“Ăn vụng” kiểu nào mới bị phạt?
Thông tin từ ngày 11.11 tới những người ngoại tình sẽ bị phạt 1 – 3 triệu đồng không chỉ là chuyện mua vui của dân công sở mà còn là đề tài luận bàn trong nhiều gia đình, bởi khi chuyện “ăn vụng” không may vỡ lở thì không chỉ thủ phạm mang tai tiếng mà người thân của họ cũng vạ lây.
“Ăn vụng” kiểu nào mới bị phạt?
Ngoại tình là cách nói đời thường còn trong luật, đó là tình trạng người đang có vợ, có chồng hợp pháp lại quan hệ, chung sống như vợ chồng với người khác. Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24.9.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, tại điều 48 quy định: phạt tiền từ 1.000.000 – 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ… Nghị định này sẽ có hiệu lực từ 11.11.2013.
Nếu trong đời thường, chỉ cần vợ hoặc chồng tận mắt chứng kiến cảnh bạn đời “trai trên, gái dưới” đã có thể coi là ngoại tình thì theo luật, căn cứ hướng dẫn tại thông tư liên tịch số 1 ngày 25.9.2001 của bộ Tư pháp, bộ Công an, Toà án nhân dân tối cao, viện Kiểm sát nhân dân tối cao, hành vi “chung sống như vợ chồng” là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng phải được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...
Luật cần thiết nhưng khó khả thi
Có không ít quy định pháp luật mang mục đích khá tốt đẹp nhưng trên thực tế lại không khả thi, xử phạt ngoại tình là một trường hợp như thế. Không phải bây giờ mới có loại xử phạt này, trước đây một nghị định xử phạt của luật Hôn nhân – gia đình cũng đã có điều luật xử phạt 100.000 – 500.000 đồng đối với hành vi ngoại tình. Tuy nhiên từ đó đến nay số vụ bị xử phạt gần như chưa nghe thấy!
Chúng ta không thể sống mà không có cảm xúc (Ảnh minh họa)
Với quy định tại nghị định 110/2013/NĐ-CP, có thể thấy ở trường hợp kết hôn thì việc xác định hành vi ngoại tình không quá khó vì đã có giấy chứng nhận kết hôn làm bằng chứng, riêng ở trường hợp “chung sống như vợ chồng” thì thật không dễ dàng gì. Trong quá trình hành nghề luật sư, tôi bảo vệ cho nhiều nạn nhân bị vợ hoặc chồng ngoại tình nhưng lực bất tòng tâm vì không đáp ứng được các đòi hỏi của luật pháp. Có trường hợp vợ đã phát hiện chồng có con riêng với người thứ ba nhưng không làm gì được vì nhà chức trách yêu cầu phải chứng minh các yếu tố: có con chung, có tài sản chung, quan hệ chung sống phải được hàng xóm xác nhận (thiếu một trong ba yếu tố này thì không thể xử lý). Có trường hợp rõ mười mươi ngoại tình, người vợ bắt tại trận “trai trên gái dưới” tại nhà nhưng cơ quan chức năng không thể phạt tiền vì người chồng giải thích đó chỉ là “bồ bịch qua đường”, trong khi người vợ không có cách nào chứng minh chồng và nhân tình có con chung, tài sản chung…
Phòng luôn tốt hơn trị
Ngoại tình là diễn biến của đời sống tình cảm, tuỳ thuộc nhận thức, đạo đức, văn hoá, giáo dục và nhân cách cá nhân… nên chỉ một điều luật phạt tiền không thôi thì khó có thể bảo an cho chế độ hôn nhân một vợ một chồng.
Bản chất cuộc sống gia đình luôn phát sinh nhiều vấn đề. Khi có bất hoà sâu sắc không thể đối thoại, không còn chia sẻ, thì vợ chồng dễ chuyển những thông điệp đối thoại, những nhu cầu giao tiếp, sẻ chia cho người bên ngoài. Do đó, điều quan trọng hơn cả để hôn nhân không có người thứ ba xen vào, là cố gắng giữ hoà khí gia đình, tự kiềm chế trước những cám dỗ. Người ta thấy những gia đình mà bố mẹ có đời sống nề nếp, chung thuỷ với nhau, thường các con sẽ thành đạt và hạnh phúc.
Đời sống vợ chồng không đơn thuần là việc chia sẻ trách nhiệm, sự phân công lao động, hay góp tiền lương lại nuôi con, mà còn là ý thức cảm nhận và hưởng thụ hạnh phúc của mỗi người, điều này được cam kết ngầm giữa hai người qua việc luôn mong muốn làm vui lòng nhau, chăm chút và đầu tư cho cảm xúc trong mỗi người được tươi mới. Chúng ta không thể sống mà không có cảm xúc, nhưng cảm xúc phải được kiểm soát và dẫn dắt bởi ý thức và giáo dục, giúp con người có những điểm dừng đúng lúc, đúng giới hạn.
Thạc sĩ tâm lý học – luật sư Nguyễn Thị Bạch Dương
Yêu nhau bao năm vẫn không giữ được em!