Cô bé mồ côi chủ vườn rau di sản

Làng Trà Quế (Hội An, Quảng Nam) - làng rau di sản hơn 300 năm tuổi, những chủ nhân đều già cả, duy nhất có cô bé 16 tuổi mồ côi cha mẹ sở hữu hơn 2 sào rau.

Không còn ai thân thuộc, cô bé phải bỏ học, hằng ngày chăm sóc, bán rau nuôi đứa em gái côi cút đang học mẫu giáo…

Cô bé mồ côi chủ vườn rau di sản - 1

Ngô Thị Phượng bên những cây hành để giống cho năm sau. Ảnh: Nguyễn Trang

Chuyện đời buồn của cô chủ nhỏ

Hai sào rau truyền từ đời ông bà đến cha mẹ, rồi đến cô bé 16 tuổi Ngô Thị Phượng (thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP Hội An, Quảng Nam). Cha mẹ mất sớm, gia sản chỉ có chừng ấy, em trở thành người thừa kế duy nhất vườn rau. Câu chuyện của cô chủ nhỏ đẫm đầy nước mắt.

Khoảng tháng 7 năm ngoái, tôi đến thăm em. Khi ấy ông nội - người thân duy nhất của em trên cõi đời vẫn còn. Đôi chân bị cụt, ông nằm liệt trên giường và gần như chỉ nhìn thế giới qua cửa sổ của ngôi nhà nhỏ. Phượng hằng ngày vừa chăm sóc ông nội, vừa xách nước tưới rau. Ít ra vẫn có niềm vui. Nhưng giờ đây khi tôi quay lại, thấy căn nhà vắng lặng đến tê người.

Phượng nghẹn ngào: “Ông em vừa mới mất hồi tháng 1/2015, em cũng đã nghỉ học luôn rồi ạ! Ông hứa với em sẽ sống đến trăm tuổi rồi khỏi bệnh để cùng em đi tưới rau, thế mà…”.

Lặng nhìn bàn thờ, Phượng lần lượt thắp nhang lên 3 bát hương, của cha, mẹ và của ông. Cha Phượng, ông Ngô Hưng mất vì bệnh ung thư thực quản hồi giữa năm 2014. Tiếp đến người mẹ Nguyễn Thị Phải cũng qua đời vì ung thư phổi. Những cái tang nối tiếp nhau, nỗi đau chồng chất đè lên đôi bờ vai nhỏ.

Lặn lội mưu sinh

Sớm gánh trên vai những vất vả sớm hôm, khiến cô bé nhỏ nhắn, làn da đen sạm vì nắng gió. Ngày 3/2 mới đây, Phượng đã đến trường rút học bạ về nhà. Đáng ra, năm nay Phượng lên lớp 10.

“Rất nhiều người khuyên em tiếp tục học, nhưng ông em đã mất, giờ chỉ còn mình em và đứa em gái học mầm non, bé Ngô Thị Phượng Tiên, em phải đi làm nuôi em”, Phượng nói

Một ngày của Phượng bắt đầu từ 4 giờ sáng. Mặt trời còn chưa lên, Phượng đã gánh nước tưới rau, cắt rau chuẩn bị bán. 6 giờ sáng, lại tất bật lo cơm nước cho em và đưa em đến trường. Thời gian còn lại Phượng làm luống, lấp đất đầy thêm những vạt rau. 

Sau khi thu hoạch, Phượng thường nhờ những cô chú cùng làng Trà Quế đi bỏ mối giúp, hoặc có lúc nhờ người chị họ hàng đi bán ở chợ. “Dạo này bán chẳng được, cả bó rau bán có 2.000 đồng, nhiều lúc cho không người ta luôn. Ngày thu chẳng tới 100 nghìn đồng, chia làm 2 ngày lo đủ bữa cơm cho em gái”- Phượng nói.

Nhắc đến Tết, Phượng lại bần thần: “Mấy năm trước còn cha mẹ và ông nội, cứ 29 Tết cả nhà thức từ 12 giờ khuya đến 12 giờ trưa hôm sau để cắt rau đem bán ở chợ Hội An. Có khi bán hết sớm còn lấy thêm rau ở vườn khác đi bán nữa. Khi đó, cả một vườn rau Trà Quế nhà nào cũng thắp điện cả đêm để cắt rau đi bán. Những đứa trẻ con phụ giúp mẹ làm vườn, vui lắm”.

Những năm ấy, có khi mỗi đêm bán được gần 1 triệu đồng. Còn từ năm nay, Phượng tính tiền giỗ, cúng cũng hết cả triệu bạc, mà chưa xoay xở đâu ra. Phượng tính qua Tết này em xin đi làm thêm ban đêm cho nhà hàng, còn ban ngày làm rau. 

Tết này, Phượng không có mẹ, không có cha, cả ông nội. Nhưng cô bé ấy vẫn chuẩn bị rau để ngồi bán ở chợ Hội An như bao người. Vẫn chăm cho những cây cải ra bông, cây hành để chuẩn bị giống cho năm sau.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Trang (Tiền phong)
Thiếu nữ và cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN