Ngã rẽ của thủ khoa trường Đại học Y Dược

Sự kiện: Giới trẻ 2024
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Thi lại nhưng vẫn trượt Y khoa, Tiến cố gắng học và dần yêu thích ngành Răng-Hàm-Mặt, tốt nghiệp thủ khoa với điểm trung bình 3.55/4.

Mẫn Văn Tiến, 25 tuổi, là một trong những sinh viên được trao bằng khen trong lễ tốt nghiệp của trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, hôm 2/8. Điểm trung bình học tập của Tiến đứng đầu trong hơn 300 bác sĩ, cử nhân tốt nghiệp năm nay, bằng với Phạm Quang Nghĩa - thủ khoa ngành Y khoa.

"Mình vui nhưng không quá bất ngờ", Tiến nói, cho biết đã đoán được kết quả này ngay sau buổi bảo vệ khóa luận hồi đầu tháng 6.

Mẫn Văn Tiến trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mẫn Văn Tiến trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tiến sinh ra ở Bắc Ninh, có bố mẹ làm kinh doanh nhỏ. Ngày học cấp 2, Tiến học lớp chọn Toán ở một trường công lập. Nhìn thấy cháu có khiếu học môn này, cộng thêm tính cách trầm, khả năng chịu áp lực cao, ông ngoại gợi ý Tiến học Y, hồi lớp 9.

"Ước mơ làm bác sĩ của mình bắt đầu từ thời điểm đó", Tiến nhớ lại.

Nghe ông giải thích, Tiến hiểu để theo ngành này, trước hết phải học tốt ba môn khối B00 (Toán, Hóa, Sinh). Vì vậy, anh dành nhiều thời gian học để thi vào trường chuyên. Một năm sau, Tiến đỗ lớp chuyên Toán, trường THPT chuyên Bắc Ninh.

Tiến cho biết khá mông lung về mục tiêu học tập trong những năm cấp 3, không biết nên dồn lực học Toán để thi học sinh giỏi hay học đều các môn khối B00 để thi đại học. Sau một thời gian, thấy mình khó cạnh tranh nếu thi học sinh giỏi, Tiến chuyển sang hướng còn lại, chủ yếu tự học.

Năm 2017, anh thi đỗ ngành Y khoa ở Hải Phòng, nhưng không hài lòng với kết quả. Tiến cảm thấy bản thân chưa đủ nỗ lực, và mục tiêu cao nhất là lên Hà Nội học để có cơ hội kết nối và thực tập ở các bệnh viện lớn. Vì vậy, Tiến quyết định thi lại vào năm sau. Lần này, anh đặt nguyện vọng 1 là Y khoa, nguyện vọng 2 là Răng-Hàm-Mặt vào trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Lần thi đại học thứ hai của Tiến không mấy suôn sẻ. Bị bố mẹ phản đối, Tiến phải tự tạo động lực và lên kế hoạch ôn thi. Anh chủ yếu học Toán và Hóa theo các khóa học trên mạng, đồng thời đi học thêm Sinh. Bố mẹ anh sau đó dần ủng hộ khi thấy được nỗ lực của con.

Năm 2018, đề thi được đánh giá dài và khó. Sau buổi thi, Tiến mất tinh thần, nghĩ không thể học lại một năm nữa. Kết quả, anh trượt nguyện vọng 1 và vừa đủ điểm đỗ nguyện vọng 2. Không quá hứng thú nhưng Tiến coi đây là cơ hội mới, "học xem thế nào".

Tiến (giữa, phía sau) cùng thầy cô, bạn bè tham gia sự kiện "Hưởng ứng ngày sức khỏe răng miệng thế giới" ở Ecopark, hôm 18/3. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tiến (giữa, phía sau) cùng thầy cô, bạn bè tham gia sự kiện "Hưởng ứng ngày sức khỏe răng miệng thế giới" ở Ecopark, hôm 18/3. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đã chờ đợi một năm, Tiến say mê học. Hai năm đầu, anh học tốt các môn đại cương và cơ sở y khoa, có kỳ đạt điểm xuất sắc (3,72/4). Thấy bản thân theo được, Tiến đặt mục tiêu trở thành bác sĩ giỏi ở phòng khám Răng-Hàm-Mặt cũng như trong phòng phẫu thuật.

Từ năm tiếp theo, anh bắt đầu học lâm sàng ở các bệnh viện như Việt Đức, Bạch Mai... Một ngày của Tiến gồm sáng ở viện, chiều học lý thuyết trên trường, tối tự học hoặc đi trực theo phân công. Ngoài ra, anh cũng học thực hành các môn chuyên ngành ở lab (phòng thí nghiệm) vào một số buổi chiều trong tuần.

Với lịch học dày đặc, Tiến thừa nhận có lúc mệt và nản. Anh ví dụ thời điểm học môn Nhi khoa, phải trực nguyên ngày ở viện, trùng với mùa thi cuối kỳ ở trường. Ba ngày trước khi thi, anh chỉ làm và ôn bài, tạm dừng thói quen tập thể dục. Theo Tiến, cách để ghi nhớ kiến thức hiệu quả là giảng lại cho bạn bè hoặc chính mình.

"Mình tóm tắt kiến thức ra giấy, vừa ghi vừa đọc to như thuyết trình cho bản thân nghe", Tiến giải thích.

Sang năm thứ năm, Tiến muốn trải nghiệm nhiều hơn để định hướng công việc. Anh xin kiến tập ở phòng khám của TS.BS Nguyễn Tấn Văn, trưởng bộ môn Phẫu thuật miệng - hàm mặt và nhiều lần phụ mổ cho thầy. Thời gian đầu, Tiến thường bị mắng vì chỉn chu quá dẫn đến thao tác chậm.

"Bị nói như vậy nhưng Tiến không tự ái mà luôn lắng nghe, tiếp thu và sửa chữa", thầy Văn chia sẻ. "Một điều không thay đổi ở Tiến là sự cần cù, chăm chỉ".

Qua những lần hỗ trợ thầy, Tiến nhận thấy công việc này có ý nghĩa nhân văn, thậm chí thay đổi cả cuộc đời người khác, nhưng phải quyết tâm cao mới theo được. Với suy nghĩ đó, anh xác định học để làm bác sĩ phẫu thuật hàm - mặt. Tháng 7 vừa qua, Tiến tham gia chương trình phẫu thuật nhân đạo cho trẻ em ở Bệnh viện E. Anh phụ mổ 12 tiếng mỗi ngày, trong bốn ngày liên tiếp.

Trước đó, anh bảo vệ thành công khóa luận "Tổng quan luận điểm kết quả điều trị u nguyên bào tạo men bằng phương pháp phẫu thuật". Đề tài được đánh giá là khó. Tiến đã căng thẳng mấy tháng vì phải bổ sung số liệu trong khi bạn bè đã làm xong, có bạn còn báo cáo ở hội nghị khoa học. Viết khóa luận bằng tiếng Anh cũng là một thử thách đối với anh.

"Thử thách đó do mình tạo ra để thúc đẩy bản thân. Nhưng những lúc mệt, mình lại không hiểu sao phải khổ như thế", Tiến chia sẻ.

Theo Tiến, khóa luận này như một lời nhắc nhở anh cố gắng hơn nữa. Trong sáu năm, anh thấy tiếc khi mới chỉ dừng lại ở đọc và viết tiếng Anh chuyên ngành mà chưa giao tiếp nhiều, nghiên cứu khoa học cũng hạn chế vì ngại đề xuất, trao đổi với thầy cô.

Tiến đang tập trung ôn cho kỳ thi bác sĩ nội trú của trường, diễn ra vào tháng 10 tới. Song song đó, anh tiếp tục làm việc cùng các thầy cô để thêm kinh nghiệm thực tế.

Nguồn: [Link nguồn]

Thu Hằng đỗ chương trình thạc sĩ Giáo dục của Đại học Oxford hồi tháng 4, trước khi nhận bằng thủ khoa tốt nghiệp trường Ngoại ngữ với điểm trung bình 3.97/4.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Anh ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN