DANH MỤC

2020 là một năm vô cùng đáng nhớ với chàng trai tóc xù Võ Duy Khánh – một cựu thí sinh của “Đường lên đỉnh Olympia”. Anh từng thất bại “thảm hại” khi tham gia sân chơi trí tuệ Olympia khi chỉ về thứ 3 trong đoàn leo núi.

Thế nhưng, 11 năm sau đó, Duy Khánh được nhắc đến với hàng loạt thành tích ấn tượng: trở thành Trưởng phòng Cấp cao, phòng An ninh Di động của một tập đoàn công nghệ, là một trong những người viết dòng code đầu tiên cho ứng dụng Bluezone góp phần phòng chống dịch COVID-19.

Duy Khánh từng nói, 11 năm qua, sự thay đổi mạnh mẽ nhất của anh không phải là vị trí công việc hay số tiền tiết kiệm mà là sự thay đổi trong suy nghĩ. Cùng trò chuyện với “chàng trai tóc xù”, nghe anh chia sẻ nhiều hơn về hành trình nỗ lực thay đổi danh xưng “nam sinh thất bại của Đường lên đỉnh Olympia”.

Cậu học trò từng thất bại tại Olympia “ghi tên mình” vào năm COVID-19 - 2

2020 là một năm chật vật với rất nhiều người vì ảnh hưởng của COVID-19 nhưng có lẽ lại là một năm đáng nhớ của Khánh khi đạt được thành tựu nổi trội – là một trong những người viết dòng code đầu tiên cho ứng dụng Bluezone?

Phải nói, năm 2020 quá khó khăn với tất cả mọi người vì ảnh hưởng của COVID-19. Riêng Việt Nam còn chịu thêm ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ… Nhưng đó cũng là một năm hết sức đặc biệt với mình, đánh dấu hơn 10 năm cần cù học tập, làm việc, trở thành một chuyên gia vè An ninh Di động.

Và thật may mắn, tự hào khi đánh dấu mốc thời gian đó là việc mình được tham gia vào viết những dòng code đầu tiên cho dự án Bluezone, góp công sức nhỏ vào công cuộc hỗ trợ phòng chống dịch bệnh của đất nước.

Hành trình tạo ra ứng dụng Bluezone, Khánh và các cộng sự đã phải trải qua những khó khăn, vất vả thế nào vậy?

Để có được Bluezone như bây giờ, mình cùng nhóm đã trải qua nhiều khó khăn, nhận được nhiều góp ý tích cực và cũng không ít những luồng thông tin tiêu cực, thậm chí còn gay gắt.

Đầu tiên đó là sức ép về thời gian, bọn mình bắt tay vào khi ổ dịch ở bệnh viện Bạch Mai vừa được kiểm soát, mọi thứ khá ổn định trong nước nhưng ở các nước khác trên thế giới thì dịch đang lây lan rất mạnh như Mỹ và khu vực Châu Âu. Chúng mình luôn tâm thế phải hoàn thành nhanh nhất có thể và sẵn sàng hỗ trợ bất cứ lúc nào.

Tiếp theo là vấn đề về công nghệ và tương thích nền tảng giữa Android và iOS. Để nắm được nó và vận hành một cách tốt và phù hợp cho dự án là điều rất khó. Trước đó cũng có 1-2 mô hình sử dụng công nghệ đó, nhưng Bluezone vẫn là ứng dụng sử dụng triệt để và hiệu quả nhất.

Sau khi trải qua những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện thì Bluezone lại gặp ý kiến trái chiều khi ứng dụng ra mắt, gặp phải vô vàn khó khăn, hỗ trợ có, “ném đá” cũng có.

Nhưng cuối cùng mọi người đã đưa ra được những thuật toán tốt nhất, thỏa mãn các yêu cầu.

Cậu học trò từng thất bại tại Olympia “ghi tên mình” vào năm COVID-19 - 3

Nói đến năm 2020 phải nói đến một năm hết sức khó khăn của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung về sự ảnh hưởng của Covid-19. Ngoài ra nước mình còn chịu thêm những ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ lụt, sạt lở.

Nhưng 2020 cũng là một năm hết sức đặc biệt đối với mình, đánh dấu hơn gấp 10 lần sự cần cù của bản thân và trở thành một chuyên gia về Anh ninh Di động.

Cậu học trò từng thất bại tại Olympia “ghi tên mình” vào năm COVID-19 - 4

Có điều gì đó khiến Khánh nuối tiếc và phải nói “giá như” trong năm rất đặc biệt này không?

Dù may mắn được nhiều người biết đến vì tham gia dự án Bluezone, nhưng mình vẫn phải nói giá như không có dịch bệnh, giá như không có thiên tai... Dù thế nào thì lợi ích của đất nước, sự phát triển của đất nước vấn đặt lên trên lợi ích của cá nhân.

Từng là cậu học trò thất bại trong “Đường lên đỉnh Olympia”, giờ đây Khánh có thích được nhắc đến với danh xưng “cựu thí sinh Olympia”?

Trước đây, mình rất ngại khi được gọi là“cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia”, một phần vì tuổi trẻ, ham mê chiến thắng, mong muốn đỉnh cao. Nhưng qua năm tháng, va vấp nhiều trong cuộc sống, được gặp gỡ nhiều “cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia”, mình lại thấy tự hào.

Mình học được rất nhiều thứ từ sân chơi trí tuệ này. Mình cũng biết nhiều bạn tham gia cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” và một số cuộc thi khác cảm thấy tự ti khi không đạt kết quả tốt, có phần lảng tránh. Nhưng hãy cảm ơn nó, những vấp ngã cuộc đời sẽ giúp ta mạnh mẽ hơn!

Cậu học trò từng thất bại tại Olympia “ghi tên mình” vào năm COVID-19 - 5

Thất bại đầu đời đó có khiến Khánh thay đổi mục tiêu sống? Khánh thấy sự thay đổi mạnh mẽ nhất ở bản thân, từ một thí sinh Olympia đến Trưởng phòng Cấp cao an ninh mạng là gì?

“Thành công là cạm bẫy, thất bại là món quà” mình luôn ghi nhớ và đặt nó là kim chỉ nam cho cuộc sống. Nhiều lúc, mình còn cảm thấy thật may mắn khi thất bại trong cuộc thi ấy, để mình nhận ra rằng “Ở nhà nhất mẹ nhì con” mình chỉ như là hạt nước trong đại dương kia thôi. Phải cố gắng và phấn đấu nhiều hơn nữa.

Bản thân mình là một người ít nói, ít thể hiện bản thân, khi là một thí sinh mà còn là thí sinh thất bại nữa trong một cộng đồng lớn những người xuất sắc thì mình có phần rụt rè và tư ti hơn. Nhưng hiện tại, với sự từng trải, những vấp ngã, mình ngày càng hoàn thiện bản thân hơn, đã tự tin và thể hiện tính cách cá nhân mình nhiều hơn.

Duy Khánh từng cùng lúc đỗ vào hai trường đại học top đầu cả nước là Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Y Hà Nội (ngành Y Đa khoa Hệ ngoài ngân sách). Tại sao Khánh lại chọn học Bách khoa thay vì ngành Y mà bao người mơ ước?

Thời học sinh, mình thích nhất môn Toán, Mình luôn muốn giải một bài toán theo nhiều cách nhất có thể và mình cảm nhận đó như là bước đầu của ước mơ sáng tạo, tạo ra những thứ hay, những thứ tốt đẹp và những thứ đặc biệt.

Và môn Toán cũng là tiền đề rất lớn về tư duy để mình có thể phát triển hơn trong ngành công nghệ thông tin. Đặc biệt là khi đang ngồi trên ghế nhà trường, mình cũng đã bị cuốn vào các dòng code pascal, những ứng dụng tính toán đơn giản…

Thế nên, mình gần như đã có lựa chọn chính xác rồi. Mình nghĩ “Là một lập trình viên sẽ thoã mãn việc sáng tạo hơn là việc làm một bác sĩ”.

Cậu học trò từng thất bại tại Olympia “ghi tên mình” vào năm COVID-19 - 6

11 năm qua, hẳn Khánh phải nỗ lực không ít để có được vị trí như hiện tại? Trước mỗi khó khăn, Khánh thường đối mặt thế nào?

Trong cuộc sống ai cũng gặp khó khăn và cách đối mặt thì khác nhau. Là một lập trình viên, mình đã chọn cách giải quyết vấn đề theo những dòng code. Đó là tìm ra bản chất của vấn đề, chia nhỏ vấn đề, xử lý từng vấn đề nhỏ, xử lý từ chính bản chất của nó.

Như thi Olympia, đi thi ai cũng muốn nhất, nhưng ép buộc mình phải nhất thì sẽ bị áp lực. 1 năm có 144 người thi cũng chỉ có tối đa 48 người được vòng nguyệt quế thôi. Những người còn lại như mình rất nhiều.

Và mình luôn thấy ai trong cuộc sống này đều có giá trị, dù ít hay nhiều, chỉ là họ có tìm ra được và cho người ta thấy giá trị đó hay không.

Ngoài những dòng code khô khan, Khánh có niềm đam mê đặc biệt với phượt và chụp ảnh. Niềm đam mê này từ đâu mà có vậy?

Mỗi chúng ta luôn có rất nhiều khía cạnh khác nhau. Cách sống của mình là luôn vận động và thay đổi, luôn tìm những khía cạnh khác trong con người mình, cả về ngoại hình, tính cách, lẫn năng khiếu để biết bản thân có gì và làm tốt nhất việc gì.

Từ những chuyến đi khám phá, mình tìm ra nhiều thứ hay ho ở bản thân, ví dụ như chụp ảnh và quay video. Nó đến rất tình cờ thôi nhưng bây giờ nó cũng là một niềm đam mê của mình rồi.

Cậu học trò từng thất bại tại Olympia “ghi tên mình” vào năm COVID-19 - 7

Một anh chàng làm công nghệ thông tin và một chàng trai tóc xù, ham xê dịch có vẻ như chẳng mấy liên quan nhỉ?

Thực ra, kỹ sư công nghệ thông tin giống như các chiến binh thầm lặng vậy, ít người hiểu và biết được bọn mình hàng ngày, hàng giờ đang làm gì. Thường thường, mọi người sẽ đưa lên mạng xã hội những thứ liên quan đến cuộc sống hơn là hình ảnh hàng đêm ngồi viết những dòng code trên chiếc màn hình đen.

Thế nên, hình ảnh chàng trai tóc xù trên Facebook chỉ là một phần nào đó trong cuộc sống của bọn mình mà thôi.

Từng có một bình luận về Khánh rằng: “Chàng trai này như ở trên mây. Trong khi thanh niên 30 tuổi lo lập nghiệp, mua nhà, sắm xe, anh chàng này lại thích lang thang mây gió”. Khánh nghĩ sao?

Mỗi người chọn cho mình một cuộc sống riêng, phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình và cả những biến cố trong cuộc đời nữa.

Mọi người luôn nhìn vào phiếu bé ngoan, bằng khen, giấy khen, điểm số của những đứa trẻ chứ ít quan tâm chúng có hạnh phúc không.

Rồi hàng loạt câu hỏi “Công việc ổn không?”, “Lương bao nhiêu? thưởng bao nhiêu?” nhưng mấy ai hỏi “Bạn làm đang làm gì và làm được gì?”…

“Đừng chết mà bị lãng quên” là mục tiêu sống của mình đang theo đuổi. Vì bản thân rất thích du lịch, đặc biệt du lịch bụi. Biết đâu 5 năm nữa mọi người biết đến mình với một con người mới như là “travel blogger” chẳng hạn!

Chân thành cảm ơn những chia sẻ của Khánh!

 

Bài viết: Hạ Nhiên

Thiết kế: Nãm Trung Nguyên

Sự kiện: Giới trẻ 2024
Thứ Bảy, ngày 13/02/2021 00:03 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])