Vụ ‘mấy cái tát oan nghiệt’: Bị hại tha thứ cho gia đình bị cáo
Bị hại trong vụ án cho biết thật sự bà cũng không muốn làm to chuyện, không muốn đẩy gia đình người chị kết nghĩa vào vòng tù tội…
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, tháng 10-2012, nghe có người kể rằng bà Đoàn Thị Tuyết nói xấu vợ ông Trịnh Văn Chân “ngủ với người cùng thôn”, vợ chồng ông Chân và hai con đã tát bà Tuyết mấy cái làm bà Tuyết bị thương tật 4%. Tháng 6-2013, Công an huyện Di Linh (Lâm Đồng) ra quyết định xử phạt hành chính vợ chồng ông Chân và hai con nhưng chưa tống đạt. Tháng 7-2015, VKS huyện yêu cầu công an hủy bỏ quyết định này. Sau đó, cả nhà ông Chân bị khởi tố, truy tố về tội cố ý gây thương tích. Mới đây, TAND huyện đã phạt ông Chân và con trai mỗi người sáu tháng tù treo, vợ ông Chân và con gái mỗi người sáu tháng cải tạo không giam giữ về tội này, buộc bốn bị cáo liên đới bồi thường cho bà Tuyết 12 triệu đồng. HĐXX đồng tình với VKS là gia đình ông Chân phạm tội theo điểm d khoản 1 Điều 104 BLHS vì bị hại không có khả năng tự vệ.
Vụ án đang gây rất nhiều tranh cãi. Theo các chuyên gia, việc kết tội gia đình ông Chân không thuyết phục vì bà Tuyết hoàn toàn có khả năng tự vệ. Việc họ tát bà Tuyết là sai nhưng chỉ là vi phạm hành chính...
Cáo trạng có những chi tiết chưa chính xác?
Ngày 5-9, chúng tôi tìm đến nơi sinh sống của hai gia đình ở xã Liên Đầm (Di Linh) để tìm hiểu thêm. Tiếp chúng tôi trong căn nhà phủ một lớp bụi, ông Chân nhắc chúng tôi mang dép vào và giải thích do rẫy nhà ông cách đó chừng 10 km, đi lại khó khăn nên ông bà thường ở trong rẫy, rất ít khi về nhà.
Bà Trương Thị Hằng (vợ ông Chân) bảo suốt bốn năm nay nhà bà ăn không ngon, ngủ không yên. Rồi đến cái ngày mà con trai ông bà là anh Trịnh Văn Phương bị bắt tạm giam (tháng 8-2015), bà chỉ biết cầu nguyện cho con “tai qua nạn khỏi”. Chị Trịnh Thị Nga (con gái ông bà) cũng kể những ngày đầu mọi chuyện cứ rối tung lên, cả nhà luôn phải trấn an tinh thần của nhau.
Bà Tuyết cùng bà Hằng (phải) đã vui vẻ trở lại và thông cảm cho nhau. Ảnh: N.NGA
Sau hai tháng bị tạm giam, anh Phương được tại ngoại. Kể từ đó anh bắt đầu tìm đến thuốc lá. Chúng tôi thấy anh ngồi trầm ngâm ở hiên nhà với điếu thuốc trên bàn tay còn đỏ quạch màu đất, khuôn mặt hốc hác, rám nắng.
Nghe tin “có nhà báo tới”, rất đông hàng xóm của hai gia đình kéo đến chia sẻ. Họ nói rất mong cơ quan pháp luật dàn xếp cho hai nhà ổn thỏa vì “dù gì họ cũng là chỗ thân thiết, là chị em kết nghĩa với nhau”. Đáng chú ý, hàng xóm của ông Chân đều nói không ai thấy nhà ông Chân đóng cửa khi đánh bà Tuyết như cáo trạng xác định. Anh Molom Bùi (gần nhà ông Chân) khẳng định với chúng tôi rằng sáng đó anh không ở nhà nên không biết chuyện gì xảy ra ở nhà ông Chân, không hiểu sao cáo trạng lại ghi anh khai “tôi nghe tiếng người ồn ào trong nhà ông Chân nhưng khi ra xem thấy nhà đóng cửa nên đi về”…
“Dì Tuyết bảo ghé nhà cho trái cây”
Biết chúng tôi đến gặp bà Tuyết, gia đình ông Chân đi theo để xin lỗi bà Tuyết. Ban ngày gia đình bà Tuyết đi rẫy, chập choạng tối mới về. Gặp mặt, ông Chân mở đầu câu chuyện: “Thời gian qua hai nhà ra đường, tình cờ gặp nhau mà ai nấy đều ngoảnh mặt đi là không hay lắm. Vợ chồng tôi và các cháu đến nhà mong chú dì thông cảm, bỏ qua tất cả cho chúng tôi”. Anh Phương nói thêm: “Chị em chúng cháu sai rồi, mong dì đừng giận nữa”.
Bà Tuyết còn giận lắm! Im lặng một lúc, bà mới lên tiếng: “Thật ra em cũng không muốn làm to chuyện. Nhiều lúc em cũng đắn đo lắm! Tức thì tức vậy chứ thằng Phương, con Nga nó còn có con có cái. Bữa em có đọc bài báo, thấy nó bảo khi bị bắt, vợ nó phải nói dối con là bố đi làm rẫy, khi nào bố về sẽ mua bánh… em buồn lắm chứ! Tiền bạc không thể mua được danh dự, em đâu có muốn lôi kéo ai vào con đường cùng”.
Bà Hằng cảm động ôm chầm lấy bà Tuyết: “Trước kia dì cũng thấy hai chị em mình thân thiết như ruột thịt. Tôi tức là mọi người cứ đồn tôi đi ngủ với người khác rồi còn bị mang tiếng là cho họ 100 triệu đồng nữa”. Bà Tuyết lên tiếng: “Không có đâu! Họ nói bậy đó!”. Bà Hằng liền day tay bà Tuyết: “Thôi chuyện đã rồi. Tôi đánh dì là tôi sai. Anh chị có sai thì anh chị xin lỗi dì. Chứ bao năm hai gia đình đi lại với nhau, dì thừa biết tính tôi mà”.
Chồng bà Tuyết đưa điếu cày lên rít một hơi, làm không khí trở nên tự nhiên hẳn. Chị Nga tiếp lời: “Do lúc đó cháu quá thương mẹ, chỉ nghĩ mẹ già rồi, có sui gia, nội ngoại, bị người ngoài đồn thổi nên mới hành động nông nổi như vậy”.
Bỗng bà Hằng ôm đầu, xin dầu gió. Bà Tuyết vội đi lấy thuốc cho bà Hằng uống: “Em cho chị hộp thuốc bổ, chị mang về uống đi. Những lần đi đám cưới, em vẫn dõi theo chị, chị đã suy sụp đi rất nhiều. Em tiếc tình cảm gia đình của hai bên lắm”.
Dù đang đau đầu, bà Hằng vẫn nở nụ cười vui mừng. Rồi bà Tuyết vui vẻ đưa gia đình người chị kết nghĩa ra cổng về nhà. Sáng hôm sau, anh Phương gọi báo tin vui cho chúng tôi: “Sáng nay dì Tuyết vừa gọi cho tôi bảo ghé nhà lấy ít trái cây mang về ăn. Nhà tôi mừng lắm! Đêm qua mẹ tôi đau đầu phải nhập viện nhưng nghe dì Tuyết cho trái cây, mẹ đã nhẹ lòng hơn rất nhiều rồi!”.
VKS huyện vẫn cho rằng bị hại không có khả năng tự vệ Để làm rõ hơn vụ án, chúng tôi đã liên hệ với các cơ quan tố tụng huyện Di Linh. Trung tá Võ Khánh Vân (Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Di Linh) cho biết hồ sơ đã chuyển qua VKS, tòa nên không thể cung cấp thông tin. Tuy nhiên, ông Vân nhấn mạnh: “Ban đầu CQĐT chỉ ra quyết định xử phạt hành chính nhưng VKS huyện yêu cầu phải thu hồi quyết định này. Chính VKS đã ra quyết định khởi tố nên chúng tôi mới điều tra theo yêu cầu của VKS”. Ông Phan Văn Phương (Phó Viện trưởng VKSND huyện Di Linh) lý giải về quyết định khởi tố, truy tố: “VKS truy tố các bị cáo là do bị hại không có khả năng tự vệ chứ không phải căn cứ vào tình tiết các bị cáo đóng cửa. Lý do là nhà ông Chân phía trước là đường lộ, hai bên đất trống. Khi xảy ra vụ tát tai, tương quan về lực lượng thì một bên bảy người, một bên chỉ có một. Hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn thế nào là “không có khả năng tự vệ” cho nên tùy thuộc vào nhận thức của các cơ quan tố tụng. Trước khi truy tố, chúng tôi cũng phân vân nên đã báo cáo lên cấp trên hết rồi để có sự cân nhắc kỹ càng. Tôi chỉ có thể nói được như thế thôi”. Ông Trần Thanh Hải (Chánh án TAND huyện Di Linh) thì nói không thể trả lời PV vì thẩm phán chủ tọa phiên xử sơ thẩm đã đi công tác. Ông Hải cũng cho biết thêm việc xét xử “do HĐXX đánh giá chứng cứ, lãnh đạo cơ quan không thể can thiệp”. Sau đó, PV nhiều lần liên hệ với thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm nhưng thẩm phán này từ chối tiếp, nói đang rất bận và hứa sẽ liên lạc với PV sau. Trong khi đó, đại diện VKSND và TAND tỉnh Lâm Đồng đều từ chối cung cấp thông tin cùng quan điểm vì vụ án đang trong giai đoạn tố tụng chờ tòa phúc thẩm giải quyết (hiện gia đình ông Chân đã kháng cáo kêu oan - PV). Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi vụ án có diễn tiến mới. |