Kiệt sức vì mạng xã hội (bài 2): Hiệu ứng mặt nạ

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Dành vài tiếng đồng hồ chỉ để cuốn vào những dòng bình luận toxic (độc hại), tiêu cực hay “nằm vùng” trong các hội nhóm fans, anti-fans (người hâm mộ, người chống lại người hâm mộ) để khẳng định suy nghĩ chủ quan của bản thân… là cách sử dụng và thể hiện quan điểm trên mạng xã hội của một số người trẻ.

“Mặt nạ” ảo

Vì có nhu cầu quá cao trong việc thể hiện quan điểm của cá nhân trước những vấn đề hay nhận xét về một ai đó, Thu Hương (23 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) sử dụng 2 tài khoản Facebook. Một tài khoản dùng để tương tác với bạn bè, tài khoản còn lại chuyên để “nằm vùng” trong các hội nhóm hay bình luận dạo dưới bài viết mà các trang tin giới trẻ tung hàng chục content mỗi ngày.

Có một khoảng thời gian, Hương rất thần tượng hoa hậu và tham gia vào các hội nhóm để cập nhật tin tức về họ. Ban đầu, những hội nhóm này đơn giản chỉ là nơi để chia sẻ thông tin, nhận xét và giao lưu với những người có sở thích tương tự. Tuy nhiên, khi hoa hậu trở thành chủ đề nóng và thu hút sự chú ý của giới truyền thông, cô thấy mọi thứ bắt đầu thay đổi. “Họ chỉ trích cô này, mạt sát cô kia. Tôi cũng đã từng sử dụng nick clone của bản thân để đi tranh cãi với những bài viết tiêu cực, không đúng sự thật. Thậm chí trong quá trình tranh cãi đó, đôi khi tôi còn sử dụng đến những từ ngữ thiếu lịch sự”, cô nhớ lại.

Trong thế giới mạng có hiệu ứng mặt nạ. Ảnh: Châu Linh

Trong thế giới mạng có hiệu ứng mặt nạ. Ảnh: Châu Linh

Mạng xã hội là nơi để thể hiện bản thân nhưng cũng là nơi giấu mình bằng “mặt nạ” ảo. Khi Hương sử dụng mạng xã hội, ở nơi diễn ra những cuộc tranh luận, nick ảo được sử dụng nhiều hơn nick thật (có những ngày chỉ dùng nick ảo) vì cô bạn không muốn người quen biết về hành vi của mình. Hương không chỉ từng tranh cãi, phản bác tài khoản ẩn danh trên mạng xã hội mà còn rất nhiều lần sử dụng tài khoản ẩn danh để tham gia vào các cuộc thảo luận, tranh cãi trên thế giới ảo. Sự “hơn thua” qua từng bình luận càng được đẩy lên cao trào khi chẳng ai biết mình là ai.

Sống ảo với nick thật - sống thật với nick ảo

Nhìn từ cách thể hiện bản thân trên mạng xã hội để đánh giá ngoài đời thực chính là điều khiến Nguyễn Mai Anh (26 tuổi, ở Ba Vì, Hà Nội) sợ phải đối mặt với gia đình ở tuổi trưởng thành.

Hương ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những từ ngữ mang tính độc hại, thoá mạ, miệt thị người khác trên mạng xã hội. Muốn lên án, tẩy chay, miệt thị, cô lại dùng nick ảo cuốn bản thân vào những dòng bình luận tiêu cực đó, không thể chế ngự bản năng muốn phân thắng - thua trong mỗi cuộc tranh luận. Và cứ thế, Hương hàng ngày ngụp lặn trong cõi mạng với một tài khoản vô danh…

Mai Anh kết bạn với người thân trong gia đình, họ hàng và bạn bè ngoài đời thực trên nick thật. Cứ mỗi khi cô bạn đăng ảnh đi chơi ở đâu đó hay cập nhật công việc, họ hàng trong gia đình lại “réo tên” với vô vàn câu hỏi “đi với ai, khi nào lấy chồng, lương tháng bao nhiêu…”. Đây tưởng như là sự quan tâm, nhưng với Mai Anh, cô lại phải trả lời một cách gượng ép với vô vàn áp lực phía sau.

“Thời nay, hình ảnh trên mạng xã hội cũng là cơ sở để người lớn đánh giá mức độ thành công của con cái. Tôi cảm thấy mệt mỏi vì phải trả lời nhiều câu hỏi lặp lại của họ hàng về chuyện lương, chuyện yêu, chuyện cưới, chuyện khi nào thăng chức… bên dưới mỗi bức ảnh hay sự kiện nào chia sẻ lên mạng xã hội”, Mai Anh kể.

Do đó, cô không muốn và không thoải mái với việc bị bàn tán và đánh giá dựa trên những gì cô thể hiện trên mạng xã hội. Cô đã quyết định tạo nick ảo và thể hiện phần lớn cảm xúc, cuộc sống thực ở tài khoản này mà không cần phải đóng vai là một hình mẫu trưởng thành và hoàn hảo như tài khoản chính của mình. “Thay vào đó, tôi có thể tự do thể hiện mọi suy nghĩ, cảm xúc và quan điểm mà không lo bị đánh giá, phê phán. Hơn nữa, khi sử dụng tài khoản ảo, tôi tham gia đánh giá, nhận xét về một vấn đề được người trẻ truyền tay nhau sẽ không bị công kích cá nhân bởi cộng đồng mạng không biết mình là ai”, cô nói.

Và đôi khi, trong môi trường trực tuyến, các quan điểm, suy nghĩ của bạn bè có thể tác động mạnh mẽ đến quyết định và ý kiến của Mai Anh. Cô đã sử dụng tài khoản ảo để đánh giá vấn đề một cách độc lập, không bị ảnh hưởng bởi những quan điểm đã được hình thành từ người thân quen.

Độ sát thương của ngôn từ

Bàn luận dưới góc nhìn về ngôn ngữ học, ThS. Vũ Thị Minh Tâm (giảng viên Khoa Sư phạm- Trường Đại học Hạ Long) nhận định, mạng xã hội được sinh ra để con người kết nối với nhau mà không bị giới hạn về không gian và thời gian, nhưng nó cũng là nơi ẩn náu của những “nhân cách” khác.

Những người dùng tài khoản ảo có thể được gọi với thuật ngữ “hiệu ứng mặt nạ”, giúp họ bảo vệ bản thân mình nhưng lại là lưỡi dao gây nên vết xước trong tinh thần của nạn nhân bị bạo lực bằng ngôn từ.

“Một nghiên cứu ở Anh đã khảo sát ở 90 quốc gia và cho thấy số ca tử vong ở độ tuổi từ 15-18 tuổi vì bị công kích bằng ngôn từ là 9,1%, trong đó, Việt Nam chiếm tỷ lệ tử vong là 2,3%. Có nhìn vào những con số cụ thể, ta khẳng định về sức “sát thương” cao của ngôn từ tiêu cực. Nó có thể khiến một con người vốn bình thường trở nên trầm cảm, căng thẳng, thu mình hay thậm chí là lựa chọn hướng giải pháp tiêu cực là tự tử, “thanh toán” nhau chỉ vì một câu bình luận”, ThS Tâm nhấn mạnh.

Chuyên gia cho biết, sự lệch chuẩn trong ngôn từ có khả năng dẫn đến tiêu cực trong cách tiếp nhận thông tin, hình thành những thói quen, xu hướng xấu. Ngôn từ trên mạng xã hội không chỉ được hiểu theo nghĩa tiêu cực khi nó được diễn đạt nhằm công kích, gây mâu thuẫn về tinh thần cho những người dùng mạng xã hội. Xét trên phương diện ngôn ngữ học, ngôn từ tiêu cực trên mạng xã hội có khả năng đưa đến những tác động tiêu cực về khả năng tiếp nhận và sử dụng ngược lại ngôn từ của giới trẻ.

Hơn nữa, dù ở bất kỳ loại hình truyền thông nào, ngôn từ cũng là “người giao hàng” đắc lực nhất. Món hàng mà ngôn từ mang đến cho công chúng chính là thông tin, thông điệp, bài học... nhằm định hướng nhận thức và hành vi của con người. “Phía trên bàn phím, phía sau màn hình máy tính là một con người thực, nhưng ẩn sau những ngôn từ họ bình luận là những vẻ mặt không thể đoán định được. Ngôn từ tiếng Việt, chúng ta vẫn biết về tính chất đa nghĩa và mơ hồ của chúng. Đôi khi, cũng là một từ, một câu nhưng đặt trong một ngữ cảnh không phù hợp, trong một tâm thế tiếp nhận chưa vững vàng cũng có thể tác động khiến cho suy nghĩ của người tiếp nhận những ngôn từ ấy chuyển biến theo hướng tiêu cực và ngược lại”, ThS Tâm nói.

Đối với các bạn trẻ Gen Z, chuyên gia cho rằng, không phải ai cũng có tư duy giống nhau về việc sử dụng ngôn từ và đặt lăng kính của bản thân mình vào người khác để cảm nhận trước khi đưa ra những ngôn từ suy xét. Vì vậy, cần có trách nhiệm với chính những phát ngôn mà mình đưa ra, có nhận thức đúng đắn về vấn đề, không a dua và chạy theo xu hướng, hội chứng đám đông. Khi đó, mới có thể tự bảo vệ lấy mình và “ôm” lấy những bộ mặt tinh thần đang tổn thương trong cộng đồng ấy.

Nguồn: [Link nguồn]

Kiệt sức vì mạng xã hội (bài 1): 'Lướt' gần 7 tiếng mỗi ngày

Mạng xã hội đang có những ảnh hưởng tiêu cực ngày càng gia tăng đối với tâm lý người dùng, đặc biệt là người trẻ, như bị lệ thuộc vào hình mẫu hoàn hảo, trầm cảm,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo CHÂU LINH ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN