Công sở cũng chọn người xông đất

Chị Thu Hồng (nhân viên một Công ty thiết kế, khảo sát ở Cầu Giấy, Hà Nội) từng ngay ngáy lo cả năm vì được sếp ưu ái chọn làm người “xông đất” công ty vào Tết năm 2013.

“May là năm vừa rồi công ty làm ăn cũng suôn sẻ, không đến nỗi nào. Không thì mình áy náy lắm!” – chị Hồng cho biết.

Chọn đỏ mắt không được người đủ tiêu chuẩn

Chị Hồng chia sẻ, công ty chị có lệ cứ ngày đầu tiên cả công ty đi làm thì sẽ… không ai làm việc cả, chỉ đến cơ quan để sếp mừng tuổi, mọi người chúc tụng lẫn nhau rồi sau đó đóng cửa công ty, tất cả mọi người cùng “đi chùa” cầu may. Do giám đốc công ty là người đặc biệt cẩn thận về tâm linh, nên người được chọn để mở cửa công sở cũng phải là người hợp tuổi với sếp, đồng thời là người gia đình êm ấm, trọn vẹn. Các yếu tố về sức khỏe, tính tình… đều phải “đạt chuẩn”. Chính vì thế năm nào đến dịp cuối năm, cán bộ phụ trách nhân sự ở công ty lại phải đau đầu tính tính toán toán xem năm nay ai sẽ là người đạt tiêu chuẩn xông đất.

“Về phía người được “tuyển chọn”, cũng lại mang tâm trạng lo lắng cả năm vì sợ công việc làm ăn không thuận buồm xuôi gió, các đồng nghiệp sẽ nhiều người đổ cho người xông đất "nặng vía” – chị Hồng tâm sự.

Một trường hợp éo le khác là ở một cơ quan báo chí ở Hà Nội, nhân viên được phen khốn đốn vì suýt nữa không được chọn mà thành người xông đất cơ quan. Theo lời kể của chị Minh Hòa, phóng viên một tờ báo mạng, vì đặc điểm công việc phải cập nhật tin tức người dân đi đón giao thừa ở khu vực nội thành Hà Nội, chị có ý định đến cơ quan sau đêm giao thừa để gửi tin bài. Nhưng sáng 30 Tết, khi liên hệ trước với bảo vệ cơ quan để đêm hôm đó đến công sở làm việc, chị Hòa mới té ngửa khi biết sếp đã chọn người xông đất tòa soạn rồi, trừ người đó ra thì tuyệt đối không ai được vào tòa soạn.

Công sở cũng chọn người xông đất - 1

Không nên quá lệ thuộc vào những chuyện như thế làm mất đi cái hay của ngẫu nhiên, tự nhiên... (Ảnh minh họa)

“Hôm đó tôi phải mất cả trăm nghìn để vào một quán cà phê ngay gần Bờ Hồ để online gửi bài. Xót tiền nhưng cũng đành chịu chứ biết làm thế nào?” – chị Hòa nhớ lại.

Một nét văn hóa bị… hiểu sai

Xông đất đầu năm là một nét văn hóa lâu đời của nhiều nước Châu Á. Người xông đất là người đầu tiên đến thăm nhà vào dịp năm mới, được quan niệm là sẽ mang lộc đến cho gia chủ trong suốt năm. Chính vì thế, nhiều gia đình rất cẩn thận khi lựa chọn người xông đất. Người đó phải là người hợp tuổi, hợp mệnh với chủ nhà, tính tình xởi lởi, vui vẻ, nhanh nhẹn… Tuy nhiên, có một số gia đình lại quan niệm rằng ai xông nhà là chuyện ngẫu nhiên, không nên sắp xếp trước, vì nếu “bố trí” trước thì sẽ “mất thiêng”.

Theo GS. Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, chọn tuổi xông đất đầu năm là một phong tục tốt đẹp của dân tộc ta. "Tâm lý của tất cả mọi người dịp năm mới là muốn một người đàng hoàng, ăn mặc, ăn nói đều chỉn chu xông đất nhà mình đầu năm. Vì người xưa vẫn thường nghĩ đầu xuôi, thì đuôi lọt, mọi chuyện kiêng kỵ trong ngày Tết đều nhằm mục đích đó" - ông Ngô Đức Thịnh lý giải.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, nếu sắp đặt, bố trí người xông đất quá cẩn thận thì lại làm mất cái hay của phong tục truyền thống. "Nếu tin là có số phận thì cũng nên tin rằng điều tốt - điều xấu luôn song hành. Nếu số phận của gia chủ năm mới là gặp nhiều may mắn, thì số phận cũng có thể run rủi cho một người như ý mình đến xông nhà đầu năm. Không nên quá lệ thuộc vào những chuyện như thế làm mất đi cái hay của ngẫu nhiên, tự nhiên... Các cụ ta vẫn nói 'Người tính không bằng trời tính' là như thế" - GS. Ngô Đức Thịnh nói.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Chị em công sở "trộm" giờ công đi làm đẹp

Công sở nên là con nai hay con cáo?

Khiếp đảm "thánh soi" chốn công sở

Dân công sở thích "buôn chuyện" hơn công việc

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Phương (Đời sống & pháp luật)
Ăn mặc và giao tiếp chốn công sở Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN