Giọt nước mắt ngóng về Hoàng Sa

Cơn bão Chanchu tàn khốc năm 2006 khiến 22 người đàn ông ở xóm nhỏ ngót trăm nóc nhà ở thôn Tân An (xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) mãi mãi không về.

Gần 10 năm trôi qua, những người vợ tội nghiệp này lại tiếp tục tiễn những đứa con của mình ra biển theo hướng đi của cha chúng ngày xưa…

Nỗi đau làm vơi nước Biển Đông

Mỗi năm đến ngày 20 tháng Tư (âm lịch), ngày giỗ chung của 22 dân chài xóm Tân An, một bát nước biển sẽ được múc lên đặt trên bàn thờ để hy vọng, linh hồn bơ vơ của người xấu số sẽ theo những giọt nước kia để được về với quê hương, về với gia đình. Sau 8 lần múc nước biển cho mẹ thắp hương cha, những đứa trẻ mồ côi từ đợt bão Chanchu năm ấy giờ đã lớn và tiếp tục lên thuyền ra khơi...

Đang mùa đi biển rộ và cũng đang là mùa bão lớn, nhìn áng chiều vàng rực rỡ như màu mỡ gà cùng cơn gió se se báo hiệu một cơn bão lớn, cụ Trịnh Thị Thi, 80 tuổi lập cập chống gậy sang nhà chị Nguyễn Thị Xin. Thắp hương xong, hai người đàn bà cầm tay nhau ngồi câm lặng. Tám năm trước họ cũng đã nhiều đêm cầm tay nhau trong câm lặng như thế, đó là ngày anh Nguyễn Hoành (chồng chị Xin) và anh Võ Tấn Dũng (con cả cụ Thi) là hai người bạn thân cùng trên một con tàu đánh cá ngoài Hoàng Sa gặp nạn. Giờ đây, khi biển chuẩn bị nổi cơn cuồng nộ thì ngoài khơi xa, 3 cậu con trai của chị Xin và đứa cháu đích tôn của cụ Thi vẫn đang mải miết với những mẻ cá. Còn trên bờ, 2 người đàn bà ấy chỉ biết nắm tay nhau mà cầu trời, khấn Phật

Năm 2006, cậu con cả Nguyễn Văn Tân của chị Xin năm đó mới 14 tuổi, là thợ học việc trên con tàu cha đang làm mướn. Vì một cơn bệnh bất ngờ nên cậu không theo cha ra biển vào cái ngày định mệnh ấy và thoát nạn. Sau tang cha, chị Xin khóc hết nước mắt với con: “Má lạy con. Má không thể chịu được thêm một nỗi đau nữa đâu. Con phải thề với má là không được ra biển, ở trong bờ kiếm việc, má con mình rau cháo nuôi nhau”.

Tân lớn lên, đi học nghề lái xe nhưng sau hơn năm làm việc, bản tính thật thà, bộc trực của anh dân chài làng biển không hợp nổi với công việc tài xế vốn cần chút ranh mãnh, khôn ngoan. Vậy là cậu lại về quê “Con lạy má! Má cho con bỏ lời thề để đi biển lấy tiền nuôi má, nuôi năm em thơ dại” và cậu lại ra biển. Cứ thế, hai cậu em Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Minh lại theo con đường của anh để bà Xin lại với nỗi cồn cào xé lòng mỗi khi biển động.

Giọt nước mắt ngóng về Hoàng Sa - 1

Chị Nguyễn Thị Sương cùng các con nhỏ dại đang có hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi chồng mất ngoài biển.

Bà Võ Thị Phê- Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tân An thở dài: “Chúng tôi cũng tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân để con mình trưởng thành rồi mới cho đi biển. Bởi ở độ tuổi trưởng thành, các cháu mới có đủ sức khỏe, kinh nghiệm để đương đầu với sóng gió. Để lũ nhỏ ra biển dễ gặp nạn lắm nhưng nhà họ nghèo quá, biết làm sao? Không ra biển thì lấy chi mà ăn, mà sống”.

Ước mơ giữ con lại trên bờ

Bà Cao Thị Lâu, người đàn bà được coi là có đời sống kinh tế vất vả nhất trong số 22 góa phụ thôn Tân An hình như trông lại có phần tươi tỉnh và thanh thản hơn cả. Khi ông chồng là ông Cao Tấn Lách ra đi trong cơn bão Chanchu, bà Lâu phải nuôi 6 đứa con thơ dại. Dù vẫn phải nuôi con ở cái tuổi mà các cậu trai làng chài khác đã lấy vợ có con nhưng đó là niềm vui, sự hãnh diện của bà Lâu. Cậu con trai lớn Nguyễn Văn Minh giờ đang học năm thứ hai Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh. Ngày cha mất, Minh mới 12 tuổi, sau vài năm, tay đã chắc, vai đã hơi rộng, mép lún phún râu, Minh đã tính nghỉ học để đi biển đỡ đần mẹ nuôi em.

Minh kể: “Nhìn má thức cả đêm làm bánh bèo để sáng ra hì hụi chèo thuyền nhỏ mang ra các tàu lớn bán, em thương má quá. Em giấu má lên chỗ người ta xin việc. Sáng sớm hôm sau, em lén ra khỏi nhà thì má đã nằm sẵn ngang cổng, tay cầm con dao cắt bánh bảo: “Đâm chết má rồi bước qua xác má mà đi. Má thề với vong linh ba là không cho con đi biển rồi. Con đừng để vong linh ba giờ đang bơ vơ ngoài biển lại phải thêm một lần tủi hờn”. Nghe nói vậy, em chỉ biết ôm má khóc”.

Lại có thêm người ở cái làng này mất mạng ngoài biển. Anh Nguyễn Văn Thơ làm nghề lặn biển, anh tai nạn và mất ngày 23/8/2013 để lại vợ và 4 con nhỏ. Cô con gái út tên Ni Ni ra đời sau khi cha mất 1 tuần (ngày 30.8), cô con gái nhỏ xíu, quặt quẹo cứ ôm dính lấy chị Võ Thị Y Va- Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa An khi chúng tôi đến thăm. Chị Y Va bế cháu nhỏ xuống bếp, chị Nguyễn Thị Sương, mẹ cháu giải thích: “Chị Y Va cũng đang nuôi con nhỏ. Tôi thì lại mất sữa, chắc do khóc anh ấy nhiều quá, cũng không có tiền mua sữa ngoài cho cháu bú. Vì thế chị ấy phải cho cháu bú nhờ. Tôi cũng đang chờ cháu Hiền, con gái lớn đi học về để bế em đi quanh xóm bú nhờ người ta chớ tôi bệnh quá, đâu có bế con đi được”.

Mỗi năm đi biển mươi chuyến, được khoảng hơn 40 triệu đồng để nuôi vợ con, giờ anh Thơ ra đi, số tiền ấy cũng không còn. Cái câu “nhà không nóc” trong hoàn cảnh này mới thật bi thảm, nó úp chụp xuống hình hài xanh xao của cả năm mẹ con. Chị Y Va lén lau giọt nước mắt: “Anh xem, mỗi người có đến 5 – 6 đứa con lít nhít. Chỉ lo cho chúng thôi đã cực lắm rồi. Thời gian đâu mà làm thêm. Chị em phụ nữ miền biển, bỏ học sớm, không bằng cấp, không nghề nghiệp, lấy chồng sớm. Một khi chồng mất thì còn biết làm gì để nuôi con nữa”. Nhìn cậu bé Nguyễn Văn Lâm, con anh Nguyễn Văn Thơ, chúng tôi mong sớm có các trung tâm cứu hộ để ngư dân ra biển an toàn hơn. Để những người mẹ không còn phải quyết liệt giữ con trên bờ hoặc ngóng con về với nỗi lo lắng cồn cào.

Khát vọng chủ quyền trong những đôi mắt mỏi mòn

Trong cơn bão Chanchu, Việt Nam có 14 tàu chìm và 4 tàu khác mất tích, làm chết tổng số 322 ngư dân. Bão Chanchu cũng làm chết 41 người tại Philipines, 25 người tại Trung Quốc. Ngoài công tác dự báo kém, việc không có các trung tâm cứu hộ trên biển tại Hoàng Sa là nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại lớn và đầy bi thảm cho các ngư dân Việt Nam.

Về Nghĩa An với nỗi đau vẫn đang bị nén chặt, chưa bao giờ tôi lại thấy khát vọng về chủ quyền lại rõ ràng, đơn giản và cụ thể đến thế. Nó không đến bằng những lời nói hùng hồn, nó không đến trên bàn nghị sự trang trọng, nó không đến trong những phân tích đầy tính hàn lâm... Nó đến qua những lời nói thô vụng của những người vợ, người mẹ hàng ngày mỏi mòn chờ chồng, chờ con. Họ đều bảo: “Giá như chúng ta có được vài trung tâm cứu hộ, cứu nạn trên biển tại Hoàng Sa thì những nỗi đau sẽ không khủng khiếp đến thế”.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Chàng trai Việt bơi từ biển Trường Sa tới Philippines

Chuyện người vợ thiên thần thời hiện đại

Nỗi đau người vợ bị chồng truyền HIV

Số phận người vợ xinh đẹp

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nam Hải (Dân Việt)
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN