Những thói quen tưởng vô hại lại có thể gây ung thư vú

Ung thư vú (UTV) là loại ung thư phổ biến nhất và gây tử vong cao nhất ở phụ nữ. Vì thế, chị em phụ nữ đều quan tâm làm sao có thể phòng tránh được căn bệnh này.

 Tuy nhiên, rất nhiều thói quen sinh hoạt tưởng chừng như vô hại, lại làm tăng nguy cơ mắc UTV. Bác sĩ Nguyễn Thị Tân Sinh – Khoa Phụ sản, BV đa khoa quốc tế Vinmec đã chia sẻ như vậy Ngày hội chăm sóc sức khỏe phụ nữ với chủ đề “Cập nhật những hiểu biết về bệnh tuyến vú và phát hiện sớm UTV” diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội.

“Thói quen” xấu nào có hại cho bầu ngực

Theo BS Tân Sinh, hiện nay, rất nhiều chị em, đặc biệt là những người trên 40 tuổi đã vội vàng dùng các thuốc thay thế nội tiết, với mục đích nhằm trẻ hóa, kéo dài thời gian kinh nguyệt, tăng chất lượng cuộc sống vợ chồng. Họ thường mua và uống theo phong trào: “Các chị, các cô ở cùng cơ quan ai cũng dùng như thế”. Nhu cầu được kéo dài tuổi thanh xuân của chị em là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, các thuốc thay thế nội tiết chỉ được sử dụng trong thời gian nhất định, theo chỉ định của thầy thuốc, khi đã loại trừ các yếu tố nguy cơ. Nếu không, đây sẽ là một nguy cơ gia tăng UTV.

Những thói quen tưởng vô hại lại có thể gây ung thư vú - 1

Thói quen thức khuya, dậy muộn tưởng chừng như không liên quan đến UTV. Thế nhưng, theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, những người thường xuyên phải làm việc ban đêm thuộc đối tượng có nguy cơ bị UTV. Bởi ban đêm là thời gian cơ thể nghỉ ngơi, tái tạo các tế bào mới theo cơ chế sinh học bình thường. Khi thức đêm, họ vẫn bị ánh sáng chiếu vào người, làm gia tăng sự biến đổi bất thường của tế bào dẫn đến UT. Chính vì thế, không ít nghề nghiệp đặc thù như công nhân quét đường, công nhân làm ca kíp, nhân viên y tế thường phải trực đêm được xếp vào đối tượng nguy cơ mắc UTV.

Ngược lại là tình trạng chị em quá “tích cực” bôi kem chống nắng, che chắn quá kỹ khi ra đường vì sợ ung thư da, sợ má không còn hồng, da không còn mịn dưới ánh sáng mặt trời. Điều đó dẫn đến cơ thể thiếu vitamin D, và cũng là một nguy cơ đối với UTV.

Những thói quen tưởng vô hại lại có thể gây ung thư vú - 2

Chị em phụ nữ đương nhiên có quyền làm đẹp. Nhưng khi sử dụng các hóa mỹ phẩm, thuốc nhuộm tóc, khử mùi cần có sự chọn lọc. Những sản phẩm càng ít mùi thơm, càng được khuyến cáo là an toàn. Người ta đã chứng minh, trong các hóa mỹ phẩm có nhiều mùi thơm có các benzen vòng có nguy cơ gây ung thư.  

Thói quen lạm dụng đồ ăn nhanh, ít vận động dẫn đến béo phì cũng có nguy cơ rất cao gây UTV. Nội tiết tố nữ (estrogen) không chỉ sinh ra từ buồng trứng mà còn từ các mô mỡ. Chính vì thế, ở những người phụ nữ thừa cân, béo phì, lượng estrogen sinh ra cao cũng có thể kích thích tế bào vú trở thành ung thư. Việc tăng cường vận động không chỉ giúp phòng UTV mà còn tăng hiệu quả điều trị bệnh. Nhiều nghiên cứu trên thế  giới đã cho thấy ở những người có nguy cơ UTV cao, thậm chí ở những người đã bị bệnh, việc tập thể thao 4 – 7h/tuần có thể giảm hẳn mức độ nguy cơ hoặc tình trạng bệnh so với người không tập, hoặc tập ít hơn 4h/tuần. Các bài tập nhiều khi đơn giản chỉ là đi bộ, hoặc các động tác vận động phù hợp với cơ thể cũng đã tỏ ra rất có ích.

Những thói quen tưởng vô hại lại có thể gây ung thư vú - 3

Có những hỗ trợ phát hiện sớm bệnh nào?

Bầu ngực là biểu tượng của nữ tính, gợi cảm của người phụ nữ. Để giữ gìn vẻ đẹp ấy, việc biết được mình có phải là đối tượng nguy cơ mắc bệnh hay không, điều chỉnh thói quen sinh hoạt cho hợp lý, khoa học sẽ giúp chị em hạn chế được nguy cơ, đồng thời có ý thức phát hiện bệnh sớm. Những thói quen đó là duy trì cân nặng hợp lý, tích cực hoạt động thể chất, chế độ ăn cân đối dinh dưỡng, hạn chế sử dụng đồ uống có cồn, tránh hút thuốc lá bị động. 

Nguy cơ UTV từ lâu đã được nói đến là khi tuổi tác tăng lên, ở những phụ nữ không có con hoặc sinh con muộn; người không cho con bú, từng có bệnh vú lành tính; những có người thân bị ung thư; người từng dậy thì sớm hoặc mãn kinh muộn… Mỗi năm ở nước ta có 12 – 15 nghìn ca UTV mới, với tỉ lệ tử vong 30 – 40% do phát hiện bệnh muộn. Theo BS Tân Sinh, có rất nhiều phương pháp giúp chị em có thể phát hiện UTV sớm. Đơn giản nhất là tự khám vú hàng tháng sau khi sạch kinh, định kỳ chụp X – quang, siêu âm (1 – 2 năm/lần tùy độ tuổi) để phát hiện các biểu hiện bất thường của bầu ngực. Gần đây, đã có xét nghiệm có thể phát hiện gen BRCA1, BRCA2 và p53 đột biến – loại gen gây UTV trên 80% người mang gen.

PGS - TS Đoàn Hữu Nghị, GĐ Trung tâm U bướu và xạ trị, BV Vinmec cũng cho biết thêm: Với bệnh nhân UTV, hiện nay phác đồ kết hợp cả 5 phương pháp phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, nội tiết, điều trị đích có thể khỏi 50-85% ca bệnh. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm bệnh không chỉ có thể giúp bảo tồn vẻ đẹp của người phụ nữ, nâng cao hiệu quả điều trị mà còn luôn có thể đem lại chất lượng sống cho người bệnh hơn. Tại BV Vinmec có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, đồng bộ X - quang, Cộng hưởng từ, Siêu âm, xạ trị có thể hỗ trợ người bệnh thực hiện các thăm khám phát hiện và điều trị UTV toàn diện. 

Cũng trong ngày 18.10, tại phòng khám đa khoa quốc tế Đồng Khởi – Vinmec (quận I, TP.HCM), chuyên gia sản phụ khoa - bác sĩ Nguyễn Thị Từ Vân cũng đã tư vấn với các chị em về các phương pháp phát hiện UTV và UT cổ tử cung. Ngày hội cũng đã thu hút đông đảo những người quan tâm tham gia.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN