có thể xây dựng những bài học “từ và câu” dễ hiểu. Các đoạn văn tả cảnh, các dẫn giải trong tản văn của Nguyễn Nhật Ánh có thể khơi gợi cảm xúc, đồng thời có thể là “công cụ” để thầy cô hướng dẫn các em kỹ thuật viết. Việc tiếp thu sẽ tốt hơn khi học sinh có hứng thú, tăng động lực học”, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh chia sẻ với Dân Việt.

Nguyễn Nhật Ánh ví nhà văn như những người lái xe thức đêm, viết hết cuốn sách này đến cuốn sách khác chứ không có thời gian nhìn lại. Ông hóm hỉnh so sánh buổi hội thảo như một cuộc phẫu thuật: “Tôi thấy mê man như người bị phẫu thuật, xuất hồn bay lên nhìn mọi người đang “mổ xẻ” mình”, nhưng đối với ông, cuộc phẫu thuật nào cũng giúp ông hồi sinh.

Trailer phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Du ([Tên nguồn])
Nguyễn Nhật Ánh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN