Bán trâu đi học, cử nhân giấu bằng làm công nhân

Đó không phải là câu chuyện của riêng Minh, chàng trai có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ từng phải bán trâu nuôi con học đại học.

Cha mẹ nghèo bán trâu cho con học đại học

Chúng tôi đến gặp Nguyễn Văn Minh (xã Bình Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) vào một buổi tối muộn khi em vừa kết thúc một ngày làm việc ở công ty Sam Sung (trụ sở đóng tại khu công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên). Nhìn gương mặt em mệt mỏi không giống một tân cử nhân mới tốt nghiệp một trường kinh tế tại quê nhà.

Minh sinh năm 1993, ngay từ khi học phổ thông, Minh luôn tâm niệm chỉ có học Đại học mới giúp em có được công việc tốt, giúp gia đình thoát khỏi cái nghèo, cái lạc hậu bủa vây ở một làng quê nghèo khó.

Quyết tâm thi vào một trường kinh tế ở tỉnh nhà và đạt được thỏa nguyện nhưng khi Minh cầm giấy báo trúng tuyển trên tay cũng là khi gia đình em đối mặt với trăm nỗi lo tiền ăn, tiền học.

Bán trâu đi học, cử nhân giấu bằng làm công nhân - 1

Tình trạng cử nhân ra trường không xin được việc khiến nhiều người lo lắng (ảnh minh họa)

Gia đình em Minh thuộc diện hộ nghèo ở địa phương, nhà có 4 người nhưng bố của Minh sau một trận ốm nặng 10 năm trước đã không còn khả năng lao động. Từ đó, mẹ Minh trở thành lao động chính trong nhà. Thu nhập chính của gia đình Minh dựa vào đồi chè mẹ em canh tác, thế nhưng, diện tích canh tác không nhiều, cũng không có vốn đầu tư nên thu hoạch mỗi vụ chỉ khoảng 2 triệu đồng...

Bởi vậy, khi Minh thi đỗ Đại học, bố mẹ Minh mừng đấy, tự hào đấy, nhưng nỗi lo tài chính còn lớn hơn nhiều.

Mẹ Minh chia sẻ: “Ngày Minh đi học, được sự giúp đỡ của bà con xóm giềng và anh em họ hàng cùng với chương trình hỗ trợ vay vốn sinh viên nghèo của nhà nước, mỗi năm tôi đã vay được 8 triệu đồng, tuy nhiên số tiền đó chỉ đủ trang trải tiền học phí.

Học kỳ đầu tiên, tôi phải bán cả trâu đi để lấy tiền đóng học và sắm sửa cho em nó. Cuộc sống gia đình khó khăn, nhiều khi phải lo từng bữa ăn, có khi Tết về phải đi vay mượn mọi người để có thể có tiền sắm sửa cái Tết cho con cái đỡ tủi thân với bạn bè...”.

Sau 4 năm "mài đũng quần" trên giảng đường đại học, tháng 4/2015 Minh ra trường với tấm bằng loại Khá. Lúc này, Minh phải đối diện với chặng đường xin việc gian nan cũng như áp lực từ khoản nợ gia đinh vay cho em đi học.

Nghịch lý "giấu" bằng đại học đi làm công nhân

Vất vả để có được tấm bằng đại học là thế, nhưng khi ra trường, sau nhiều lần "đánh vật" với công cuộc xin việc làm nhưng đều thất bại, Minh đành phải cất giấu đi bằng đại học, dùng bằng tốt nghiệp THPT để xin đi làm công nhân ở khu công nghiệp của tỉnh nhà.

"Xin việc ở các đơn vị nhà nước thì không dám mơ tới nên em cũng không làm hồ sơ, em có xin vào một công ty tuyển nhân viên làm thị trường, nhưng do thiếu kinh nghiệm nên người ta không nhận" - Minh kể về "vấp vào đời" đầu tiên của mình.

Minh kể tiếp: "Em đã nộp 6 bộ hồ sơ, cũng có vài nơi gọi đến phỏng vấn nhưng đều không được nhận vào làm".

Suốt gần 2 tháng rong ruổi nộp hồ sơ xin việc, Minh vẫn chưa được công ty nào nhận vì không có kinh nghiệm. Ước mơ xin được việc làm đúng với chuyên ngành học trở nên xa vời với Minh.

Ngay cả nhu cầu muốn làm đúng nghành nghề mình học ở những khu công nghiệp, những công ty chuyên về kinh tế giờ cũng rất khó khăn. Họ cần những người có kinh nghiệm và đặc biệt trình độ ngoại ngữ phải cao" - Minh chua chát.

Tân cử nhân kinh tế cũng cay đắng thừa nhận: “Sau một thời gian dài loay hoay tìm việc làm, ban đầu với suy nghĩ bằng đại học thì phải kiếm cho công việc cho tương xứng, nhưng mọi chuyện không đơn giản như em nghĩ".

Cuối cùng, Minh đành quyết định nộp hồ sơ đi làm công nhân ở Công ty Samsung Điện tử Việt Nam Thái Nguyên, thu nhập mỗi tháng từ 8-9 triệu.

Minh chia sẻ, “Ngày cầm tấm bằng trong tay em cảm thấy rất vui mừng và tự hào, cuối cùng thì những ngày cố gắng vất vả của bản thân và gia đình đã đến ngày hái quả. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, sau nhiều nỗ lực xin việc không được, lại thấy các bạn đua nhau đi làm Samsung (Công ty Samsung Điện tử Việt Nam Thái Nguyên) nên em cũng nộp hồ sơ đi làm".

"Thế nhưng nếu thi tuyển vào công ty với trình độ đại học thì rất khó, còn tuyển để làm công nhân thì công ty không nhận hồ sơ có bằng đại học. Khi biết quy định này em rất hẫng hụt, nhưng vì gia đình em đã quyết định đi làm một thời gian để giúp mẹ trả nợ, cũng như kiếm cho mình ít vốn để có thể lập nghiệp” - Minh rầu rầu chia sẻ.

Cũng theo Minh, 1/3 số bạn đồng nghiệp cùng phân xưởng của Minh đều là sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tựu chung các bạn đều khó khăn trong quá trình xin việc phù hợp với tấm bằng mình có được.

Tương tự như trường hợp của Minh, Huyền - tốt nghiệp loại khá của một trường Đại học Sư phạm cũng đành "gác" lại tấm bằng Đại học để đi làm công nhân.

“Không chỉ riêng mình em, còn rất nhiều những bạn khác đã tốt nghiệp đại học cao đẳng đều không dám cho tấm bằng của mình vào hồ sơ xin việc, khi đi phỏng vấn hỏi quá trình trước đã làm gì, chúng em đều phải trả lời là ở nhà giúp bố mẹ làm chè, làm ruộng” - Huyền nói.

Huyền buồn bã chia sẻ, với công việc hiện tại Huyền được ký hợp đồng 3 năm, hết thời hạn hợp đồng, Huyền chưa biết bản thân sẽ làm tiếp công việc gì. "Hiện tại bản thân em cũng chưa thể xác định mình có cơ duyên được làm nghề giáo viên như mơ ước của bản thân và gia đình không nữa, khi mà số sinh viên sư phạm ra trường ngày càng nhiều, và lượng giáo viên cần tuyển không tăng là mấy” - Huyền lo lắng.

Theo số liệu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội công bố thị trường lao động quý I/2015 ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm đều gia tăng.

Theo đó, trong 3 tháng đầu năm 2015, cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp, tăng 114.000 người so với cùng kỳ năm 2014. Số lao động trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp tăng từ hơn 162.000 lên gần 178.000 người; lao động tốt nghiệp cao đẳng thất nghiệp tăng từ 79.000 người lên hơn 100.000.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Luân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN