Cuộc sống của người vợ ôm chồng liệt đi trốn, chăm sóc như con mọn giữa mùa dịch COVID-19

Dù còn nhiều khó khăn nhưng chị Trang từ chối nhận những món đồ ủng hộ, vợ chồng chị nhường lại cho những người có cuộc sống khó khăn hơn mình trong mùa dịch.

Mỗi khi đi làm chị Trang phải để chồng ở nhà nên rất lo lắng.

Mỗi khi đi làm chị Trang phải để chồng ở nhà nên rất lo lắng.

Vài tháng trước, câu chuyện về người vợ cõng chồng bị liệt “đi trốn” suốt 10 năm trời khiến nhiều người cảm động. Người vợ là chị Nguyễn Thị Thu Trang (SN 1981, quê Phú Thọ) cùng người chồng là anh Nguyễn Đăng Trung (quê Yên Bái), hiện đang sống ở Hoàng Mai, Hà Nội.

Trong khi người người, nhà nhà quay cuồng vì dịch bệnh COVID-19 thì cuộc sống của vợ chồng chị vẫn chẳng có gì thay đổi. Có chăng chỉ là thêm chiếc khẩu trang khi di chuyển ra đường.

“Cuộc sống tôi vẫn vậy, ngày đi làm nửa ca còn chồng ở nhà một mình. Trước khi đi làm, tôi cho chồng ăn uống đầy đủ rồi tối về mới vệ sinh, cho anh ấy ăn uống”, chị Trang nói.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nhất là thời điểm cả nước cách ly toàn xã hội, cả xóm trọ nơi chị Trang ở người về quê, người trả phòng trọ… Vì thế nhiều lúc khó khăn hoặc những lúc đi làm không có ai ở cạnh, chị Trang rất lo lắng cho chồng.

“Trước có đông người qua lại, tôi mở cửa phòng để mọi người thỉnh thoảng chạy qua nhà lấy cho chồng cốc nước hay xem có gì bất trắc xảy ra. Giờ mọi người về hết, đi làm tôi phải khóa chặt cửa vì ở đây an ninh không tốt lắm, sợ kẻ gian đột nhập vào nhà trộm đồ.

Phải khóa chồng trong nhà tôi cũng lo lắm nhưng mình phải đi làm kiếm tiền duy trì cuộc sống nên chẳng còn cách nào khác”, chị Trang chia sẻ.

Cứ mỗi buổi chiều hàng ngày chị Trang lại đạp xe hơn 6km đi làm tại công ty bao bì, dù tiền công không cao nhưng đó là nguồn thu chính để nuôi sống hai vợ chồng trong thời điểm dịch bệnh này. “Đi làm tôi phòng bị cẩn thận lắm, đến nơi làm việc cũng không dám nói chuyện với ai. Nhỡ nhiễm COVID-19 về lây cho chồng thì nguy hiểm lắm, vốn anh ấy đã yếu rồi”, chị Trang lo lắng.

Cuộc sống của 2 vợ chồng trong mùa dịch vẫn không có gì thay đổi.

Cuộc sống của 2 vợ chồng trong mùa dịch vẫn không có gì thay đổi.

Điều đặc biệt trong những ngày gần đây, rất nhiều người biết hoàn cảnh 2 vợ chồng khó khăn nên đã gọi điện để ủng hộ đồ ăn gồm gạo, mỳ tôm, dầu ăn…Tuy nhiên, chị đã từ chối khéo vì theo chị, ngoài xã hội vẫn còn nhiều người khó khăn hơn mình.

“Đợt Tết, vợ chồng tôi có nhận được sự ủng hộ của mọi người, mỳ tôm và gạo vẫn còn đủ dùng. Hơn nữa, hàng ngày tôi vẫn đi làm thuê ở công ty nên vẫn có thu nhập, trong khi rất nhiều người không có việc làm, thời điểm này họ khó khăn hơn chúng tôi. Vì thế tôi nhường lại những suất mọi người định ủng hộ vợ chồng tôi cho người khác”, chị Trang tâm sự.

Mong muốn lớn nhất của chị Trang giờ đây là mong dịch bệnh COVID-19 sớm qua đi, để xóm trọ nơi chị ở lại đông vui, mọi người cùng nhau chia sẻ những chuyện vui buồn.

Như bao người khác, chị Trang mong dịch bệnh sớm qua đi để mọi thứ trở lại bình thường.

Như bao người khác, chị Trang mong dịch bệnh sớm qua đi để mọi thứ trở lại bình thường.

Theo chia sẻ của chị Trang, cách đây 10 năm trước, chồng chị bất ngờ gặp tai nạn giao thông, sau đó, dù đã chữa trị nhiều nơi nhưng vẫn không thể hồi phục được như bình thường. Sợ chồng bị liệt sẽ là gánh nặng cho người khác nên chị Trang đã "cõng" chồng rời nhà xuống Hà Nội vừa kiếm tiền, vừa chăm chồng suốt 10 năm qua chưa một lần về nhà.

10 năm chăm chồng liệt, đã có những lúc chị Trang cùng cực nghĩ đến việc tự giải thoát cho hai vợ chồng, nhưng lương tâm chị lại không nỡ làm việc đó. “Tôi sẵn sàng tự giải thoát cho mình được, nhưng không nỡ làm việc đó với chồng. Cũng có người nói tôi bỏ đi lấy chồng mới, nhưng tôi sao bỏ anh ấy được. Một ngày nên duyên vợ chồng thì sướng khổ phải có nhau”, chị Trang ngậm ngùi tâm sự. Nói về tương lai phía trước, chị Trang nói rằng: “Tương lai tôi gắn với cuộc đời anh ấy rồi”.

Nguồn: [Link nguồn]

Cận cảnh cuộc sống mới của cậu bé “cô độc trong rừng” ở Tuyên Quang

Nhờ sự lan tỏa của cộng đồng, giờ đây, cuộc sống của cậu bé “sống cô độc trong rừng” Đặng Văn Khuyên (Trường...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Phương (thoidaiplus.giadinh.net.vn) ([Tên nguồn])
Phụ nữ và gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN