Xử án hiếp dâm trẻ em: Mỗi nơi một kiểu

Cùng một thủ đoạn, hành vi phạm tội, hậu quả xảy ra... nhưng mức án dành cho hành vi hiếp dâm trẻ em mỗi tòa tuyên mỗi kiểu; nơi tuyên án nặng, nơi quá nương tay.

Từ thực tiễn xét xử các vụ án hiếp dâm trẻ em và qua trao đổi với một số thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư cho thấy việc áp dụng pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự đang có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng, địa phương. Thậm chí, trong cùng một địa phương, giữa tòa án huyện này với tòa án huyện khác, cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm…, xu hướng quyết định hình phạt, mức hình phạt cũng khác nhau, dù cùng hành vi phạm tội, tính chất mức độ nguy hiểm, nhân thân người phạm tội...

Người nặng, kẻ nhẹ

Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm vụ án “Hiếp dâm trẻ em”, chấp nhận kháng cáo, tuyên phạt bị cáo Phạm Hoàng Huy (SN 1995, ngụ huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) 10 năm tù.

Theo bản án sơ thẩm, trong thời gian đi làm thuê, Huy quen biết với em L.T.K.N (SN 2000). Từ ngày 23-1-2013, Huy và N. đã nhiều lần quan hệ tình dục với nhau. Cuối tháng 1-2013, trên đường chở N. đi chơi, Huy bị người nhà N. giữ lại và báo công an.

Xử án hiếp dâm trẻ em: Mỗi nơi một kiểu - 1

Bị cáo Phạm Văn Thuyên bị tuyên phạt 15 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”

Trong phần nhận định, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng hành vi của bị cáo Huy đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, xét trước đó giữa bị cáo và người bị hại có tình cảm với nhau; bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận; gia đình bị cáo đã bồi thường cho gia đình bị hại… Đặc biệt, vào thời điểm phạm tội, bị cáo trong độ tuổi vị thành niên (theo điều 69 Bộ Luật Hình sự quy định, khi xử phạt tù có thời hạn, tòa án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng - PV). Vì vậy, HĐXX chấp nhận kháng cáo, giảm án cho bị cáo. Trong khi cùng nhận định như trên nhưng TAND tỉnh Đồng Tháp xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Huy 12 năm tù.

Trần Thế Linh (SN 1996, ngụ huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) quen biết với em N.T.T.T (SN 2000). Ngày 7-3-2013, Linh rủ T. đến phòng trọ quan hệ tình dục. Sự việc còn diễn ra nhiều lần sau đó. Vào thời điểm phạm tội, Linh còn trong độ tuổi vị thành niên, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, gia đình đã bồi thường, đại diện hợp pháp của người bị hại có đơn bãi nại… Tuy nhiên, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã bác kháng cáo, giữ nguyên mức án 14 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em” đối với bị cáo.

Nương tay với người đã thành niên phạm tội?

Trong thời gian làm việc tại một công ty nhựa, Trần Văn Giàu (SN 1989, ngụ TP Cần Thơ) quen biết và nảy sinh tình cảm với em T.M.H (SN 2000). Đến cuối tháng 4-2012, cả hai bắt đầu quan hệ tình dục. Sau đó, Giàu rủ H. bỏ nhà đi, thuê phòng trọ sống như vợ chồng. Sau nhiều ngày tìm kiếm, gia đình H. mới đưa được con gái về và làm đơn tố cáo Giàu. Sau đó, H. đi khám và phát hiện đã có thai.

Với những tình tiết tăng nặng như làm nạn nhân có thai, phạm tội nhiều lần..., Giàu chỉ bị TAND TP HCM tuyên phạt 12 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”.

Trước đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm vụ án “Hiếp dâm trẻ em”  đối với Vũ Duy Vinh (SN 1979, ngụ thị xã Thuận An, Bình Dương). Nạn nhân là bé gái 4 tuổi.

Theo nội dung vụ án, ngày 4-3-2013, Vinh sang nhà bạn chơi. Khi ra về, con gái của bạn Vinh (SN 2009) đòi theo về nhà Vinh chơi và được mẹ cháu đồng ý. Tại đây, Vinh đã giao cấu với cháu bé. Sự việc bị gia đình nạn nhân phát hiện, trình báo cơ quan công an. Với hành vi như trên, tòa án chỉ tuyên phạt Vinh 14 năm tù.

Tương tự, Phạm Văn Thuyên (SN 1971, ngụ tỉnh Bình Phước) đã nhiều lần xâm hại con ruột (SN 2001). Với 2 tình tiết định khung tăng nặng là có tính chất loạn luân và phạm tội nhiều lần nhưng xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bình Phước chỉ tuyên phạt Thuyên 15 năm tù.

Bản án này bị VKSND tỉnh Bình Phước kháng nghị yêu cầu tăng án vì chưa tương xứng với tính chất, mức độ và hành vi phạm tội của bị cáo. Tuy nhiên, mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã bác kháng nghị, giữ nguyên mức hình phạt.

Luật chưa phù hợp với thực tiễn

Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM), nguyên nhân dẫn đến những phán quyết “chênh lệch” là do chưa có sự nhận thức thống nhất và khoa học về các chức năng cơ bản trong tố tụng hình sự. Hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật tố tụng hình sự chưa hoàn chỉnh, thiếu thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, theo đánh giá của TAND Tối cao, đội ngũ cán bộ ở các cấp tòa án còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp, không tương xứng với khối lượng công việc quá lớn và tính chất phức tạp ngày càng gia tăng.

Từ những thực tiễn nêu trên đã dẫn đến kết quả của việc thực hiện chức năng xét xử chưa đáp ứng được các yêu cầu của việc đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như bảo vệ có hiệu quả quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tội “Hiếp dâm trẻ em”

Theo điều 112 Bộ Luật Hình sự:

1- Người nào hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. 2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Có tính chất loạn luân; b) Làm nạn nhân có thai; c) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỉ lệ thương tật từ 31% - 60%; d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; đ) Tái phạm nguy hiểm. 3- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Có tổ chức; b) Nhiều người hiếp một người; c) Phạm tội nhiều lần; d) Đối với nhiều người; đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỉ lệ thương tật từ 61% trở lên; e) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; g) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát. 4- Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và người phạm tội bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Thư (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN