Người lưu giữ hồn quê Việt Nam
Lê Mỹ Dặm (quê ở Quảng Ngãi) đang được nhiều người biết đến với những sản phẩm, mô hình cây, tiểu cảnh đặc trưng của làng quê Việt Nam. Mỗi tác phẩm thủ công của anh đều chứa đựng sự sáng tạo, sự tỉ mỉ và cả tình yêu quê hương sâu nặng.
Mỹ Dặm luôn dành sự chăm chút, tỉ mỉ cho từng sản phẩm của mình.
Bắt đầu mày mò từ năm 2017, sản phẩm thủ công của Mỹ Dặm đa dạng từ những cây nhỏ dùng trong mô hình kiến trúc đến những cây tả thực dùng để làm thành các tiểu cảnh trang trí. Mỗi tác phẩm đều được anh sáng tạo ra bằng niềm cảm hứng từ thiên nhiên xung quanh và bằng bàn tay, tâm hồn của người nghệ sĩ.
Trong thời gian giãn cách xã hội, anh đã chia sẻ trên Facebook những hình ảnh về các sản phẩm của mình cũng như tận tình hướng dẫn mọi người cách làm.
Chia sẻ về nguồn cảm hứng của mình, Mỹ Dặm bộc bạch: “Là người con xa quê và hay hoài niệm, những hình ảnh thiên nhiên quen thuộc đều gợi lên trong lòng mình niềm xúc động. Mỗi lần bí ý tưởng, mình đến chỗ hồ câu cá quen thuộc để quan sát, tìm kiếm. Mỗi thứ xung quanh, từ bẹ chuối đến rễ tranh đều cho mình những ý tưởng. Và mọi thứ cứ thế trơn tru chảy trong đầu mình”.
Rất nhiều sản phẩm đã được ra đời, từ cây chuối, dừa, tre, cà phê, đu đủ, cây hoa sứ... cho đến những tiểu cảnh hoàn chỉnh. Mỹ Dặm tâm sự: “Cây cà phê là mô hình cây tả thực mà mình tâm huyết nhất. Mặc dù đó không hoàn hảo nhất nhưng đó là sản phẩm chứa đựng tất cả tình cảm dành cho người mình thương và nó ra đời như cột mốc đánh dấu giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình theo đuổi đam mê của mình”.
Anh còn cho biết, “Hồn quê” là tác phẩm tiểu cảnh anh dành nhiều tình cảm nhất vì nó gợi lại khung cảnh bình yên của làng quê Bến Tre trong hàng dừa, con trâu và những cánh cò trắng mà anh có dịp được chứng kiến.
Mô mình cây tre do Dặm tạo tác.
Mô hình bụi chuối do Dặm tạo tác.
Giàn leo do Dặm tạo tác.
Mô hình cây cà phê.
Tùy vào mức độ phức tạp, một tác phẩm mất từ 3 ngày đến 2 tuần để hoàn thành. Khi đã có ý tưởng, Mỹ Dặm sẽ tìm những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên. Đối với loại cây xanh có tán, anh quấn thân bằng kẽm, đắp giấy ăn lên thân bằng keo sữa. Còn với thân của những cây như dừa, cau, cọ... thì Dặm dùng những vật dụng gần gũi như đũa ăn, xiên que, móc treo đồ. Còn về bề mặt của thân cây, nếu da trơn thì lên màu trên thân cây để tạo hiệu ứng, còn nếu là da vảy thì anh sẽ tìm những vật liệu liên quan đến loại cây đó (như cây cà phê thì dùng hạt cà phê rang), mài ra thành bột để đắp lên thân cây. “Mỗi mô hình cây của mình đều được tạo thành một phần từ chính những mẫu cây thật, điều đó đem đến linh hồn cho chính chúng”, Mỹ Dặm cho hay.
Dặm giải thích: “Mỗi tác phẩm đều rất mong manh. Mình luôn mong những đứa con tinh thần của mình được nâng niu như cách ta nâng niu những người thân yêu”.
Là một người đã từng gặp rất nhiều thất bại trong quá trình theo đuổi đam mê và phải làm một nghề khác để mưu sinh, Mỹ Dặm hy vọng sản phẩm của mình sẽ ngày càng chinh phục được nhiều người. Qua đó, anh cũng muốn truyền động lực cho các bạn trẻ để dám một lần sống đúng với đam mê thật sự của mình.
Mỹ Dặm luôn mộc mạc cả trong đời sống lẫn trong từng tác phẩm của anh.
Mỹ Dặm còn mong muốn lan tỏa tình yêu quê hương, sự trân trọng thiên nhiên đến các bạn trẻ, đem màu xanh đến những ngôi nhà, cũng như góp phần giáo dục mầm non, tạo sự tò mò, thích thú với cây cối ở các em nhỏ thông qua sản phẩm cây và tiểu cảnh thủ công thuần Việt.
Dù đã phải tạm hoãn một thời gian nhưng Mỹ Dặm cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê, dùng năng lực, tâm huyết của mình để nuôi sống bản thân, chăm lo cho gia đình và góp phần nhỏ bé tạo ra giá trị cho xã hội.
Nguồn: [Link nguồn]
Mình là Nguyễn Thế Nam, 24 tuổi. Hiện mình đang học tập và sinh sống tại Tokyo, Nhật Bản. Giống như nhiều bạn sinh viên...