7 sai lầm của những người mới làm mẹ
Học để làm một người mẹ không phải là một điều dễ dàng. Có rất nhiều sai lầm phổ biến hầu như tất cả những người mới làm mẹ đều dễ mắc phải.
Thực tế, những sai lầm này không phải là xấu, nhưng những điều này không phải là tốt nhất cho bạn và con bạn, nên các mẹ cần phải hiểu rõ và tránh.
1. Cố gắng phục hồi quá nhanh
Một trong những sai lầm lớn nhất của nhiều bà mẹ lần đầu sinh con là cố gắng để phục hồi lại cả về sức khỏe lẫn vóc dáng quá nhanh sau khi sinh con. Phụ nữ ai cũng muốn đẹp và hầu hết đều cảm thấy chán ghét cơ thể mới sinh yếu ớt, mất hết các đường cong.
Nhiều người vội vàng chọn cách ăn kiêng để lấy lại dáng, hoặc nỗ lực tập thể dục tăng cường sức khỏe và làm săn chắc cơ thể, nhưng làm không đúng cách sẽ rất có hại cho cả mẹ và con.
Ăn kiêng dẫn đến thiếu chất, không đủ sữa cho em bé là điều tối kỵ nhất. Tập thể dục quá sức không những không làm bạn khỏe hơn, mà còn gây tổn hại cho cơ thể của bạn. Hãy để cơ thể của bạn có đủ thời gian để phục hồi tự nhiên.
2. Cắt móng tay em bé khi bé còn thức
Nhiều người lần đầu làm mẹ đã không biết rằng cắt móng tay cho em bé khi bé ngủ sẽ dễ dàng hơn nhiều so với lúc bé thức, hay có người dù đã biết, nhưng thấy con mình ngoan, nghĩ có thể cắt được nên vẫn cắt lúc bé thức.
Tuy nhiên, các em bé thường khó giữ tay chân im một chỗ khi đang thức, nếu các mẹ cứ cố tình cắt, bé có thể đột ngột vùng vẫy tay chân làm bé bị thương. Rất nhiều người đã bị rơi vào tình trạng này, sau thấy con bị thương lại xót xa tự trách. Vì vậy, các bà mẹ lần đầu có con hãy kiên nhẫn đợi khi bé ngủ rồi hãy cắt móng chân móng tay của bé nhé!
3. Đánh giá thấp bản thân
Những người lần đầu làm mẹ không tránh khỏi bối rối, lúng túng vì thiếu kinh nghiệm, thường tự đánh giá thấp bản thân và dễ ý nại vào người giúp đỡ. Nhưng bạn nên nhớ rằng không ai có thể chăm sóc cho con tốt hơn một người mẹ.
Đừng nghĩ rằng bạn là một người mẹ xấu nếu bạn làm điều gì đó chưa đúng. Tự tay chăm sóc cho con sẽ giúp sợi dây tình cảm giữa con và mẹ thêm gắn kết chặt chẽ. Hơn nữa, em bé dường như luôn tâm lý tương thông với mẹ, nếu mẹ tự tin vào bản thân thì em bé cũng bình tĩnh hơn.
4. Không cho chồng giúp
Đây là một trong những sai lầm vô tình làm cho nhiều bà mẹ thêm mệt mỏi và áp lực. Em bé mới sinh cần hết sức cẩn thận, nâng niu, mà các ông chồng lóng ngóng, tay chân vụng về khiến các bà mẹ lo sợ chồng làm không tốt, ảnh hưởng đến con nên luôn gạt chồng ra, không cho chồng chăm sóc cho con.
Hành động này không chỉ “khuyến khích” chồng vô trách nhiệm, mà vô tình cũng làm tình cảm bố con bớt thân thiết. May mắn là sai lầm này rất dễ sửa chữa. Nếu con bạn còn quá nhỏ và chồng quá vụng, hãy đề nghị chồng phụ giúp bạn trong lúc tắm rửa, thay tã cho con và hướng dẫn chồng làm những việc đơn giản như đội mũ, đi tất cho em bé.
5. Cho bé quen ngậm vú giả
Cho bé ngậm vú cao su được cho là cách chăm sóc của phương Tây mà ngày càng có nhiều bà mẹ trên khắp thế giới muốn tập cho con thói quen này. Họ tin rằng ngậm ti giả giúp em bé ít chớ sau bữa ăn và không gặm tay hay gặm vật gì đó bẩn thỉu.
Nhưng ngậm vú cao su trong thời gian dài có thực sự tốt cho em bé? Nếu em bé có thói quen ngậm vú cao su, để em bé từ bỏ thói quen này cũng là một việc rất khó khăn. Con gái út nhà Beckham là một ví dụ điển hình, dù đã hơn 4 tuổi vẫn phải ngậm ti giả. Ngoài ra, nếu vú cao su không được khử trùng sạch sẽ đều đặn, đúng cách có thể ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa của em bé.
6. Không dám đặt câu hỏi
Thường thì các bà mẹ mới sinh ít đặt câu hỏi, mặc dù quanh họ có rất nhiều người có kinh nghiệm và luôn sẵn sàng chia sẻ. Các mẹ sợ rằng câu hỏi của bạn bị cười là ngu ngốc, nhưng trong thực tế không có câu hỏi nào là vớ vẩn. Hãy mạnh dạn đặt câu hỏi về những vấn đề bạn chưa biết hoặc không chắc chắn, đừng “giấu dốt” rồi tự làm theo ý mình lại gây hại cho cả mẹ và con.
7. Tin tưởng mù quáng vào sách vở
Đây là một trong những sai lầm phổ biến nhất ở những bà mẹ có con lần đầu. Với những người thiếu kinh nghiệm, tham khảo sách vở, tài liệu trên mạng là tốt, nhưng không phải tất cả đều đúng.
Thứ nhất, bạn phải chắc chắn nguồn tài liệu bạn tham khảo là một nguồn đáng tin cậy. Thứ hai, dù thông tin đã qua kiểm chứng nhưng không thể chính xác tuyệt đối với tất cả các em bé, vì vậy khi áp dụng cần có sự linh hoạt để phù hợp với con bạn.
Cuối cùng, đừng cho rằng những kinh nghiệm dân gian của người già là thiếu khoa học và không đáng tin. Có những kinh nghiệm, dù chưa được khoa học xác nhận, nhưng đã được nhiều người thực nghiệm và mang lại kết quả tốt thì bạn vẫn nên làm theo.