Lạ lùng... cấm sinh viên ngồi trong bóng tối

Có đại học cấm sinh viên ngồi trong các khu vực bóng tối, vắng vẻ trong khuôn viên trường.

Gần đây, nhiều trường đại học ra quy định về văn hóa ăn mặc cho sinh viên như cấm mặc quần jeans, mang dép lê, váy ngắn đến giảng đường. Đặc biệt, có trường đại học cấm sinh viên ngồi trong bóng tối, dưới gốc cây, nơi vắng vẻ…

Lạ lùng... cấm sinh viên ngồi trong bóng tối - 1

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định nhằm ngăn chặn hành động xấu xí của các cặp sinh viên trong trường học (Ảnh minh họa)

Cấm sinh viên ngồi trong bóng tối

Mới đây, hàng loạt trường đại học đã ban hành quy chế về văn hóa trang phục cho sinh viên. Riêng Quy chế văn hóa của ĐH Y Hà Nội, ngoài quy định về trang phục còn có quy định cụ thể về ứng xử, giao tiếp của giảng viên và sinh viên. Trong đó, mục 2, điều 6 quy định rõ: Quan hệ nam nữ trong sáng, phù hợp với truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc, không ngồi trong các khu vực bóng tối, vắng vẻ hoặc có những hành vi không lành mạnh trong khuôn viên trường.

Quy định này gây tranh cãi trong giới sinh viên. Nhiều bạn cho rằng, đó là quy định hợp lý bởi hiện nay, tình trạng nam nữ có những hành động phản cảm trong môi trường văn hóa diễn ra quá nhiều, cần có biện pháp ngăn chặn. Nhưng cũng không ít bạn thấy không hài lòng với quy định từ “trên trời rơi xuống” này.

Bạn Bùi Thị Tuyền (sinh viên năm 3, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) chia sẻ: “Gần đây trên mạng đăng tải rất nhiều hình ảnh các cặp đôi sinh viên có nhiều hành động xấu xí ở những chỗ vắng trong trường. Có lần mình cũng được chứng kiến trực tiếp và cảm thấy rất ghê... Giảng đường là nơi để học tập, tiếp thu tri thức, văn hóa, chứ đâu phải là nơi để các bạn thể hiện tình cảm một cách thái quá như vậy. Theo mình, nhà trường ra quy định như vậy là rất cần thiết”.

Bạn Mai Đức Trọng (sinh viên năm 4, trường ĐH Giao thông Vận tải) lại có quan điểm hoàn toàn khác: “Trước giờ người Việt vẫn có quan niệm cứ ngồi trong bóng tối là làm điều sai trái, cứ một nam, một nữ ngồi với nhau nơi vắng vẻ là hẹn hò rồi có những hành động phản cảm, không đúng với thuần phong mỹ tục… Thế nếu hai người bạn khác giới muốn tìm nơi vắng vẻ để ôn bài, để tâm sự trong sáng thì sao? Chẳng lẽ họ phải chứng minh họ không phải là người yêu, không phải là quan hệ nam nữ rồi mới được ngồi trong bóng tối, nơi vắng vẻ? Hay hai người khác giới muốn nói chuyện với nhau thì phải tìm chỗ nào thật sáng, thật đông mới được ngồi?”.

Bạn Nguyễn Thị Duyên (sinh viên năm nhất, trường ĐH Thương Mại Hà Nội) cũng tỏ ý không bằng lòng trước quy định này: “Trường học trồng cây ra để làm gì rồi lại cấm sinh viên được ngồi dưới bóng cây? Quy định như vậy là thiếu tính thực tế và can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư của sinh viên”.

“Những quy định về văn hóa ăn mặc, ứng xử… đưa ra phải đạt được sự đồng thuận giữa nhà trường và sinh viên, hướng tới chuẩn chung là sự hợp lý, tự do, đúng với thuần phong mỹ tục của người Việt. Nếu không, sẽ rất dễ sáng hôm nay ban hành ra, chiều ngày mai lại thu vào” – Bạn Nguyễn Văn H. (Sinh viên trường ĐH Y) chia sẻ.

Lạ lùng... cấm sinh viên ngồi trong bóng tối - 2

Mặc dù quy định đã thực thi nhưng sinh viên của trường vẫn mặc quần jeans, đi dép lê đến trường (Ảnh minh họa)

Trường cấm quần jeans, sinh viên vẫn mặc

"Vô lý", "ngược đời" là phản ứng của hầu hết sinh viên trường Đại học Cửu Long khi nhận được quy định cấm không được mặc quần jeans đến trường.

Ngày 4/10, Phó hiệu trưởng trường Đại học Cửu Long – ông Nguyễn Cao Đạt ký quyết định ban hành văn bản quy định về thực hiện văn hóa công sở và trang phục với cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên. Trong đó, điều 4, chương I ghi rõ: Cấm mặc quần jeans, áo thun và đi dép lê đối với toàn thể cán bộ, sinh viên của trường.

Quyết định có hiệu lực từ ngày ban hành (ngày 4/10). Tuy nhiên, theo ghi nhận của báo chí, sáng 6/10, 80% sinh viên của trường vẫn mặc quần jeans đến giảng đường. 

Khi quy định của trường được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, sinh viên của các trường đại học khác cũng thấy quy định khá "kỳ quặc".

Bạn Bùi Tuấn Anh (sinh viên năm 4, khoa Trắc địa, trường ĐH Mỏ địa chất) chia sẻ: “Cấm ăn mặc hở hang, phản cảm, đi dép lê đến lớp còn có lý chứ cấm mặc quần jeans đến trường thì vô lý quá. Không mặc quần jeans thì sinh viên biết mặc quần gì? Ở nước ngoài họ còn cho phép sinh viên mặc quần đùi, áo ba lỗ, khuyến khích sinh viên mặc ngắn vào mùa hè cho đỡ tốn điện. Phải thoải mái thì sinh viên mới học tập tốt được chứ”.

Bạn Tăng Thị Hồng Vân (sinh viên năm nhất, khoa Tài chính – Ngân hàng, trường Học viện tài chính) cũng bình luận: “Nữ sinh mặc quần jeans nhìn vừa đẹp vừa kín đáo, đâu có lý do gì để các thầy cô cấm? Giả sử mình là sinh viên của trường bị cấm thì cũng không thực hiện được, bởi chẳng có tiền mà đổi từ quần jeans sang các loại quần khác”.

Trao đổi về vấn đề này, thầy Nguyễn Hùng Vĩ (giảng viên bộ môn Văn hóa dân gian của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho rằng, nhà trường có quyền ra quy định về trang phục học đường và khi đã thành quy chế thì tất cả phải tuân theo. Tuy nhiên, theo giảng viên này, "sinh viên có quyền góp ý chọn trang phục, nhà trường cũng phải tôn trọng". Kết quả phải đưa ra được quy định trang phục phù hợp với văn hóa, thẩm mỹ, kinh tế và tôn trọng đa dạng hóa trang phục.

Cũng theo thầy Vĩ, quy định về trang phục của một trường phải nhận được sự đồng thuận của sinh viên, nếu sinh viên không đồng thuận thì cũng không nên áp đặt bởi như vậy là tước quyền tự do ăn mặc của họ. "Còn xét về thẩm mỹ cá nhân, tôi cho rằng quần jeans là một thành tựu thế giới về văn hóa trang phục”, thầy Vĩ nói.

Quy định cấm mặc quần jeans, đi dép lê, ngồi trong bóng tối
Bạn nghĩ sao về những quy định này?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN