Khinh thường lính cũ, "lãnh đủ" mọi đường
Những nhân viên đi du học ở "bển" về thường coi thường sếp và các anh chị đồng nghiệp
Bằng cấp xịn và thói quen “tỏ vẻ nguy hiểm”
Thời buổi du học là chuyện khá dễ dàng, chẳng mấy khó khăn để nhận thấy, nhiều công ty tuyển Newbie (nhân viên mới) là người “ở bển về”. Đi du học về, có đầu óc hiện đại, tiếp thu những cái tân tiến,… nếu các Newbie tự hào vì thành tích ấy và khiên tốn đầu tư công sức vào công việc thì chẳng có gì để nói. Đằng này, có không ít những Newbie luôn lẩm nhẩm (và mặc định): “Chị ta (sếp) đầu óc hẹp tí thì làm quái gì tôi phải nghe theo”, “Già rồi mà làm trong công ty toàn người trẻ đúng là cản đường thiên hạ”.
Q.Vy (27 tuổi, NVVP) kể lại trong nỗi tức giận: “Công ty tôi vừa nhận một cô nàng du học ở Mỹ về làm. Phải thừa nhận là cô ta có năng lực, lại cũng có chút nhan sắc. Nhưng cái tính của cô này khoe khoang và nâng giá khống. Tôi nói câu nào, cô ta cãi lại câu ấy kèm thêm dẫn chứng “bên Mỹ nó thế này thế kia”. Chưa hết, dù nhỏ hơn tôi 3 tuổi nhưng lần nào gặp mặt, cô ta cũng dành cho tôi một cái cười “đểu”. Thú thật, thể loại Newbie giỏi hay không chưa biết nhưng đã tỏ vẻ nguy hiểm thế này thì tôi cũng khá ái ngại”.
Rõ ràng, khái niệm sếp/ trưởng bối với những nhân viên cao cấp có vẻ khá mờ nhạt. Họ luôn nghĩ rằng, thứ công ty cần chỉ đơn thuần là năng lực và kiến thức, còn tính cách mỗi người đều riêng biệt nên muốn làm gì thì làm. Điều đó cũng có nghĩa là, trong mắt của những Newbie tân tiến này, những người khác cũng sẽ bị (được) đánh giá bằng năng lực, chẳng bao giờ có khái niệm “anh lớn tuổi hơn thì tôi phải tôn trọng”. Ngoài ra, Newbie từ trời Tây về còn bị một bệnh khá phổ biến: Bệnh than “Sao bên này chẳng giống gì ở bển?”. Các lính mới kiểu này thường rất “máu” trong việc muốn thay đổi cách thức làm việc cho hiện đại, muốn chuyên nghiệp hóa công sở. Nhưng họ lại quên rằng, họ vẫn chưa là sếp và cũng chưa có chỗ đứng thật vững. Và dù muốn tung hoành thì cũng còn một núi tảng là những cây đa để ở trước mặt. Tránh núi chẳng xấu mặt nào, nhưng Newbie thường có sở thích leo núi. Và leo mạnh bạo để làm núi sạt càng nhanh càng tốt.
“Người lớn” không hiền
Sau màn hả hê lên lớp sếp và các anh chị, những lính mới chắc sẽ thích lắm vì đã chứng tỏ được bản lĩnh du học của mình. Tuy nhiên, chẳng có người nào đủ hiền để cho cấp dưới thoải mái coi mình không ra gì mà lại giả Bụt ngồi nghe cả. Những kịch bản thê lương từ Sự Trả Thù của Sếp đã được nhiều Newbie nếm trải.
Các lính mới rất muốn thay đổi cách thức làm việc thật hiện đại (Ảnh minh họa)
“Lúc đầu về công ty, tôi rất hay cãi lại sếp. Chị này làm việc theo kiểu âm lịch hay sao mà cứ rề rà, lề mề phát chán. Tôi thẳng thắn nhận xét như thế và chị ấy im lặng nghe nên tôi khoái lắm. Nhưng niềm vui chưa bao lâu, tôi phát hiện mình đang bị trả thù. Bao nhiêu việc khủng hay khó nhằn đều được “giao cho nhân lực mới” (là tôi) làm hết. Không phải là tôi không làm được, nhưng mỗi project mà chị giao đều có deadline cực ngắn mà tôi thì phải làm một mình. Tất nhiên là không thể để chị ta xem thường dân du học nên tôi ra sức cày. Càng làm càng đuối vì bị deadline dí quá nhiều. Mỗi lần chị ta thấy mắt tôi thâm quầng, nhan sắc tàn tại thì mặt đắc ý thấy rõ. Phải chi lúc đầu tôi “góp ý” với bà chị già này nhẹ nhàng hơn một tí chắc giờ tình hình đã khác” (Phương Mai, NVPR).
Không như Mai, Hoàng Anh (25t, NV Nhân sự) lại gặp phải cảnh bị phản bát hội đồng: “Tôi được giao nhiệm vụ quản lý một team trong đó có mấy chị hơn tuổi. Phong cách làm việc của mấy chị quá cũ và đôi lần tôi đã la mắng khá dữ dội. Thấy mấy chị im im nên tôi thích lắm, xem ra tôi cũng có quyền. Nào ngờ, vào một lần họp quan trọng có sự tham gia của các sếp bự, mấy chị đã cho tôi một vố rõ đau. Tôi nói gì các chị cũng cãi lại, đồng thời trưng ra “bộ sưu tập” dẫn chứng rằng ở Việt Nam thế này, còn những thứ tôi nói là ở các nước khác và không áp dụng được. Một miệng tôi sao cãi lại 5 miệng khác. Cuối cùng tôi cũng đuối lý và thừa nhận mình còn thiếu sót. Sếp lớn thì chẳng nói gì, nhưng tôi tự biết mình đã bị chơi một vố nghiêm trọng”.
Dành cho các Newbie:
Bạn nên cẩn thận, cho dù bạn đang có trong tay bằng cấp xịn đến đâu, khi sếp và các tiền bối ra tay thì cũng khó đỡ lại được:
- Cho làm những việc cực khó, cực nhiều, và deadline đã kề cổ, có nhảy cũng chết.
- “Ưu ái” dành cho bạn những yêu cầu rất cao. Làm không được sẽ bị mắng nhiếc thậm tệ và hạ gục bằng câu “Du học mà sao còn tệ hơn trong nước”.
- Lập hội tẩy chay newbie du học.
- Moi móc điểm yếu của bạn để giao việc ngay thế bất lợi.
- Giả bộ lắng nghe những góp ý của bạn. Nhưng luôn chờ sơ hở để sạc bạn vì những việc không đâu. Kết câu bằng “Tôi đã nói xong anh/ chị có thể đi ra”.
Sếp hoặc những người tiền bối sẽ chẳng bao giờ bật lại bạn ngay. Vì có thể, họ thật sự thua bạn về năng lực hoặc vài kĩ năng khác. Nhưng còn người mà, bị chê bai thì mấy ai đủ kiên nhẫn ngồi mà niệm “bớt giận, bình tĩnh, bớt giận, bình tĩnh”. Bạn tự hào về kiến thức và năng lực có được khi du học. Và đó chính là vũ khí của sếp: Dùng chính những cái bạn tự hào để đánh gục bạn.
Tip cho thế hệ mới
Sống tốt với sếp “cổ điển”
Hợp cạ với hội “tre già”
- Trao đổi dựa trên tình hình thực tế ở công ty với sếp.
- Tôn trọng quyết định của sếp và không đặt cái Tôi cá nhân lên hàng đầu.
- Nhẹ nhàng cung cấp kiến thức “cho sếp bằng cách “em thấy…”, “em nghĩ… sẽ hay hơn”.
- Cứ chiều theo sếp một lần và chứng minh lần “chiều ý” đó dẫn đến kết quả tồi tệ. Sếp sẽ tự rút lui.
- Không tỏ ra biết tuốt và là người có nguy cơ soán ngôi của sếp, các tiền bối khác.
- Biết và luôn hiểu rõ mình vẫn đang là nhân viên dưới quyền sếp và lính mới so với những người khác.
- Lâu lâu nên khen sếp vài câu.
- Luôn thể hiện phong cách làm việc chuyên nghiệp. Hòa nhã nhưng có thép trong ánh mắt và lời nói.
- Đừng đề cập quá nhiều về kiến thức được học ở nước ngoài với các trưởng bối đồng nghiệp.
- Đừng làm người khác xấu hổ trước mặt mọi người vì bạn muốn chứng tỏ kiến thức của mình.
- Luôn suy nghĩ: Không phải sếp nào cũng ở dạng sống lâu nên lão làng.
- Nếu muốn góp ý, hãy sử dụng email hoặc tin nhắn cho kín đáo. Tránh phanh phui lộ thiên.
- Vẫn giữ thái độ xã giao cơ bản khi gặp mặt.
- Điều chỉnh thói quen của mình cho phù hợp với môi trường mới.
- Nhập gia tùy tục và tìm hiểu văn hóa công ty.
- Đôi khi cần phải tôn trọng quyền quyết định của số đông.
- Bỏ định kiến “người già” thì làm việc không hiệu quả, tư duy kém.
- Giả bộ hỏi han để cho “tre già” thấy mình còn có giá trị.